Thứ Sáu, 9 tháng 4, 2010

Bức tường lạnh ngắt

1.
Ngày trước có lần vào một forum tâm lý, tôi định tham gia một chủ đề bàn về chứng trầm cảm và ý định tự tử nhưng lại thôi. Cảm giác khi logout ra khỏi diễn đàn rất khó tả. Những người đang bàn luận là những người đã từng trải qua hoặc đang trải qua trầm cảm. Tôi cũng đã từng trải qua điều đó nên hiểu rất rõ sự bất lực của ngôn từ. Nhưng tôi cũng hiểu rất rõ cảm giác bất lực đau đáu mù mờ của những tâm bệnh kia. Mà thực ra đó cũng là thân bệnh: cảm tưởng như ngọn lửa khí lực trong mình cứ lụi dần đi rã rời. Một cảm giác vừa mong muốn được giúp đỡ lại vừa mất hết niềm tin tự chính mình. Hầu như vô nguyên cớ. Có thể nói đó là cảm giác về sự kiêu hãnh của bản ngã bị tổn thương mục ruỗng. Tôi rơi vào những cơn mộng mị triền miên cả năm trời.

2.
Có thể vì vậy mà sau này tôi thường chú ý và dễ nhận ra những týp người có xu hướng tâm trí dễ bị hôn trầm như thế. Ngay từ lúc chỉ mới là những biểu hiện mong manh. Đó là một sự thành thực muốn chia sẻ, muốn hô to lên gọi người phía xa trong khu rừng mù mịt. Không vì cái gì cả. Nếu có thì đó là từ lòng thương với chính mình.

Tôi thấy bóng dáng của mình trong đó. Tôi thương tuổi trẻ của tôi bơ vơ không người chỉ dẫn. Hay chính nghĩa của trưởng thành là phải trải qua những ngày tháng như vậy? Như D.T.Suzuki đã miêu tả - "(...)bắt đầu trịnh trọng quan sát quanh mình, và tra hỏi về ý nghĩa của cuộc sống. Tất cả nguồn năng lực siêu hình, bấy lâu vùi kín trong tiềm thức, bỗng dưng như cùng một lúc trào vọt ra. Nếu chúng bùng ra dồn dập và bạo quá, tâm trí có thể mất thăng bằng một thời gian, lâu hoặc mau; trên thực tế, nhiều trường hợp kiệt quệ thần kinh như vậy đã được ghi nhận trong tuổi trẻ, mà nguyên do chánh không ngoài sự đổ vỡ thế quân bình nội tại. Thường thì hậu quả không vết tích gì sâu đậm; nhưng ở đôi căn tạng thì khác hẳn; hoặc vì những khuynh hướng nội tại, hoặc vì sức tác động mạnh của những luồng ảnh hưởng xung quanh vào bản chất dễ cảm kích, cơn thức tỉnh tâm linh ấy chấn động họ đến tận cùng cá thể. Đó là lúc phải dứt khoát chọn giữa cái “vĩnh viễn có” và “vĩnh viễn không(...)"

Nhưng cũng có thể vẻ bề ngoài của nó chẳng mấy cao sang được đến thế. Chỉ là khởi đi từ những sang chấn tâm lý mà tinh thần mình không tài nào điều chỉnh được.

3.
Những người trong cơn trầm cảm kia, họ có biết thương mình thương người không? Tôi nghĩ là có. Họ có thể viết rất hay về tình trạng của mình. Như tôi cũng đã từng viết đâu đó. Nhưng họ thương mình một cách sai nhầm.
...
Còn rất nhiều nữa những khả năng, nhưng tất cả đó chỉ là lời NÓI. Tự sâu xa tôi hiểu cái bạn thiếu là 1 cái gì đó thuộc về miền sâu TÂM LÝ. Cái cần chữa trị nằm thăm thẳm trong đó chứ không ở lời nói. Cách tôi thường làm là giữ với bạn 1 khoảng cách vừa đủ để bạn nhận thấy sự trống trải, cũng vừa đủ để nuôi dưỡng 1 hy vọng, 1 sự tín nhiệm vào hiện hữu con người.
...

4.
Tôi thật may mắn vì cuối cùng cũng thoát ra được những cơn mộng mị. Và mãi sau này tôi mới ý thức đầy đủ mình đã thoát ra khỏi điều gì.

Mỗi người/thăm thẳm/một chiêm bao. (Trần Dần).

Tôi không có tham vọng khái quát kinh nghiệm của mình cho mọi người. Nhưng tôi vốn nghĩ vì chúng ta là người nên chúng ta khác nhau theo một lối giống nhau. Bây giờ nghĩ lại những nguyên nhân sâu xa gián tiếp gây ra tình trạng hôn trầm của tâm trí chính là sự dễ dãi với cảm xúc và trí tưởng tượng. Một phần nguyên nhân lớn là đọc quá nhiều sách truyện hồi nhỏ. Một phần khác chính là cái ảo tưởng về giá trị của bản thân sau khi ôm một mớ lộn xộn đó trong tâm trí. Cái ảo tưởng này hầu hết những người đọc nhiều sách (vô tội vạ) đều bị. Câu chuyện dang dở về một gia đình mà tôi viết trong blog này cũng có ý dẫn về điều đó và những hậu quả thảm hại của nó.

5.
Vậy cơ may nào đã giúp tôi thoát ra khỏi ngày tháng đen tối đó?
- Tôi tình cờ bắt gặp cuốn thơ của Lưu Quang Vũ. Điều đồng cảm sâu sắc và động viên tôi lớn lao nhất chính là cái tâm thế nhất định không cam chịu, bế tắc nhưng trong sáng và quyết liệt. Và có thể cũng một nòi nuông chiều cảm xúc khoác màu tự vấn.

- Tôi trải qua một kinh nghiệm nội tâm mà nhờ đó tôi nhận ra được là ngôn từ chỉ là phương tiện và hời hợt vô cùng. Hiểu rất khác và không là gì với Biết. Thấy và Biết.

- Tôi có một ý tưởng đến rất tình cờ nhưng là một quyết định quan trọng: Nếu cuộc đời rơi vào chỗ bế tắc đến tuyệt đối vô nghĩa, tuyệt vô hy vọng-thì hãy coi chính việc NHẤT QUYẾT VƯỢT QUA nó làm mục đích. Đời có thể vô nghĩa, nhưng vẫn có thể có 1 MỤC ĐÍCH.

- Tôi chuyển chỗ ở. Gạch đầu dòng những công việc phải làm của từng ngày: đánh răng, rửa mặt, giặt quần áo...Tôi làm từng việc một theo thứ tự. Hết một ngày thì sẽ gạch hết bấy nhiêu dòng.

Hôm nay là tất cả những gì đã gạch xóa, vo tròn và ném vào sọt rác

Ngày mai lại cong cớn, vội vàng trên cánh cửa...

- Tôi đọc được và học theo cụ Nguyễn Hiến Lê: đọc sách với một cây bút và tập giấy. Muốn học về cái gì thì tập viết về vấn đề đó. Tôi chọn những loại sách nói về vấn đề của tôi. Tôi không đọc mà là HỌC. Dùng trải nghiệm để kiểm chứng và cảnh tỉnh tri thức. Dùng lý trí và logic để xử lý mỗi trang mỗi dòng. Làm cái gì cũng phải học phải suy luận. Tại sao học làm người lại chỉ cứ ang áng cảm tính với mấy anh Nhật bán quán thích rượu tây thế được hả các bạn gái trẻ???

Và theo đó tôi lấy ngay những cơn mộng mị của mình làm đối tượng nghiên cứu. Tôi may mắn tìm thấy những cuốn sách của Erich Fromm làm điểm tựa.

Nhưng 2 cuốn sách mà tôi thấy muốn nói đến nay lại là 2 cuốn sách mỏng nhất: Thiền trong nghệ thuật bắn cung (Nguyễn Tường Bách dịch), Cái dũng của Thánh Nhân (Nguyễn Duy Cần).

6.
Thành thực và khiêm tốn trước chính mình.
Nhẫn nại. Tường minh. Và xác tín.

7.
Trước bức tường lạnh ngắt ta vẫn còn "một cái gì trắng xoá tựa mây bay..."

Đó không chừng cũng là một cơ may.
Chỉ khi chúng ta trực diện với sự khốn khổ của chúng ta. Chỉ khi ta trực nhận Khổ Đế trong tuyệt vô HY VỌNG. Khi bốn phía đều là tường vách. Nhưng ta còn tinh thần quyết vượt của Bạch Ẩn Huệ Hạc thì có khi lại là cơ may hội kiến "Tổ sư tây lai ý"...

Đừng hỏi tôi đang như thế nào. Giữ câu hỏi đó cho chính bạn. Ngày hôm nay.

15 nhận xét:

doanh nói...

Cũng đã trải qua, dù không tới một năm, nửa chừng đó thôi, và cũng không cao sang gì mấy, bằng một cách "khác nhau theo một lõi giống nhau".

không cần khen viết hay, cái đó vô lối, nhưng cảm ơn cậu, đọc từng chữ một.

doanh nói...

à, lúc đầu quả thực không nhìn cái tít, đọc xong văng vẳng thấy tiếng dội bên kia vách tường. Lâu nay nghe hoài một bản 'Comfortable Numb'.

doanh nói...

Comfortably

Unknown nói...

Cũng từng trải qua, khoảng một tháng. Một hôm say rũ rượi chợt nghe câu hát: "...và ta đã làm chi đời ta...", rồi chợt thức. Viết hay lắm Tùng

Lana nói...

Ai trong đời mình cũng có thể có những thời điểm đen tối/ quẩn quanh bế tắc. 'thoát ra khỏi' là may mắn và thành công rồi.
Điều quan trọng nhất có lẽ là ý tưởng phải thoát ra khỏi trạng thái ấy. Có 'ý tưởng' đã là thái độ tích cực và hứa hẹn thành công rồi, đúng không Tung H.?
Mình, lúc bế tắc nhất, cứ hay lặp đi lặp lại nhắc bản thân câu này của người Nga: "Trong mọi tình huống, vẫn luôn tồn tại ít nhất một lối thoát". Mình cần phải tìm ra lối ấy, và đi...
Cảm ơn entry này nhé, Đúng như Gấu nói, đọc từng chữ một.

doanh nói...

@Lana: bế tắc/khủng hoảng là chuyện thường chị ạ. Cái nguy cơ 'hôn trầm' ấy mới khiếp, mà em nghĩ như bạn Tùng, ai cũng có khả năng rơi vào. Chưa bị stress thực sự thì không bao giờ tin có ngày mình lại đến nông nỗi thễ.

@Tùng: "cảm tưởng như ngọn lửa khí lực trong mình cứ lụi dần đi rã rời" - câu này rất chính xác. Tớ bị rơi xuống khi đang đứng, bị bay lên khi đang ngồi, đến mức không dám ra đường, không dám chạy xe trong chừng 1 tháng hỗn loạn.

Cậu may mắn vì có Lưu Quang Vũ. Tớ thì có bạn. Một người bạn bình thường bỗng dưng hiện ra và kéo mình khỏi cái hố hun hút và ruỗng mục theo cách từ đầu tới chân.

Kinh nghiệm của tớ sau đó là đối diện trực tiếp với bức tường chắn. Lối thoát duy nhất là nhãn lực của mình đủ xuyên thủng được nó, để có một tí le lói.

Titi nói...

Ôi trời! Sao nhiều người bị cái chứng nài vậy? Hic...mình có một giai đoạn bị stress nhưng chỉ hay cáu kỉnh và nổi nóng thôi. Chưa bao giờ bị cạn kiệt lòng ham sống sợ chết cả. Hì...

Đến khi được nói chiện nhiều với trẻ con, mình học được tính kiên nhẫn. Ròi đến khi học được ở sư phụ mình một câu thôi: cuộc đời đẹp lắm. Con không thấy nó đẹp là bởi vì con tự trói mình trong 4 bức tường, trong những vòng luẩn quẩn của tri thức bé mọn, trong những nguyên tắc vớ vẩn mà con được biết...hãy thử phá hết chúng một lần đi con. Thì mình thấy cuộc sống sao mà nhẹ nhõm thế. Hi hi...

M nói...

Em cảm ơn bài viết này của anh. Em cũng tự xếp mình vào nhóm đọc nhiều, đọc vô tội vạ, lại còn xem phim nhiều... và tất nhiên, như anh biết rồi, em là một người dễ bị trầm cảm. :)
Có lẽ em sẽ học cách để đi qua giai đoạn trầm kha này như anh đã chia sẻ. Điều em cảm thấy đáng tiếc nhất, là em không thể nào đồng cảm với đạo Phật được như anh. Em đã thử, nhưng rốt cục em vẫn bị trượt ra khỏi nó, và lại vô vọng tìm kiếm một con đường khác.
Trong khi này, đúng là em đang lấy việc phải vượt qua bệnh tật của mình làm mục đích cuộc đời. :)
Hi vọng sẽ có lúc em được thấy bình yên như anh bây giờ. Có phải thế chăng?

Tung H nói...

@các bác: thường tôi viết đều mơ hồ là cho ai đó. Nhưng cố gắng để có thể cùng đồng điệu với mọi người. Thật may là thảy đều "chúng khẩu đồng từ". Tôi muốn hoạ 1 vần với bài quan điểm của bác Vu Pundit về bệnh lý thần kinh. Tôi ủng hộ dùng thuốc nhưng tôi đã may mắn không phải dùng thuốc.

@Bác Gauxx: :)

@M: "Đời sống nội tâm và ngoại cảnh bồng bềnh đều như cây cầu khỉ cheo leo với người mù. Mà kẻ dẫn đường tốt nhấtlà tinh thần quyết vượt" (Bạch Ẩn Huệ Hạc).

HY nói...

Những câu viết thật thà và tận tình như thế này chắc còn giúp được cho nhiều người. Một tiếng gọi giữa miên man mờ mịt...

Nặc danh nói...

Tôi từng bị rất nhiều ám ảnh và vài lần bị trầm cảm đến mức phải đi khám bác sỹ và uống thuốc. Nguyên nhân thường là do có 1 cú shock nào đó. Kỳ lạ là hiện giờ tôi sống đặc biệt cô đơn, nhưng rất ít khi buồn. Sống ngày nào biết ngày ấy, không quan tâm đến tương lai. Có điều dạo tôi muốn nghiên cứu triết học nhiều hơn, chỉ sợ suy tư, mặc tưởng nhiều quá, không biết bệnh cũ có tái phát không.

Kd

Tung H nói...

@Kd:Triết học (theo tôi) bắt đầu bằng một thái độ triết lý (về cuộc đời mình). Như vậy sẽ đối phó được với sự trầm trọng kia.

Về điều này tôi xin phép nói dần ra.

Unknown nói...

Hồi xưa em cũng có offline với 1 nhóm bạn trầm cảm. lắng nghe và biết dc nhiều điều từ họ. Giờ lâu lắm mấy năm rồi, ko biết tin tức của họ nữa... Đọc bài này của bacs lại nhớ đến họ
Codet...

Tung H nói...

Đối với họ ngay cả những người thân yêu nhất cũng chẳng ăn thua gì. Offline cũng chỉ như thói nghiện shopping của phụ nữ. Rốt cuộc là một đống phù phiếm to tổ chảng :P

Titi nói...

Trời, đừng nghĩ offline tiêu cực như thế T ơi. Đó là vì em chưa tìm được những người hợp khẩu vị em thôi :-D