Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2009

Ghi chép. Những giấc mơ đã mơ. Bảy. Bình 2 (ghi chép 1).


1.
Câu chuyện giấc mơ đã đến hồi vãn và ý nghĩa đích thực của những giấc mơ sẽ mãi mãi là câu chuyện "một mình mình biết một mình mình hay" mà thôi. Tôi chỉ muốn ghi lại chúng như là những biên bản của một vài năm tháng đã qua. Có nhiều thứ nhất thời có lúc ta muốn xoá bỏ đi, nhưng thực ra nên để đó và đi tiếp. Thời gian sẽ bình ổn, và đôi khi chính những thứ lủng củng linh tinh của quá khứ sẽ giúp ta đỡ ảo tưởng hơn, nhận thức đúng thực tại hơn. Để kết thúc loạt ghi chép này sẽ là vài dòng về giấc mơ đã dùng để khởi đầu. (Tôi vốn định trích 1, 2 giấc mơ của vài người bạn trên diễn đàn đã phân tích nhưng đó là ngữ cảnh một hội thoại khác, giờ nghĩ lại nên không muốn đưa ra nữa)

Rất ngạc nhiên là khi nối kết các ký ức lại tôi nhận thấy tâm trí đã lựa chọn nhiều biểu tượng rất hay. Hình ảnh cụ già chính là do ảnh hưởng của một bài báo đã đọc lúc trong ngày mà Châu Giang (hoạ sỹ) có nói về sự chín muồi của tuổi già trong những bức ảnh chụp các cụ già ở Hội An. Bộ 3 chính là tượng trưng của Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng) mà lúc đó đang nằm trong tâm trí tôi từ câu chuyện trước đó trên Hương Sơn. Trong Tam bảo ta chỉ có thể biết chắc được Tăng, do vậy chỉ có 1 người đứng ra nói chuyện với tôi. Và cũng chỉ là người hướng dẫn và tôi phải tự giải quyết vấn đề của mình (lũ rắn và thỏ tượng trưng cho nhân quả chằng chịt - công án "bất lạc nhân quả và bất mị nhân quả"). Nhưng triết lý sống không phải là 1 trò chơi chữ nên giấc mơ không thể làm được điều thần kỳ và thường cái kết thúc cũng chính là cái đã khởi đầu mọi sự.

2.
(trích. nốt)

Ta thử so sánh giữa những gì hình ảnh và nhịp điệu cảm xúc đã thể hiện trong giấc mơ này với những gì được ý thức đến trong lúc tỉnh thức tại cùng một khoảng giai đoạn thời gian của người mơ.


"Những thúc đẩy nội tâm tạo ra một trạng thái mơ hồ - điều này làm tôi thực sự vừa lo sợ vừa ưa thích nó. Chẳng lẽ lại là thứ trạng thái rẻ tiền mà người ta vẫn gọi là “thú thương đau” đó sao. Và mặc dù nó được ngụy trang bằng hình thức gì, đắp điếm bằng ngôn từ hay triết thuyết hoặc tôn giáo nửa vời thì cái sự thực hiển nhiên vẫn là một tâm hồn tha hóa – sự yếu hèn của ý chí đi cùng sự thiển cận của lý trí. Tất cả điều đó phải chăng là biểu hiện của tính vị kỷ hẹp hòi? Vậy phải đặt vấn đề và giải quyết như thế nào đây?

- Thứ nhất, sớm hay muộn thì trong mọi nẻo của cuộc sống đều cũng phải đụng tới câu hỏi về ý nghĩa của đời người. Nếu không thực sự trả lời được thì suốt cuộc đời sẽ chỉ là sự dằn vặt và ám ảnh bởi sự hèn nhát. Sẽ không bao giờ tôi có thể coi như chưa từng có câu hỏi này. Nói cách khác thì không thể chấp nhận ý nghĩ thỏa hiệp nửa vời được. Mặc dù vấn đề là riêng tư nhưng nó đã là một vấn đề của ngàn đời nay rồi. Người ta chỉ sống một lần duy nhất trong sự vô cùng tận của không gian và thời gian. Những bản năng, những nhu cầu mà tự nhiên và xã hội tạo ra cho bản thân đã trở thành ràng buộc – như tơ rối vậy. Tôi vùng vẫy tuyệt vọng trong đó. Người ta nói nhiều tới giản dị - họ đánh đồng sự an phận với giản dị. Khốn kiếp! Tôi nguyền rủa thái độ đó. Họ thương hại nhìn tôi như nhìn một thực thể quái đản lầm lỡ. Tôi không tìm cách biện bác vì tôi cũng không thương gì cái bản thân đó. Vả lại tôi không cho mình cái quyền cười nhạo kẻ khác khi bản thân mình tồi tệ. Nếu anh hạnh phúc thì anh phải tôn trọng hạnh phúc của người khác và cảm thông với kẻ bất hạnh; nếu anh bất hạnh lí gì anh ghen tức hạnh phúc của người khác và không chia sẻ với kẻ đồng cảnh? Nhưng khi anh phải lựa chọn giữa quyền lợi và thua thiệt thì sao? Khi tôi chưa biết nơi nao là con đường phải đi mà tôi lại phải lựa chọn – lựa chọn khi hạnh phúc và quyền lợi (thứ quyền lợi được gán ghép bởi cái Tôi tự ngã đã và đang có trong mỗi bản thân) được đánh đồng một cách mù quáng. Làm gì có thứ hạnh phúc được xây dựng trên bất hạnh của kẻ khác? Nhưng nói như thế có khác gì mặc cả bằng chữ nghĩa đâu. Không hiểu ý nghĩa sống thì làm sao biết hạnh phúc là gì mà lựa chọn mà nói luận lí đây? Tôi biết rằng tôi muốn sống ngay trong cuộc đời này, với tất cả những gì tôi có – nếu như tôi hiểu ý nghĩa cuộc sống đích thực, thì đó chính là giản dị. Bằng không, đó là nhợt nhạt và hèn mọn. Bằng những kinh nghiệm tinh thần của bản thân, tôi bắt đầu nghi ngờ tri thức và những giá trị xã hội – khi mà trước kia tôi ra công để biết và hiểu nó, tôi luôn cảm thấy nuối tiếc điều này đồng thời tự chế giễu nó. Nghĩa là tôi đang phân vân và phải lựa chọn. Một đàng là con đường mà hầu hết mọi người đều đã chấp nhận, một đàng là những điều tôi chưa thấy rõ hẳn. Tôi biết khi nói như thế là tôi đang mắc phải tình trạng thụ động trông chờ một điều bên ngoài mình, một sự mong đợi siêu hình giải quyết hộ mình. Ông tăng hỏi Mục Châu: Làm sao khỏi mặc áo ăn cơm? – Mặc áo ăn cơm! Tôi cảm nhận dễ dàng hơn là giải thích thoại đầu Thiền này. Nhưng tôi chưa thóat, nghĩa là tôi vẫn chẳng hiểu quái gì cả. Nghĩa là cái biết chưa thành cái thấy – cái biết vẫn chỉ là một thứ trang sức mà thôi.

Thứ hai, là bằng cách nào tôi sẽ đi con đường phải đi này đây? Sự mềm yếu trong sâu thẳm đòi hỏi một người dẫn đường hay chí ít là một bạn đường; nhưng phải chăng đó là mầm mống vi tế của thái độ trông mong vào thế lực bên ngoài mình – cũng là phút căn bản nguyên thủy khiến kẻ đi đường mãi mãi lầm lỡ? Rồi nữa, mấy tháng vừa qua, chỉ là thử chầu rìa cuộc sống mà tôi định ẩn dật trong đó đã khiến tôi vỡ lẽ ra rằng tôi sẽ chẳng bao giờ có được khoảng lặng lí thuyết để mà giải quyết sứ mạng của chính mình. Cuộc sống chồng lớp những ràng buộc, nó vận động không ngừng và vô thường hằng; nếu không nắm bắt được là vì thế đối đãi chứ không vì tự thân nó thiếu điều gì cả. Nhưng tôi phải đặt toàn thể năng lực tinh thần của bản thân vào đâu? Tôi cần hành trang gì cho chuyến đi này? Tôi phân vân giữa lí trí và ý chí. Khi tôi có ý định đặt ý chí vào một chỗ nào đó thì lí trí lại cản trở bằng sự lưỡng lự phân vân; và hai thứ đó không còn là một thể thống nhất nữa. Nói cách khác chính là tôi đã đánh mất niềm tin. Triết học có những tiên đề tiên nghiệm và tôn giáo có những tín điều; tôi không máy móc phân biệt hay mặc cảm thành kiến gì về các khái niệm này mà chính là tôi thiên về thực chứng hơn là sa vào trùng vi của ngôn ngữ, luận thuyết. Có thể đây chính là mấu chốt của vấn đề, tôi muốn theo con đường của phương Đông đi thẳng vào con người hơn là phân chia nó thành các đối tượng riêng biệt của phương Tây. Giờ đây nếu phải thay đổi, dù là tạm thời, thì chính là thay đổi điều này: giữ cho mình không sa vào thiên kiến vô lý nào và gõ tất cả cánh cửa, dò mọi nẻo đường bằng toàn bộ năng lực sinh mạng sống của mình. Không phải tôi có lúc chưa nghĩ tới điều này mà chính là tôi thường bị sao lãng và hấp dẫn bằng cái vẻ hạnh phúc thường nhật của mọi người – Làm sao tôi không hiểu tôi đang có ý định phủ nhận cái tri thức mà chính nó giúp tôi nhận biết và tư duy đây, cho dù điều này nếu xét cho tận cùng thì không rốt ráo và cũng chỉ là vòng lặp mới của ngôn từ mà thôi. Không chừng sẽ nảy sinh lí luận luẩn quẩn về khái niệm và đối tượng phản ánh hay lời phàn nàn của tự nhiên khi bỗng một ngày cái ngôn ngữ được nuôi dưỡng và phát triển quay ra đòi quyền tạo tác thế giới...

Đến đây tôi ngờ ngợ nhận ra khiếm khuyết của mình: Tôi đã đi tới những câu hỏi, loay hoay tự tìm cho mình lời giải; những suy diễn ngây ngô đã có những lỗ hổng, tôi bổ khuyết nó bằng những mẩu nhỏ luận lý hay ý tưởng của người khác và rồi cái Tôi tự ngã luôn chờ chực sẵn để biến tạo thành những ngôn ngữ mới của nó mà không đếm xỉa đến cứu cánh. Anh ấy đã nói đúng. Tôi luôn đứng ngoài suy nghĩ của người khác và có chăng thì chỉ là đứng một chân thôi! Có một con vịt muốn cười nhạo thượng đế ở đây."


3.
Nhân bài viết nịnh vợ rất hay của bác ĐHP, em xin kính bác 1 ly bằng mấy dòng ngày trước :)

Tản mạn về rượu và say và tàn cơn say.


2 nhận xét:

Unknown nói...

Cảm ơn bác. Viết sâu lắm. Có lẽ bác và mình có đôi chỗ suy nghĩ giống nhau, chỉ khác nhau là bác đọc nhiều hơn, diễn đạt tốt hơn, sâu hơn nhiều.

Chu Chu nói...

tui sợ phải nhìn thấy cái tấm hình này, nó khiến tui thấy phận người thật là thê thảm.
hôm trước thấy cái ảnh nên ngại vào, nhưng hôm nay hưởng ứng lời kêu gọi của bác nên đành phải vào còm (:D)
blog bác là một trong những blog hay nhưng mà khó nhai.:D