Thứ Năm, 1 tháng 10, 2009

Ghi chép. Những giấc mơ đã mơ. Sáu. Bình 1 (ghi chép 3).

(Tranh của bạn Beo)

Bắt đầu từ phần này có vài trích dẫn hoặc phân tích về các giấc mơ. Đôi khi là cả phân tích giấc mơ người khác.

1.
Những gì chúng ta đã đề cập đến có vẻ tương đối thuận lợi. Nhưng thử bất đầu trở lại với logic ban đầu: kinh nghiệm với hiện tại đem lại kinh nghiệm nội tâm, sau đó một sự kiện mới được lặp lại trong đường lối tương tự mà ta chưa nhận thức hết. Và giấc mơ dùng kinh nghiệm cũ để tái tạo - thông qua những hình ảnh kinh nghiệm cũ. Rồi, nhưng câu hỏi sẽ là: khi nào những ấn tượng sâu đậm được giải tỏa (nếu chúng xấu) và ngược lại. Hay động cơ của ký ức là gì? Cái đang xảy ra trong giấc mơ là hiện tại hay quá khứ - theo logic ngược lại - hay là cả hai cùng đồng thời tái diễn như một sự tổng hợp thậm chí là dự kiến? Và theo đường lối khép kín của logic này thì làm sao giải thích sự phong phú theo thời gian của trí tuệ (lúc thức) và nội tâm tình cảm (lúc ngủ) - vấn đề mà Freud đã tránh được bằng lý thuyết lược quy về tâm thức nguyên thủy của ông?

2.
Một giấc mơ buồn cười. Đi làm mãi rồi tự nhiên lại có chuyện vì bạn bè rủ rê mà đi thi văn ĐH. Lỡ một kỳ trong 3 kỳ mà thi vẫn đỗ, còn kịp nhẩm là điểm tb là 9 điểm. Bất chợt một cảm giác rất ngạc nhiên xuất hiện. Kỳ quái, văn chương là thứ đã cách xa mình đến mười mấy năm, lúc này mà theo học thì làm quái gì cơ chứ? Chả làm gì cả, chả liên quan gì đến cuộc sống của mình hết. Thoáng qua là ý nghĩ, đỗ rồi cứ học đi ít ra còn được ít Hán Nôm...Tỉnh dậy vẫn không hết ngạc nhiên.

Thân thể cũng chính là tượng trưng của tâm linh. Cơ thể chúng ta là biểu hiện của nội tâm. Nó tự nhiên và phổ biến. Đơn giản như khi buồn người ta sẽ khóc - không cần phải học. Nếu cứ dõi theo mãi, nhất định rồi chúng ta cũng nhận thấy, ngay cả khi tỉnh thức chúng ta vẫn phần lớn trong một cơn chiêm bao khác. Một chiêm bao thăm thẳm, miên man qua tỉnh qua mê, qua mỗi con người. Nếu tôi kể về giấc mơ là tôi mong muốn một sự đồng cảm trong sự quy hồi về bản thân mỗi người. Chả bao giờ tôi thích cái hình ảnh ông đồng bà cốt cho phép mình cái quyền phán xét về nội tâm người khác. Mỗi người đầy rẫy những tượng trưng ngẫu phát trong mình. Một khi anh có sáng tác viết lách được ra cái gì đó - với anh rất có thể nó là ngẫu phát - ra với cộng đồng nó sẽ vang vọng xô dạt như là những ngẫu phát khác, sai biệt vô chừng. Sợ tơ, làn khói mỏng manh của tượng trưng phổ biến, cái vốn chung của cộng đồng 100tỷ vượn-người này nhập nhằng, nhòe nhoẹt gạch xóa đâu đó ở anh ở tôi. Có một điều an ủi: tượng trưng ngẫu phát giúp ta giải thích được vì sao đôi khi giá trị của tác phẩm lại không phụ thuộc vào tác giả của nó. Nếu không thế giới hiện thực nhân văn thật đáng buồn nản vô cùng...

3.
Về giấc mơ trong ghi chép số 3: Đây chính là một ví dụ về cái gọi là sự tràn đầy của cảm xúc. Giấc mơ này đã phản ánh đúng những tâm tình của tôi lúc đó, hậu quả của thái độ bế tắc trước những vấn đề của xung đột chính trị, của chiến tranh mà đường lối triết lý đạo đức có sắc thái khắc kỷ tôi đang tìm hiểu chưa cho tôi thấy một đường lối ổn thỏa. Một cách tự nhiên chúng ta có những tình cảm thái độ nhất định trước một vấn đề, thậm chí ở đây là một nhu cầu giải phóng suy nghĩ bản thân. Khi chưa thỏa đáng thì có lẽ vấn đề đã bị xếp vào một chỗ, cho tới khi một nguyên cớ nào đó khơi dậy tất cả. Đây là một trong những giấc mơ có ấn tượng tình cảm xúc động mãnh liệt nhất của tôi. Nó cho thấy những gì ta cảm nhận sâu sắc luôn hiển hiện trong tâm trí ta cho dù ta không nghĩ đến chúng lúc tỉnh thức. Giấc mơ cho ta thấy cái gì là quan trọng với tâm trí ta.

2 nhận xét:

lvu nói...

đọc blog của bác thêm được nhiều từ mới.

Tung H nói...

Nói ra bác dịch giả lại vào bụm miệng cười. Một phần vì em đọc vài sách cũ, một phần vì tính đại khái phiên phiến ưa làm dáng với chữ của em. Có khi lại là từ mới do mình tạo ra ấy chứ :P

Lâu lắm mới có 1 lần tra từ điển để kiểm tra nghĩa. Em dùng từ phần nhiều là vì âm sắc sao đọc lên nghe nó vần :D