Thứ Năm, 13 tháng 8, 2009

Một cơ chế của văn hóa

1.
Chuẩn bị làm đám cưới cho cậu em, dì tôi đi hỏi 1 lượt bạn bè, người thân về thủ tục lễ lạt. Hóa ra mỗi lần có việc mọi người đều tham khảo như vậy. Kết quả sẽ là sự dung hòa các quan niệm khác biệt theo hướng phù hợp với hoàn cảnh thực tế của mỗi gia đình. Có thể đây chỉ là 1 cas riêng liên quan đến khu vực miền Bắc là nơi phong tục truyền thống có nhiều gián đoạn và thay đổi. Nhưng qua cuộc trao đổi tôi nhận thấy ngay cả như tôi có thể coi là dạng "tín nhi hiếu cổ" cũng không thực sự quá nệ vào một nghi thức chặt chẽ nào mà chỉ dùng những hiểu biết sẵn có để trao đổi. Tôi thấy cũng chẳng mấy ai tham khảo những sách về lễ chế ngày trước nữa. Sự gián đoạn văn hóa đã khiến chúng không tiến hóa được để thích hợp cho hoàn cảnh hiện tại.

Vấn đề tôi nhận thấy là đa số mọi người không chủ tâm tìm hiểu những chủ đề về lễ tục nhưng lại sẵn sàng thực hiện mọi nghi thức rườm rà nhất chỉ vì "mọi người bảo thế". Vai trò của "mọi người" liên tục xoay vòng và văn hóa trở thành rất tương đối trong 1 cơ chế có tính cách ứng biến như vậy.

2.
Văn phòng kiến trúc chuyển về chỗ mới ở tầng 7 của một tòa nhà. Ngoài Bắc đếm từ đất lên là 1 đến 7 chứ không tính trệt và lầu như trong Nam. Anh bạn giám đốc đang cố gắng thay đổi thói quen của mọi người để gọi địa chỉ của VP là tầng 6A bất chấp vấn đề "thất bát" vốn chỉ được du nhập từ mấy chú Khựa dân buôn ven biển miền Nam TQ trong khoàng vài trăm năm lại đây. Mê tín nó có tính chất vơ vào và biến báo một cách tự nhiên. Đáng ngạc nhiên là các KTS lại có thể chấp nhận sửa số tầng để cầu may cho bản thân trong khi thực tế nếu có bước quá khỏi ban công thì vận tốc tiếp đất vẫn phải tính đủ chiều cao cho 7 tầng!

3.
Một cách biến báo vơ vào khá phổ biến nữa là góp nhặt tập đại thành các tín điều thành một nội dung có dáng dấp học thuật. Phong thủy là một cas điển hình. Các nhà phong thủy đại sư đang xuất hiện với vai trò ngày càng quan trọng và chính thống*. Mới đây trên vietnamnet còn thấy cả bản đồ số của "đại địa mạch" thế giới có hình con rồng! Tư tưởng về "khí" hầu như đã có hình dạng cụ thể bất kể mọi tài liệu bản đồ cổ còn lại ngày nay của phương Đông đều được vẽ theo lối biểu tượng**. Cấu trúc phong thủy thành Đại La của Cao Vương quan trọng tới mức không ai quan tâm đến việc sử chép mấy tay phong thủy bị Tiết độ sứ Cao Biền chém vì rông càn. Chắc tại cạnh tranh nghề nghiệp.

Ngụy tác và phong thánh cho "các cụ"*** là một trong những mô tuýp điển hình của văn hóa phương Đông. Thời kỳ chuyên chế là thời kỳ có xu hướng tập đại thành cao nhất về các tư tưởng văn hóa****. Có thể hiểu vì nó nhấn mạnh tính chính thống, bài trừ dị biệt và những cá nhân trong xã hội cũng bị đồng nhất hóa tới độ có xu thế mất đi vị thế và khả năng tư duy phê phán độc lập. Một số khu vực tư tưởng thậm chí còn biến mất không tăm tích. Một hậu quả thoái lui về thời kỳ tôn thờ ngẫu tượng là có thể dự kiến được trong một xã hội nhiều khi phải sống như là cầu may thay vì dựa vào năng lực và nhân cách của mình.
--------------

(*) - Với đặc điểm nằm trong truyền thống chiêm nghiệm không lý giải của phương Đông tôi coi phong thủy là một mô hình quan trọng có thể tham khảo (dưới nhiều phương diện khác nhau và do đó ít nhất có thể tính như một yếu tố văn hóa) để tổ chức không gian nhưng phản đối lối tư duy thô sơ gom góp thành một tín điều có tính chất quyết định luận máy móc. Về diễn trình tư tưởng phương Đông tôi thấy mấy cuốn sách về Lịch sử tư tưởng triết học Tiên Tần và Trung Đại Trung Hoa của Hồ Thích do Cao Tự Thanh dịch là rất có ích để tóm lược được những hiểu biết có ích một cách bao quát.
(**) - Trong tập "Hà nội chu trình của những đổi thay" do IMV xuất bản có một khảo cứu công phu của 1 tác giả người Pháp về phân tích bản đồ của Hà Nội trong quá trình lịch sử: từ thời kỳ biểu tượng Á Đông sang mô tả chính xác phương Tây. Nguyên tắc chung vẫn không thay đổi: cái được thể hiện là cái quan trọng. Do vậy theo dõi 1 quá trình của các tập bản đồ sẽ cho thấy nhiều tiềm tàng về quan điểm văn hóa chính trị từng thời kỳ.

Một điểm cũng đáng lưu ý: rất nhiều bản vẽ QH của các Viện QH hiện nay thường lược phần hiện trạng đi trong 1 số mục đích ấn bản. Đây cũng là một cas văn hóa đáng chú ý.
(***) - Không liên quan đến nội dung bài viết - "Các cụ tính hết cả rồi" là một câu nói cửa miệng khá phổ biến hiện nay về Ban.
(****) - Một mốc quan trọng là từ thời Hán Vũ Đế bên Tàu. Những 2000 năm trước.

3 nhận xét:

Nhị Linh nói...

bác làm kiến trúc sư ạ?

em ngờ bác kiếm ăn không khá lắm vì kiến trúc sư mà không biết bốc phét về phong thủy và cầm thước Lỗ Ban ngắm bên này nghía bên kia ai người ta tin mà cho làm công trình :)

Tung H nói...

hì, nói các bác bỏ quá chứ phàm đã kiếm ăn tốt thì người ta không viết blog :)

(Em làm QH, chỉ ngắm hình sông thế núi chứ không dùng thước Lỗ Ban)

Nhị Linh nói...

vầng bác nói đúng đấy ạ :( (vụ kiếm ăn)