Thứ Năm, 24 tháng 12, 2009

Một quãng đường trường


1.

Tản mạn về những chuyến đi.


Một lần tôi có việc đột xuất phải đi vào TP Vinh. Lúc ấy không kịp lựa chọn bất cứ một loại phương tiện nào ngoài việc sẽ đi xe máy. Đi cùng với một bác, mà không, phải kể là một ông già gân vì suốt chặng đường bác (đã ngoài 60) nhất định không để tôi cầm lái! Hai bác cháu đi từ 4g sáng để kịp 10g30 thì tới nơi. Lúc ấy tầm đầu tháng 10, trời còn khá ấm vào ban ngày nên lúc đi chủ quan không mặc áo khoác, ra khỏi Hà nội vài cây số thì trời lạnh không chịu được, thế là đành phải trời không mưa đi mặc áo mưa chạy vào tận Thanh Hoá mới thôi.


Từ Thanh Hoá trở vào đi đường mình cứ lo bác ấy mệt, buồn ngủ thì nguy to nên cứ gợi hết chuyện này chuyện kia để hỏi. Thế là được nghe rất nhiều câu chuyện liên quan đến những địa danh hai bên đường. Cái kênh nhà Lê khi xưa làm giao thông Nam Bắc bây giờ nhìn bé tí, rộng nhất chỉ được khoảng chưa đến 10m. Qua đến Bà Triệu, qua quê Hồ Xuân Hương, rồi đền Cuông thờ An Dương Vương và Mỵ Châu, vùng núi hai vai (bây giờ làm xi măng cụt mất một vai), nghe chuyện con bò đen con bò vàng...Lượt đi vì vội nên không có gì kể ngoài rất nhiều chuyện vụn như vừa kể, nhưng buồn cười nhất là vào gần đến nơi mới hay rằng: hoá ra bác ấy cũng sợ tôi ngủ gật nên cố nghĩ ra chuyện để nói!

Sáng hôm sau quay trở ra thì đi rất thong thả vì khởi hành muộn mà hôm ấy trời đẹp, nắng nhẹ, không khí trong lành nên cứ đi dọc đường đến điểm nào hay thì chúng tôi lại dừng lại nghỉ ngơi thăm viếng. Về nhà điểm lại thì toàn vào thăm các bà! Đầu tiên là Đền Cuông. Đền nằm bên quốc lộ 1, quay hướng Tây, kiến trúc đẹp, có phần độc đáo so với những ngôi đền có quy mô tương tự. Từ mấy trụ biểu vào đến hậu cung chia làm 2 phần cốt thấp và cốt cao một cách rất rõ rệt, thế dựa vào sườn núi. Vì vậy mặc dù ngôi đền không to lắm nhưng có một dáng vẻ rất trang nghiêm. Nhớ lại quãng đường đã qua trên một chiếc xe cũ kĩ khiến tôi liên tưởng đến chặng đường rong ruổi của 2 cha con Mỵ Châu trong truyền thuyết. Quãng đi qua núi gì (Cuông?) mà nơi có ngôi đền cổ nhỏ bé nằm trên đình, truyền rằng mới chính là nơi đầu tiên thờ cúng An Dương Vương, và chân núi là nơi có bờ biển xảy ra câu chuyện ngọc trai...Con đường đi ngang qua một cánh đồng rộng rãi, ngôi đền nhỏ bé nằm trơ trọi bơ vơ trên đỉnh dãy núi quay mặt ra biển quay lưng lại phía con đường-lần nào đi qua đây tôi cũng cảm thấy bồi hồi.


Quay lại lúc vào đền Cuông, tôi vẫn còn tâm trạng ấy. Trèo lên mấy bậc cao để vào hậu cung, không hiểu sao cứ liên tưởng đến hình ảnh An Dương Vương có phần hơi nghiêm khắc cứng nhắc, có nỗi khổ tâm đối với hình ảnh Mỵ Châu ngơ ngác, bơ vơ. (Đền thờ công chúa nhỏ bé, đơn sơ nằm bên cạnh bên tay trái đền vua-bên trong tiêu điều sơ sài. Một không gian lạnh lẽo tui tủi). Truyền thuyết chả nhắc đến mẹ nàng bao giờ. Cha già con dại, một quãng đường trường, nghìn năm gió bụi. Bâng khuâng lúc thắp hương cho nàng, tôi nhủ thầm chắc hẳn họ đã ở một nơi nào đó gần gũi hơn - để nàng có thể chăm sóc cha già, một cuộc đời đơn sơ không vướng bận. (Đền xây thời Tự Đức thì phải. Rốt cuộc đó là nơi thờ một ông vua và một công chúa, không phải là nơi cư ngụ của hai cha con. Hay họ còn ở trên đỉnh ngọn núi kia?

Đền Bà Triệu cũng ở bên đường quốc lộ, phải đi qua đường tàu. Cũng cổ kính, có mấy cây cổ thụ phủ bóng. Nhưng ở đây có phần ấm áp hơn vì bối cảnh xung quanh có nhiều dân cư và hình như cũng có nhiều hoạt động kiểu cầu tài cầu lộc. Đối diện bên kia đường ở giữa cánh đồng có ngọn núi tương truyền là mộ của bà ở đó. Cũng có một ngôi đền, từ xa nhìn thấy màu trắng thấp thoáng. Ngày trước học sử, cứ tưởng tức lên là cầm kiếm đánh nhau rồi thành ra khởi nghĩa ngay. Thực ra, ở trong vùng vẫn còn những mẩu chuyện, vết tích về thời kỳ chuẩn bị lực lượng của hai anh em bà. Bản thân bà Triệu hình như cũng có vết tích khắp mấy tỉnh trong vùng. Bây giờ giao thông thuận tiện, thông tin đầy đủ mà giật mình nhìn lại, chưa bao giờ có được cái nhìn bao quát trải ra một vùng rộng, như thế đủ thấy những con người của lịch sử luôn luôn có một bản lĩnh và tầm nhìn lớn rộng và những hành động thiết thực, đích đáng. Ông Mai Thúc Loan cũng vậy, tôi đọc đâu đấy rằng ông là một hào phú có tới 4 bà vợ ở 4 vùng miền trọng điểm thời đó. Đủ biết cụ gây cơ sở cách mạng kỹ lưỡng như thế nào! Ngày xưa nghe chuyện rút đòn gánh đánh lính nghe giống như truyện Trần Thiệp, Ngô Quảng bên Tàu vậy. (Ai đó còn có giả thuyết về gốc tích Chiêm Thành của Vua Đen nữa. Sự tích, khảo cứu vùng này, tôi đọc được cuốn An - Tĩnh cổ lục của ông gì người Pháp dạy học từ thời đầu thế kỷ mới tái bản (xuất bản?) thấy là rất có giá trị về khảo cứu.


Chính trong đấy có câu chuyện về một bài luận của học sinh An nam của ông làm sau khi được đi điền dã khảo sát họ Nguyễn Tiên Điền. Mộ Nguyễn Du khi ấy còn sè sè một nấm bên đường chứ chưa bị ồn ào như ngày nay. Có ảnh chụp, hoang sơ giữa đám cỏ, một vùng cỏ áy bóng tà. Người học trò (sau rất có tiếng, là thày dạy của một vài trí thức nổi danh) đã bất bình cảm thán nhắc lại câu thơ "bất tri tam bách dư niên hậu" mà mong có được sự quan tâm của chính quyền. Chính ông thày người Pháp đã có một lời nhận xét là ND mong có người nhớ đến mà nay Truyện Kiều đã đi vào hồn dân tộc thì còn tượng đài nào hơn nữa, chắc gì tôn vinh mà đã hơn, lại khéo sa vòng tục luỵ như những câu chuyện về điện vinh danh của Pháp? Cứ như vậy lại có khi vừa lòng ông. Chuyện thăm mộ Nguyễn Du, thăm nhà và mộ Nguyên Công Trứ tôi sẽ kể sau, nhưng thật là một nhận định của người trí thức chân chính và hết lòng yêu vùng đất con người bản xứ-nhất là khi bạn đến thăm khu di tích Nguyễn Du sẽ cảm nhận thấy điều nhận xét ấy xác đáng thế nào.

Kỷ niệm về ngôi đền cuối là một kỷ niệm ngọt ngào mà lâu lắm tôi chưa gặp lại được như thế. Ở giữa Thanh Hoá và Ninh Bình, có một đoạn đường một chiều là dốc, một chiều là hầm (tự nhiên quên mất địa danh). Bên đường có đền Rồng, tương truyền là nơi thờ vua Quang Trung do sự tích họp quân trước khi ra Thăng Long năm Kỷ Dậu. Nhìn từ ngoài thấy sặc sỡ, lại nhiều bà nhiều cô cậu lúc đi đã chả muốn vào. Lúc về tự nhiên ngó thấy có bảng đề có đền Mẫu Thoải ở sâu bên trong, thế là hai bác cháu bảo vào thăm cho đủ ba bà!


Đi một quãng ngắn thì đến nơi. Ở đây chả có ai để ý đến. Nói thế nào nhỉ, lúc ấy là gần 11g trưa. Trời nắng đẹp, ấm áp. Trời xanh cao rộng rãi, mây trắng vụn phiêu dạt. Thế mà len qua một quãng đường đất có hàng cây bụi hai bên, ven theo dòng suối rộng đến chân một vách núi dựng lại có một ngôi đền nhỏ bé, nép mình. Có cây đại già cổ kính rải đầy hoa trắng. Yên tĩnh. Mát lành. Quay ra bờ suối nhìn thấy dòng nước trong vắt, êm đềm từ trong hang nhỏ lan ra cả một vùng. Đáy suối là cả một tảng đá nguyên khối phẳng lỳ rộng dễ có đến hàng trăm mét vuông. Ngọt ngào nhất là mấy bông thuỷ tiên trắng phớt vàng đương độ lơ lửng trên mặt nước trong trẻo. Tất cả rất yên lặng. Bất ngờ một con rắn nước từ bờ thấy động trườn vào suối làm mặt nước rung rinh xao động. (Tôi đùa là mẫu ra hỏi thăm hai bác cháu!)


Một lúc sau ông từ đến-gọi thế thực ra chỉ là một người trông coi vì ở đây ít người đến cúng kiếng, tất cả ở ngoài kia). Ông mở cửa cho chúng tôi vào thắp hương. Nội điện quá nhỏ và cũ kỹ chứ không cổ xưa. Nhưng thật bất ngờ, ba bức tượng thờ thì lại đích thực là tượng cổ. Phong cách điêu khắc khuôn mặt rất đặc trưng, hơi thiên về tả thực và phúc hậu. Màu sơn thiếp cũng đặc trưng, dịu và có màu nâu nhạt, sâu, bóng. Tự nhiên tôi thấy được an ủi cho cái vẻ ngoài quá cũ kỹ của ngôi đền.


Quay trở ra nói chuyện với người coi đền. Hoá ra ông chỉ bằng tuổi bác đi cùng mình mà hai người trông như hai thế hệ! Thực quả là con người ta có mấy loại tuổi: tuổi trời giao cho mẹ cho mình thì bằng nhau, nhưng cái tuổi sinh dưỡng đã khác nhau rồi cái tuổi xã hội lại càng khác nữa. Tôi đã thấy cả một hậu cảnh cho cái buổi trưa hôm ấy, nhưng nói làm gì nhiều, đời người còn do duyên nghiệp.


Có thể rồi ai đó sẽ đến hay đã qua và thấy khác tôi. Nhưng tôi cũng biết vậy và cũng chưa hề có ý định quay lại. Cái trong tôi còn vang vọng, ảnh không kể hết được, chỉ có thể khơi gợi ra. Một buổi trưa rộng rãi, trời xanh, mây trắng, nắng hanh hao. Một quãng đường trường, một hàng cây bờ suối.


Cả cái câu chuyện có phần rời rạc, se sẽ trong một bầu không khí khác, xa xa văng vẳng lại tiếng xe cộ thảng hoặc...


2.

Bài viết cũ. Hôm nay muốn đọc lại. Nó là bài viết hầu như đầu tiên của tôi trên thế giới mạng. Kể chuyện hầu như đầu đời về công việc lúc ra trường. Định hình nên một cách sống, cách làm và một lối nhìn đời.


Có những câu văn hầu như lặp lại. Có những tâm tình vừa viết ra đã thấy giống như là chứng déjà vu. Một quãng đường trường, một quãng đời, hay chuyện nhân gian cứ đến rồi đi thao thức mãi vẫn chỉ là bấy nhiêu?


5 nhận xét:

Marcus Vu nói...

bài này hay ạ. Đọc thích lắm.

Chu Chu nói...

Mình cũng thích entry này nhiều, ngày xưa viết hay quá, bây giờ càng ngày càng ... đỡ, hihihi
Đoạn dòng suối, hoa thủy tiên và con rắn giống tự lực văn đoàn thế:D

Tung H nói...

Cảm ơn mọi người. Những lúc chạnh buồn thường hay vin vào ngày xưa :)

Bác Marcus Giáng Sinh còn ngồi online ư :)

Anyway Giáng Sinh an lành, Phục Sinh an lành. Tận đến 2012 thì mình cũng vẫn chúc nhau an lành.

Unknown nói...

Bài hay quá bác ah.
Đọc rất thú. Rất nhớ ngày xưa.

Ngày xưa đi nhiều thế thì lại không có cái máy ảnh. Bây giờ nhiều lúc muốn kể nhưng không nhớ nổi thành chuyện.

Cảm ơn bác.
Chúc Giáng Sinh Nhé.
Bên nhà có chai Henessy, kính bác một ly ảo vậy.

Tung H nói...

Thanks bac :)