Thứ Năm, 12 tháng 11, 2009

Đọc "Hội hè miên man" của E.Hemingway

1.
Đang đọc cuốn "Hội hè miên man" . Bản dịch của Phan Triều Hải (chưa nghe bao giờ) quá đạt dù tôi thì rõ là chưa hề xem nguyên bản. Đó là vì có thể cảm nhận được một văn phong, một thứ không khí từ truyện. Nó làm ta nhớ đến bằng những cảm giác. Hình như là kiểu khiến ta bị thu hút nhưng lại không bận lòng.

Có thể nhận thấy rất rõ khí chất và văn cách của Hemingway ở đây mà không cần đến những lời giới thiệu. Tôi mới chỉ đọc "Ông già và biển cả" trước đó và hầu như không biết gì về E.H. Điều này có một lý do mang tính tâm lý. Hồi nhỏ thì chưa bao giờ đọc được tác phẩm nào của ông. Hoặc là bé quá nên đọc không cảm được (nếu đúng là hình như tôi đã từng đọc "Chuông nguyện hồn ai"). Đến lúc biết thêm được một tý thì lại rơi vào trạng thái anti-văn chương. ( Chẳng biết dùng từ như thế nào nhưng đó là giai đoạn người ta vẫn trân trọng với quá khứ nhưng không thể chấp nhận được việc tiếp diễn một lối mòn để rồi gán cuộc sống của mình vào những trò diễn). Những thông tin vụn vặt về E.H lớt phớt khiến tôi nghĩ rằng đó là một nhà văn có tài, nhưng ở tuổi hai mươi người ta có xu hướng dằn vặt mình bằng những điều tuyệt đối và do vậy chỉ là một nhà văn thì không chịu được. Vậy mà lúc này tôi lại nghĩ là có thể "thấy" được nhà văn bằng vào 1 tác phẩm còn đương đọc dở (lol)!

Tôi nghĩ cảm giác dễ chịu và thư thái có được khi đọc HHMM là do khả năng dẫn dắt và trình bày tuyệt vời của nhà văn. Ông không khiến ta cảm thấy phiền muộn vì phải lẽo đẽo đi theo những triết lý tư biện của một Tôi chỉ biết có tôi dẫu vẫn là trong một hồi ký tự sự. Tuy được nghe kể nhưng nổi trội nhiều hơn lại là ta được trông thấy và cảm nhận; đúng như chính trong tác phẩm đã viết "Họ sẽ hiểu cái truyện theo cách thưởng thức một bức tranh. Chỉ cần thời gian và cảm nhận bằng những gì có trong bản thân họ". Cách nhà văn lồng ghép, pha trộn những khung cảnh, câu chyện làm ta cảm nhận được đúng là có cái tâm tính khoáng đạt rộng rãi nhưng thấm thía theo kiểu stoicism "vui lòng chịu sức ép-grace under pressure" (vi.wikipedia). Câu chuyện của nhà văn-nhân vật ở giữa những khung cảnh vốn dĩ có những câu chuyện của nó. Ta cảm giác đang sống và nghĩ ngợi cùng họ, vừa đi theo mạch truyện vừa không nhất thiết phải đồng nhất với họ. Có lẽ đó là điều mà đoạn lời dẫn giới thiệu về cuốn sách in trên bìa sau mô tả: công thức pha chế cocktail lừng danh theo cách của Papa Hemingway!

"Sử dụng những câu văn ngắn. Sử dụng những đoạn mở đầu ngắn. Sử dụng thứ tiếng Anh hùng hồn. Phải khẳng định, không phủ nhận". Dịch giả PTH hẳn là cảm nhận rất rõ tôn chỉ này của E.H và ít nhiều đã thành công trong văn phong bản dịch HHMM. Phần phụ lục cũng cho thấy tâm huyết cầu kỳ của người dịch. Nhưng đắm đuối đến mức phớt qua cả chi tiết về cái chết khác thường của Hemingway trong phần giới thiệu tác giả thì hình như kiểu đắm đuối cũng có chỗ khác người :)

2.
Một đêm khuya nào đó, cố ngồi để có cảm giác nghĩ ngợi dù mắt rũ ra. Nếu nằm xuống rồi thì sẽ chỉ còn lại những bong bóng áy náy mưng lên cùng mùi thum thủm của chán nản.

10 nhận xét:

Goldmund nói...

Thích quan sát này của bác: "Ông không khiến ta cảm thấy phiền muộn vì phải lẽo đẽo đi theo những triết lý tư biện của một Tôi chỉ biết có tôi "

Rất hãi các bác viết chỉ có tôi là tôi; hãi hơn cả là các bác viết về người khác mà lúc nào cũng thấy cái tôi chình ình ra đấy.

Nặc danh nói...

Ôi giời thằng cha nào lấy tên là Goldmund mà chả hiểu cái tên mình rất là "tôi chỉ biết có tôi" của bọn chúng nó.

Unknown nói...

Bác viết hay quá bác Tùng H ah.
Giống bác GM: tôi cũng thích quan sát này của bác: "Ông không khiến ta cảm thấy phiền muộn vì phải lẽo đẽo đi theo những triết lý tư biện của một Tôi chỉ biết có tôi" và cái câu cuối cùng (số 2).

sonata nói...

Tôi chưa kiếm được cuốn Hội hè miên man (SG có cuốn này chưa các bác ơi) nhưng Phan Triều Hải thì tôi đã đọc nhiều truyện của bác ấy, bác này là nhà văn té ra lại là dịch giả nữa và nếu bác ấy dịch Hemingway hay thì không có gì lạ, đọc truyện của bác ấy tôi luôn thấy cảm giác có vị Hemingway một cách nhuyễn nhừ, rất thú! nhất là truyện "Một tối ngồi ở quán bar"
http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237n3nqnvn31n343tq83a3q3m3237nvn

sonata nói...

Để kể các bác nghe một giai thoại về Hemingway rất thú vị: một tay nhà binh đồn trú ở đâu đó (trong Chiến tranh thế giới thứ hai thì phải) sắp được hồi hương mà lại vớ được một thùng uýt-ki trong một cuộc bán đấu giá! thật là vớ bở vì thời gian ấy món hàng này vô cùng khan hiếm, anh ta tính tổ chức đêm chia tay thật hoành tráng nên nhất quyết không bán cho ai dù được trả giá hời đến đâu!
Thế rồi Hemingway (mà ai cũng biết là mê uýt-ki đến thế nào, nhất là trong giai đoạn khan hiếm ấy) mò đến đề nghị anh chàng này để lại cho 4 chai. Bất ngờ là anh ta đồng ý với điều kiện: không trả bằng tiền mà trả bằng 4 bài học về viết văn. Ngần ngừ rồi Hemingway cũng đồng ý và đem 4 chai uyt-ki về.
Lần lượt Hemingway giảng rất tận tình cho anh chàng tốt số kia đủ 4 bài giảng, đến bài cuối cùng thì ông khuyến mãi thêm cho anh chàng một lời khuyên: trước khi mang khao bạn bè trong đêm chia tay nên mở uống thử.
Tay nhà binh nghe lời, té ra cả thùng chỉ 12 cái chai là vỏ uýt -ki, còn thứ đựng trong chai thuần là nước trà bản xứ! Hemingway đã mở ngay lúc mang về nhưng vẫn giữ đúng lời hứa: giảng 4 bài học về viết văn.
Chắc các bác biết tay học trò này học được điều gì trên cả 4 bài học của ông rồi ;)

sonata nói...

à, "tặng thêm" chứ không phải "khuyến mãi" Sorry! ;)

Kha Cát nói...

Em cũng thích không khí của truyện, cảm giác miên man không sầu muộn, cảm giác sống tận tình với cuộc đời dù không có xu rách nào trong túi. Em chưa từng thích Hemingway cho đến khi đọc cuốn này
@chị So :Sài Gòn có cuốn này rồi mà, em mua ở Xuân Thu cũng cả tháng rồi

Tung H nói...

Cảm ơn các bác đã thân tình chia sẻ :)

Đặc biệt cảm ơn chị Sonata về đường link :D

Tung H nói...

Còn bạn Giấu tên, tôi thực sự hơi lúng túng. Có vẻ bạn không trao đổi gì với ai.

Goldmund nói...

Chị So: HHMM Sài Gòn bán đầy. Không bán thì làm sao em bắt giò được anh biên tập viên:)