Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2009

Quan. Quán.

1.
Tịch (11n):
  • 1 : Lặng yên. Như tịch mịch 寂寞.
  • 2 : Im. Như tịch nhiên bất động 寂然不動 im phắc chẳng động. Nhà Phật cho tu hành sạch hết mê vọng, vào nơi rỗng lặng, hưởng thú chân thường là tịch diệt 寂滅 tâm thần lặng yên, tự nhiên soi tỏ, không sót tí gì gọi là tịch chiếu 寂照.

2.
Tự (6n)
  • 1 : Bởi, từ. Như sinh hữu tự lai 生有自來 sinh có từ đâu mà sinh ra.
  • 2 : Mình, chính mình. Như tự tu 自修 tự sửa lấy mình.
  • 3 : Tự nhiên, không phải miễn cưỡng.

3.
Thị (12n)
  • 1 : Nhìn kĩ, coi kĩ, trông kĩ. Như thị học 視學 coi học, thị sự 視事 trông coi công việc, v.v.
  • 2 : Coi nhau, đãi nhau. Như quân chi thị thần như thủ túc tắc thần thị quân như phúc tâm 君之視臣如手足,則臣視君如腹心 (Mạnh Tử 孟子) vua đãi bầy tôi như chân tay thì bầy tôi hết lòng đối với vua.
  • 3 : So sánh. Như thị thử vi giai 視此為佳 cái này coi tốt hơn cái ấy.
  • 4 : Bắt chước.
  • 5 : Sống.
  • 6 : Cùng nghĩa với chữ chỉ .

4.
Thị (16n)
  • 1 : Ðúng, phải, cùng nghĩa với chữ thị .
  • 2 : Xét rõ.

5.
quan, quán (25n)
  • 1 : Xem, xem xét, xem ở chỗ rộng lớn gọi là quan. Như quan hải 觀海 xem bể, xem xét thiên văn gọi là quan tượng 觀象, xem xét dân tục gọi là quan phong 觀風, ngần ngừ không quyết gọi là quan vọng 觀望.
  • 2 : Cái hình tượng đã xem, như trang quan 壯觀 xem ra lộng lẫy lắm, mĩ quan 美觀 xem ra xinh đẹp lắm.
  • 3 : Tỏ ra cho người ta biết cũng gọi là quan. Như dung quan 容觀 dáng điệu của mình đã tỏ ra.
  • 4 : Ý thức. Gặp sự thương vui không động đến tâm gọi là đạt quan 達觀, nay ta nói lạc quan 樂觀 coi là vui, bi quan 悲觀 coi là thương, chủ quan 主觀 coi là cốt, khách quan 客觀 coi là phụ, đều theo một ý ấy cả.
  • 5 : So sánh.
  • 6 : Soi làm gương.
  • 7 : Chơi.
  • 8 : Một âm là quán. Xét thấu, nghĩ kĩ thấu tới đạo chính gọi là quán. Như nhất tâm tam quán 一新三觀 một tâm mà mà xét thấu cả ba phép, chỉ quán 止觀 yên định rồi xét thấu chân tâm, như Dịch Kinh 易經 nói quán ngã sinh vô cữu 觀我生無咎 xét thấu cái nghĩa vụ của đời ta mới không mắc vào tội lỗi. Đạo Phật có phép tu dùng tai mà xem xét cõi lòng, trừ tiệt cái mầm ác trở nên bậc Vô thượng, nên gọi là phép quán . Như Quan âm bồ tát 觀音菩薩, vì ngài tu bằng phép này, sáu căn dùng lẫn với nhau được, mắt có thể nghe được, nên gọi là Quán thế âm 觀世音.
  • 9 : Làm nhà trên cái đài gọi là quán. Như trên núi Thái sơn có cái nhà để xem mặt trời gọi là nhật quán 日觀, trong nhà vua, trong vườn hoa làm cái nhà cao để chơi cũng gọi là quán.
  • 10 : Các nhà thờ của đạo sĩ cũng gọi là quán.

6.

Ngẫu Tác

Đường trung đoan tọa tịch vô ngôn

Nhàn khán Côn Luân nhất lũ yên

Tự thị quyện thời tâm tự tức

Bất quan nhiếp nhiệm bất quan Thiền.

(Tuệ Trung Ngữ Lục, Tu Thư Vạn Hạnh 1968)

7.

Chợt Hứng

Đoan trang ngồi tịnh lặng không lời

Nhìn ngắm non sông vệt khói trôi

Y lúc chân chồn tâm tự bặt

Cứ gì niệm xét với Thiền soi.

(Trúc Thiên dịch)


8.

Tôi không biết chữ Hán. Chỉ thỉnh thoảng dò từ điển Thiều Chửu để đoán ngữ nghĩa 1 số từ âm Hán Việt. Chữ Nho như vậy coi như chẳng biết gì. Từ điển Thiều Chửu là 1 ví dụ: từ được hiểu trong văn cảnh và điển cố là chính. Nhưng vì vậy nên khi đọc phiên âm các bài kệ, hay cổ thi thì thường là đoán sắc thái ngữ nghĩa bằng vốn "biên biết" của mình. Riết rồi cũng cảm nhận được cái khó khăn của chuyển dịch từ nguyên bản sang tiếng Việt*. Biết vậy nhưng thỉnh thoảng vẫn lôi Thiều Chửu ra dò, và biết lõm bõm thêm vài điều về vốn từ vựng trong Tiếng Việt.


(*)-Phải nhận rằng cái sắc thái trang trọng của âm Hán Việt là một dạng "mê tín" trong tiềm thức dân Việt rồi - Bạch Mã tất yếu sang hơn Ngựa Trắng bất kể cùng ỉa ra cứt ngựa :)


9.
Khi đọc bài kệ** "Ngẫu tác" của Tuệ Trung từ bên blog bác GM, tự nhiên tôi muốn đọc kỹ nó. Chắc tại ông Tuệ Trung này nhân thân tốt, hành tung bí ẩn nên được tín nhiệm nhiều hơn thành ra có tâm chú ý. Nhưng càng nhìn kỹ thì càng thấy mình chẳng hiểu gì cả ngoại trừ cảm giác nhất định phải biết. "Biên biết" thực tế là rất khó chịu! Vậy rồi sinh thắc mắc muốn suy xét.

(**)-Kệ là thơ của Phật. Sư làm thơ. Phật đọc kệ. Tại sao không biết, chắc có xuất xứ từ Ấn Độ từ thuở đọc vần vần cho dễ nhớ. Nhưng mà đã học thuộc thì còn soi xét tự mình thế nào??? Nhưng chẳng phải thơ là để tái tạo và dẫn dụ đến chỗ không có hình dạng sao?

Phải nói luôn cho vuông là tôi muốn tìm hiểu dưới góc độ một bài kệ. Và xác định trước là sẽ chẳng biết được gì thêm. Nhưng vẫn muốn đẩy suy nghĩ ra.

Lướt qua lần đầu thì nghĩ thầm "Từ đâu nảy ra nó?" "Chợt Hứng" - Nhớ tới giới thiệu về thể Hứng trong Kinh Thi của F.J (Đường vòng và lối vào) nên tự nhủ thôi khỏi hỏi. Có hỏi lại đụng phải câu ấm ớ liền môi "Chẳng từ đâu. Chẳng về đâu." thì thà khỏi hỏi.

Nhưng nếu không có dụng tâm thì dụng công có tính phương tiện không? Tái tạo cái gì? Tả hay là kể? Kể được không? Nói thật là không thấy manh mối gì.

Chữ nhàn hình như có tượng hình ngồi trong nhà ngắm trăng. Nhưng mà ngồi giữa nhà thì trăng còn có thể thấy chứ nhìn thấy Côn Luân thế quái nào được nhỉ? Huống hồ là vệt khói trên đỉnh Côn Luân? Vậy là vọng tưởng à? Thế còn "im phắc chẳng động" thì sao? Đã khuyến mại thêm "vô ngôn" rồi cơ mà. Thế có phải là vô niệm? Hay là mặc niệm khởi, chẳng theo? Dễ nhất là bảo đấy là ẩn dụ, ngón tay trỏ trăng, ăn nói liêu xiêu. Nhưng vậy thì còn ngẫu tác thế quái nào?

"Tự thị quyện thời" thì chắc là phải ngắt thành tự thị/quyện thời rồi. "Tự thị" thảy đều dịch là y lúc, không biết còn có khả năng cho vụ "tự mình" với lại "xét rõ" không? Hẳn các học giả thì phải biết rõ rồi. Nhưng cứ nghĩ thế thì đã mất gì. Tóm lại nếu nói theo lối vẹt thì ý bảo cứ kệ nó, biết, xem rộng rãi nhưng đừng theo à? Lặng vắng soi tỏ là dễ nói khó làm thôi ư? Có thể hiểu nhưng chưa biết, nên đọc tiếp câu cuối cho xong.

Nhưng nếu câu 3 đã thông thì câu 4 còn láy lại làm gì? Nếu chưa thông thì nói cũng bằng không. Không dính chấp thì đã nói từ trên. Vậy còn cái vắng lặng đoan tịch nhàn xem vô ngôn làm sao mà dây dưa mãi thế???

Hay tại vì ai cũng biết mà chẳng ai chịu làm cho miên mật tinh tấn?

Nói thật, đến đây thì ông ấy (Tuệ Trung) có ngồi đấy thì cũng chịu chẳng biết ăn nói thế nào

Đến cái dấu chấm câu cũng không biết đặt vào đâu nữa

Bởi vậy hầu hết thiên hạ đều lướt nhanh còn túm lấy câu 4 cho dễ kết.

4 nhận xét:

Goldmund nói...

Vốn chữ Hán của bác vậy là giỏi hơn em rồi, ít ra bác biết cách gõ chữ Hán trên máy tính:)

Còn khoản thơ thiền thì em không dám bàn.

Unknown nói...

Úi. Bác trí tuệ uyên thâm thế.
Nhà em cũng chẳng biết còm gì. Bái phục, bái phục.

Tung H nói...

Các bác làm em ngượng đỏ cả mông :)

Bác GM: Từ điển Thiều Chửu có bản online mà. Thời đại gúc gồ có gì mà phải biết với không :P

Còn vụ còm thì rốt ráo em có còm gì đâu. Huống hồ "cái gì liên quan đến con người tôi đều không xa lạ" (icon mặt vênh vênh mắt chớp chớp)

Chu Chu nói...

ui, ui, :D