Thứ Năm, 1 tháng 6, 2023

ghi chép về "hai bài thơ lẻ" của Trần Dần

1.

Tôi cũng giống nhiều người thường hay nhớ mài mại câu thơ của Trần Dần ở phiên bản "mỗi người thăm thẳm một chiêm bao" (có vắt dòng hoặc không). Tuy nhiên khi tìm kiếm thì ta sẽ được kết quả nhan đề là "Hai bài thơ lẻ" viết trình bày cấu trúc tương đồng cách nhau 1 khoảng trắng - mà ta sẽ hiểu đây như là 1 bài thơ:

"ván chiêm bao! - ván chiêm bao!
cứ thế tới ngày tận thế
mỗi người
           sột soạt
                    một chiêm bao!




ván thu không! - ván thu không!
cứ thế tới ngày tận thế
mỗi người
           thăm thẳm
                    một thu không!"

(Nguồn: Thivien.net)

Tôi thường nghĩ ngợi, thế nào mà "sột soạt một chiêm bao" lại thành "thăm thẳm một chiêm bao"? Nay tự nhiên thoáng thấy vài gợi mở nên ghi vắn tắt lại:

- "sột soạt": tiếng lần giở giữa đêm của những trang giấy (nhật ký/sổ bụi). một thứ tiếng động không mong muốn bị bắt gặp. một cõi riêng tư khó lòng chia sẻ với người khác. một nơi để đối diện với chính mình.

- "chiêm bao": thấy trong mộng.

- "ván": một hiệp của trò chơi.

- "cứ thế" - "ngày tận thế": luân hồi và đại phán xét.

- "thu không": "Mặt trời gác núi chiêng đà thu không" (Truyện Kiều) - đóng cổng thành, đóng cửa chùa lúc gần tối.

- "thăm thẳm": nói xa lắm, sâu lắm. đường xa thăm thẳm. trời cao thăm thẳm. hang sâu thăm thẳm.

2.

Đọc lần 1 thì có vẻ cũng dễ thôi khi hình dung vào những gì nhà thơ đã trải qua thời kỳ NVGP: những suy nghĩ - tư tưởng không được phép nói ra, không có người dám đồng điệu chia sẻ, không được hiểu đúng. Chúng bị bài trừ, soát xét. Nên chúng chỉ vụng trộm được ghi lại trong đêm, "sột soạt" trong sổ bụi. Trong lúc mọi người chìm vào chiêm bao của họ thì mình trong chiêm bao của mình theo cách của mình. Mỗi người mỗi chiêm bao. Chiêm bao như vậy thì bị cô lập, không ai hiểu được ai.

Cái vụ ghi chép ra sổ bụi là cái việc không làm thì không chịu đựng nổi của hiện sinh! Viết là cất gói dấu diếm cũng là trừ bỏ ra. Trừ bỏ ra rồi mới chịu nổi ngày qua ngày với chung quanh. Mỗi đêm khuya lọ mọ trừ bỏ ra. Rồi mới có thể đi ngủ, đi vào giấc chiêm bao của mình, như mọi người. Cũng giống như cái thủ tục soát xét cuối ngày trước khi đánh chiêng thu không vậy: trong thành không còn gì bất thường, dị loại đáng ngờ nữa. Đã an toàn để đóng cổng thành đi ngủ. 

Nhưng mà sống thì để tỉnh thức là chính hay để đi ngủ là chính yếu? Đây là câu hỏi của ngày phán xét lúc tận thế đấy. Anh đã ngủ hay tỉnh thức? Trong khả thể làm người hữu hạn của mình, thức và ngủ đều lần lượt tuần hoàn cả - ngủ để mai còn thức được. Mỗi ngày phải ngủ đi để mai còn dậy được. Trong mơ lại thấy mặt trời. Nên chữ trượt đi, sà xuống. Tất yếu như cú rơi tõm theo trọng lực, như dấu (!). Váng lên như tiếng chắc lưỡi xuýt xoa cảm thán trong đêm. Cú trượt sõng soài đấy có thể tóm gọn vừa tượng thanh vừa tượng hình kiểu "người/sột/một!", "người/thẳm/không!".

Chiêm bao trong "mỗi người/ sột soạt/ một chiêm bao!" thì không êm đềm và chẳng thể tương giao. Chiêm bao trong "mỗi người thăm thẳm một chiêm bao" thì êm đềm, hứa hẹn dù xa thăm thẳm một giá trị biện minh cho hiện hữu qua ngày của mỗi thế nhân. Chiêm bao này ru ngủ, sến sẩm và bình quân chủ nghĩa. Mọi thứ mọi phía như nhau. Đẩy vấn đề vào chiêm bao, vào đêm mộng mị. Nó là giải pháp dễ cho thị dân để ngày qua mỗi ngày vẫn ổn.

3.

đường xa thăm thẳm. trời cao thăm thẳm. hang sâu thăm thẳm

Quả đất thì tròn, đi mãi về phía chân trời thì lại quay về chốn cũ. Chân trời là giới hạn của tầm nhìn. Lại là một ảo ảnh phía xa, vừa dẫn hướng vừa chả có gì thực hữu. Nó giống như chiêm bao: thấy đấy mà không thật. Cùng đích trên cõi đời này dường như cũng thế - không có thực.

Nhưng hãy quên nhà thơ đi. Bài thơ có đời sống riêng của nó. Bài thơ sẽ tùy biến theo độc giả mỗi thời. Chúng tôi muốn đọc nó theo một cách khác, với một mong muốn chia sẻ điều gì căn bản mà mỗi phận người đều chạm đến hơn là liên tưởng dễ dàng đến những cảm thán thời cuộc của một vụ án chính trị từ nửa thế kỷ trước.

Nhiều khi chúng ta thấy mình dị loại, xa lạ với cả xã hội như anh chàng Meursalt xứ Algiers của Camus. Nhiều khi chúng ta hồ nghi không hiểu đâu mới thực là chiêm bao trong cõi sống nhập nhằng này như "Trang sinh hiểu mộng mê hồ điệp" (Lý Thương Ẩn). Chỉ có nỗi hoài nghi lớn lao làm vốn liếng, chúng ta làm kẻ bộ hành giữa sa mạc, mơ về chân trời. "Tôi khóc những chân trời không có người bay/ Lại khóc những người bay không có chân trời" (Trần Dần). Trước vô cùng, phận người dường như chỉ giống một ván bài. Hết bài thì chia lại chơi ván mới. Cứ thế đến tận thế. Nhưng cảm thức đối diện với vô biên là một trải nghiệm rất khắc khoải. Người ta đã nhận biết rồi thì không thể cứ lơ đi mà sống tầm thường được. Người ta bị phân liệt và chập trùng giữa các hiện thực và mơ được quay về cố thổ "như lý tác ý".

"Nói đi em nơi ấy ở đâu
Để tôi lại cười vui hạnh phúc
Như ngày xưa trong sáng
Uống giọt sương lành
Nhìn đắm say..
Ta làm sao có được?
"

Trong khi không thể biết được, ta nào có thể quay về bằng cách đơn giản trừ bỏ cái này cái kia trong tâm hồn mình đi là xong chuyện đâu. Đến cả cái hình thức của một bài thơ đã xong như thể không thêm không bớt ta cũng không làm được.

"tôi khóc những chân trời - bụi đỏ
Ở đó: vắng người
không có người biết khóc – các chân mây

vô tư như thuở ngày xưa
Nhìn một vì sao
buồn bên ngưỡng cửa"

(TD)

"mỗi người/ thăm thẳm/ một thu không!". Trong tiếng chiêng thu không đang vang lên lúc mặt trời gác núi, chúng ta không biết được phải về thành hay ra khỏi thành mới là đúng nơi cần về đây. đường xa thăm thẳm. trời cao thăm thẳm. Chẳng biết đâu là nhà. Muốn buông thả thì mỗi tỉnh giấc lại nhận thấy một vòng lặp mới - như thể mình đang mắc kẹt trong thế giới của bộ phim Inception vậy.

"Trái đất này rộng lớn
Nếu đi xa đây sẽ hoá chân trời
Chân lý giản đơn
Tôi trở về rồi ư?
Ngày giản dị ngày vui độ lượng
Say đắm nhìn
Cuộc đời ghê gớm ta yêu.."

"mỗi người thăm thẳm một chiêm bao" vì vậy là một chép miệng thở dài. Một thành ngữ của thời hiện đại. Cứ dùng thôi, không cần phân tích. Trần Dần cũng chẳng phiền lòng đâu. Ông đã nói ngay từ đầu mà: "Tác phẩm là bản gốc? đời là bản sao?/ Ối ôi, luôn tam sao thất bản"

hang sâu thăm thẳm

Không có nhận xét nào: