Chủ Nhật, 23 tháng 9, 2012

Nắng vàng trong mê mải & Sở tri chướng

1.
Thường tôi viết điều gì cũng chừa ra chút di âm chờ tiếng vọng. Ví như bàn về cuốn "Nhận diện quyền lực" thực ra nên có đôi dòng về cách quy chiếu trở lại mỗi thân phận cá nhân trong xã hội, tự thức, tự phản tỉnh và từ chính những gì xung quanh mình. Cách chúng ta nhận diện vấn đề không hẳn sẽ là cách chúng ta giải quyết được vấn đề. Đề xuất của Noam Chomsky thực ra là một con đường cần rất nhiều kiên nhẫn và tin tưởng. Tôi liên tưởng đến tình huống khi Mạnh Tử bàn về sự đối lập giữa Dương Tử và Mặc Tử, qua đó bày tỏ cách nhìn của Nho gia. Vấn đề không phải ở chỗ lật ngược tất cả các đối nghịch mà một sự thông suốt uyển chuyển từ uyên nguyên. Nhưng từ đó sẽ là chông chênh bất định...

Vụ "Ghi chép về Sự lũng đoạn của lá cải" cũng vậy, sau khi có vẻ đã gói ghém được một tẹo thì thực ra nên có chút phần dư: trong cái chiều hướng thông diễn - để hiểu người khác - thì đã hàm chứa một chủ thể ít nhiều đóng cặn và có tính tiền giả định. "Khi bản ngã phong phú và linh động vô hạn (trong khả thể) của anh bị giản lược về một sự hiểu biết (dẫu sâu sắc đặc biệt) của một cá nhân, nó sẽ phản ứng gay gắt trước nguy cơ chết khô tồi tàn trong hữu hạn." Thực tế trong bề chiều này, càng hiểu người khác chúng ta lại càng cô đơn!

Vậy đấy, trong màu hồ hởi đối thoại tương liên về lá cải, càng dập dìu lắm thì càng thê thiết nhiều. Nhưng ta có thể làm gì hơn nữa đâu ngoài chuyện mơ nắng vàng bến sông trong mùa hoa cải.

2.
Thỉnh thoảng lại có người bạn xa kể với tôi về một nỗi cô độc cay đắng.

3.
Năm hai mươi tuổi, nhân duyên khiến tôi nhận ra được sự khác biệt giữa cái Hiểu và cái Biết. Lỡ từ lạc bước bước ra/Bước đi đi mãi đi là đi luôn (BG). Sau đó thì cái Biết trở thành một chướng ngại, nhà Phật gọi là Sở tri chướng: Biết là chướng ngại của Biết. Nhưng điều quan trọng thì đã được xác lập: có một bình diện khác của nhận thức để ta biết tự phản tư và cầu tinh tấn.

Tôi đã đi nhiều năm như vầy: Đây là cuộc dạo chơi trong rừng hái lá tìm thuốc chữa bệnh của kẻ ốm. Mọi cái đều có thể và đều không thể. Tuỳ duyên tiếp vật. Miễn khỏi bệnh thì thôi.

Nhưng riết rồi cũng mỏi và buồn. Vẫn nhủ lòng câu nói năm xưa "Nếu cuộc đời rơi vào chỗ bế tắc đến tuyệt đối vô nghĩa, tuyệt vô hy vọng-thì hãy coi chính việc NHẤT QUYẾT VƯỢT QUA nó làm mục đích. Đời có thể vô nghĩa, nhưng vẫn có thể có 1 MỤC ĐÍCH" nhưng giờ bắt đầu biết sợ những câu đại ngôn như vậy.

4.
Thôi nhìn mọi sự một cách quá tuyệt đối, không một trưởng thượng để nương tựa, tôi tự đặt ra một chương trình nhỏ mọn để chống lại sự vô tri mỗi ngày: (i) gặp thêm bạn mới nhờ mạng xã hội - những người hầu hết còn trẻ và còn nhiều tin tưởng sống; (ii) đọc - viết, chủ yếu để chống đần hóa; (iii) làm một dự án xã hội nho nhỏ với vài người bạn. 


5.
Thà như vậy còn hơn là buông xuôi.


2 nhận xét:

Titi nói...

viết là một cấp độ tư duy còn hay hơn cả đọc. Tuy nhiên, đọc cần thiết hơn viết bởi chúng ta phải nạp trước khi suất ra cái gì đó :-D

Tung H nói...

Thỉnh thoảng em bị một cơn chịu không đọc được cái gì vào đầu ^^