Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2012

Cấu trúc 1 trò chuyện. Ghi chép về Sự lũng đoạn của lá cải

Đã lập ý cho bài này nhưng viết lại sau khi đọc được tiểu luận Gadamer và khoa học nhân văn, (hay làm thế nào để hiểu người/cái khác) của Charles Taylor (Như Huy dịch).


-------------


1.
Trong phần trước, khi nhắc câu slogan của HSBC, tôi có ý hướng gợi đến nhánh câu chuyện: đa văn hóa, dịch văn hóa, giải cấu trúc - vốn dĩ sẽ là một hệ quả hợp lý của diễn biến câu chuyện phải bàn đến. Vì nói đến truyền thông là nói đến tương quan xã hội, liên cá nhân. Khi bàn chuyện dịch chuyển giữa các trình độ phát triển của xã hội thì sẽ phải bàn đến sự qua lại giữa các mô hình xã hội, các hệ hình văn hóa khác nhau. Và một thuyết về liên văn hóa (hoặc chừng sẽ là 1 khả thể khác) cũng sẽ phải dành vị trí cho mối quan hệ liên cá nhân.


Thời may, bài tiểu luận về lý thuyết (triết học) của Gadamer đã giúp tôi có thể kết nối mạch lạc lại tất cả những điểm quan trọng rời rạc mà tôi đã đánh dấu trên bản đồ nhận thức của mình về một số chủ đề mà tôi quan tâm; trong đó câu chuyện về truyền thông này là một nhánh thử nghiệm.


2.
Các kiến thức, tác giả tôi đề cập trong mấy bài liền đây đều có 1 đặc điểm: chúng rời rạc, chắp vá, không đều và không hề do 1 ý thức nghiên cứu hệ thống chuyên sâu tổ chức. Nhưng chúng đã có được vẻ liền lạc, sống động và chính những độ chênh lại tạo ra thế năng cho tư tưởng chuyển động và kết nối. Thực tế đó là nhờ kết cấu của trò chuyện (đối thoại) mà ở đó sự phân vai người này/kẻ khác đã tạo ra được. Một cách vô tình, trò chuyện này đã có những đặc điểm căn bản của hành động tương liên mà anh Gauxx đề cập "khi mà những cuộc nói chuyện đặt trên nền tảng duy lý của sự tương hiểu/tương liên, chứ không phải duy lý vì một mục đích, mặc dù không phủ nhận hoàn toàn cái thứ hai". Cái nền tảng đạo đức diễn ngôn của Habermas có thể diễn dịch sang thành thiện chí đối thoại trong trò chuyện là điều hiển hiện giữa chúng tôi trong mấy ngày này. 


Điều này sẽ được rọi chiếu từ Gadamer khi đề cập đến việc làm sao để hiểu người/cái khác: Tuy nhiên, việc đạt tới một sự hiểu không bao giờ sở hữu đặc tính tối hậu này. Bởi một điều đơn giản, chúng ta luôn đạt tới một sự hiểu cùng với những người đối thoại được xác định cụ thể. Và những sự hiểu được đạt tới với những người đối thoại này sẽ không nhất thiết giúp được chúng ta khi chúng ta tìm cách hiểu những người đối thoại khác. Các sự hiểu của chúng ta đều phải phụ thuộc vào người tham gia đối thoại với chúng ta. Và thậm chí, còn phải tính đến việc, chính những người đối thoại cùng chúng ta có lẽ cũng không bất biến. Hoàn cảnh sống hay mục đích sống của họ có thể thay đổi, và sự hiểu trước đây của chúng ta về họ có thể bị đặt nghi vấn. Đúng là chúng ta cũng có thể chế ngự tình huống này bằng các thực hành như ràng buộc qua hợp đồng hay bản thỏa thuận, song điều này chỉ làm rõ hơn việc chúng ta đã ý thức hoàn toàn rằng những gì thiết cấu nên sự hiểu có tính đối ứng hoàn hảo và tự giác vào lúc này có thể sẽ không còn hiệu lực vào lúc khác.


3.
Điều hay ho của cấu trúc trò chuyện này (mà tôi sẽ từ từ dựng lại đặc trưng của nó) là dù từ xuất phát điểm nào, sự ý thức về việc đạt tới sự hiểu (lẫn nhau) cũng sẽ kết nối được một trật tự mới cho các tri thức đồng thời vẫn không làm tiêu biến vị trí lịch sử của nó (trong văn cảnh rộng lớn hoặc trong chính lịch sử của trò chuyện). Điểm đặc biệt là tôi vừa đọc xong bài tiểu luận của Charles Taylor (CT) tối nay, và tôi cũng chưa kịp tìm hiểu thêm gì về Gadamer nhưng tôi sẽ dùng nhiều cách diễn đạt từ bài tiểu luận này để cũng là minh họa luôn hai điểm quan trọng trong ý tưởng ban đầu  của tôi về cấu trúc đối thoại: đối thoại làm giàu cho mỗi bên và chỉ trong đối thoại sự biến đổi, cập nhật, hiểu biết hóa...mới diễn ra tự nhiên nhất - sẽ là liên tưởng của tôi về mô hình phát triển của xã hội như ở VN, điều mà anh Gauxx hẳn có ý ám chỉ về phát triển đi hai hàng. 


Có thể cho đến lúc này, nền tảng triết học của chúng tôi (trong tiềm tàng) không hẳn đã trùng nhau, nhưng nó có xu hướng hội tụ dần. Điều này sẽ rất thú vị nếu bạn biết tôi đủ lâu để hiểu là tôi chỉ xuất phát điểm từ một tâm thức rặt Á đông và không được trang bị hệ thống về tư tưởng hiện đại. Điều đó không ngăn cản dần dà tôi nhận thấy mẫu hình về những gì gọi là những người có một khung tâm thức hậu hiện đại. Như khi tôi bàn về Roland Barthes (RB), điều đáng ngạc nhiên là sự tương đồng gần như hội tụ trong cách đọc văn bản mà không cần gán thêm học thuyết nào ngoại trừ 1 vị thế lập trường ý hệ. Và như vậy dần dà tôi nghĩ đó là do có một khả thể nào đó về sự tương đồng ở thượng lưu giữa Đông và Tây, "chúng ta chia sẻ chung yếu tính con người (humaness)", về "một phương cách để ứng xử với cái thân phận làm người mà chúng ta cùng chia sẻ" (CT).


4.
Một cách tự phát, tôi cũng đã cho rằng một trò chuyện đúng nghĩa sẽ chỉ có thể là một đối thoại cẩn trọng giữa hai người. Mỗi khi xuất hiện thêm một người khác, chúng ta sẽ có cơ hội đồng thời tổ chức thành một tổ hợp của các nhóm đôi. Những biến dịch của các khả thể này sẽ đem lại thế năng và liên tục tương tác, biến dịch làm phong nhiêu bản ngã cho mỗi người. 


Ví như khi trao đổi với anh Gauxx về một chủ đề, tôi hoàn toàn có thể đồng thời một cách khác cũng cởi mở như thế, trao đổi với người thứ ba (^^) nương theo tri thức khác của họ (NL). Giữa hai tương quan kia sẽ lại thiết lập một tương quan mới đa bội và toàn bộ lịch sử trò chuyện này sẽ đem lại sự đào luyện lợi lạc cho tất cả những đối tác thiện chí. Và tất yếu, trong trường hợp cụ thể là ở blog này, với những người bạn mà tôi đã kết nối và chia sẻ nhiều năm, thiện chí là lợi thế mà chúng tôi không cần phải kêu gọi nữa. Sau nhiều năm online, cuối cùng tôi cũng hiểu ra được cách nào thì sẽ vượt qua được sự phân biệt on/offline mà được ích lợi nhất - cho nhau.


5.
@Gauxx: Khi nhắc đến E.Durkheim, thực tế em còn đang đọc dở. Nhưng nếu không đem ra vứt bừa vào đấy ngay (kiểu cao thủ cái gì cũng là vũ khí ấy mà ^^) thì công đâu mà học thuộc hết tri thức nhân loại được (lol). Và không đợi anh giải thích thì vừa may đã có CT nói về điều đó: Gadamer không tin rằng, trong các vấn đề thuộc con người, thậm chí chỉ là về mặt nguyên tắc, người ta có thể đạt tới một kiểu nhận thức tạo ra được sự chế ngự hoàn toàn về mặt trí tuệ đối với đối tượng được nhận thức. Có lẽ có thể mơ tưởng về điều này trong bộ môn vật lý học phân tử, thậm chí có thể xác lập nó như một trong các mục đích của bộ môn ấy, song điều này sẽ là bất khả khi đối với sự hiểu về con người.


Tự nhiên em hiểu ngay ngữ cảnh mà anh phản bác trích dẫn ED và đề cập đến network society. Và lúc nào bàn đến đó, tự nhiên em đã có cái thế năng để mà thao tác, bất chấp anh có biết đến Gadamer hay không trong mạch lạc của mình :)


Và việc Habermas cho rằng "những quốc gia không giao tiếp theo kiểu communicative action là những quốc gia không biết giao tiếp" liệu có phải là một uyển ngữ thay vì là một khúc mắc rơi về cái nhìn của thuyết vị chủng? Việc này rõ ràng phải bổ sung dữ liệu và rọi chiếu tiếp (ví dụ chính là với tiểu luận của CT).


Và việc rẽ nhánh khi bàn về yếu tố power trong tương tác xã hội của Habermas liệu có thể bổ khuyết từ cái nhìn tận căn của nhánh Gadamer (em đồ là không chỉ mình ổng)?


"Ghép 3 ông trí thức thì sẽ ra 1 tờ báo" là một hướng. Nhưng tờ báo là đã hàm ý tương tác 1 chiều, trong khi ý tưởng xây dựng trò chuyện liên cá nhân sóng đôi mà em đang từ từ làm rõ ra nó có xu thế 2 chiều. Và nó mời gọi sự tham dự bình đẳng (nhưng khác biệt, thậm chí là những duy nhất) của mọi người. Tuy vậy trong đó vẫn hàm chứa xu hướng thiên về góc độ truyền thông - tức là thao tác trong khung tri thức đại chúng, ở giữa, hơi hơi bottom-up (lol) hơn là kinh viện!


"mình cũng thích xài những thứ được mô hình hóa lắm, nhưng cuối cùng vẫn phải theo đuôi những người phê phán nguyên con modernisation." - Và cuối cùng thì cái câu này đã bị hấp thụ hết, hoàn toàn hiểu và đồng ý ngay về vấn đề anti mô hình hóa, xuất phát từ cách nhìn của Gadamer: 


Như vậy, cho tới giờ, ta đã biết rằng sự hiểu có ba đặc trưng: 1/ tính hai chiều, 2/ tính phụ thuộc vào kẻ đối thoại cùng, và 3/ tính chất mở ngỏ ra cho sự hiệu chỉnh. Các đặc trưng này hoàn toàn không thích hợp với mô hình nhận thức đối tượng theo lối cổ điển. Phản ứng triết học “chuẩn định” của chúng ta đối với các đặc trưng này cũng hoàn toàn tương tự. Các đặc trưng ấy hoàn toàn không thích hợp với nhận thức, tức sẽ không thể thích hợp với ”khoa học” thực sự. [Với môn khoa học về nhận thức-ND] nội dung của nhận thức không nên biến thiên theo mỗi kẻ truy tầm nhận thức khác nhau; nó không thể là điều gì [mà độ khả tín lại-ND] phụ thuộc vào các bên tham dự. Kẻ truy tầm nhận thức đích thực sẽ không bao giờ thay đổi mục đích của hắn, chứ đừng nói là có sự thỏa hiệp nào ở đây. Sự phụ thuộc vào các bên liên quan cũng như các mục đích bị thay đổi thích hợp được với sự hiểu, chính xác là bởi chúng tái hiện điều gì đó hoàn toàn khác với nhận thức; sự đạt tới đồng thuận, và việc đạt tới sự thật tối hậu là các cách tiếp cận hoàn toàn khác nhau. Ta không nên lẫn lộn giữa hai cách tiếp cận này, cũng như không nên liều mạng thử tìm cách hạ giá lối tiếp cận khoa học. 


6.
@NL: Từ vai thứ 3, hẳn bác đã nhận ra những dụng ý của tôi trong thiết kế của chuỗi trò chuyện này. Trong chuyện dẫn nhập văn hóa mà không mời được những nhân vật như bác thì sẽ thật là phí phạm tài nguyên internet :P


Thực tế lúc viết chữ giới thiệu VH là tôi đã có sự ngập ngừng (nên nhập nhằng viết tắt), nhưng chấp nhận viết bừa như thế để mở ngõ câu chuyện của bác về lập ý trong mảng này.Cũng như anh Gauxx dẫn lại, tôi cũng nhận ra rất rõ sự dùng dằng "mắc vào nhận thức" của bác. Ngẫu nhiên trong mạch chuyện liên quan đến Gadamer này, tôi nghĩ có một hướng kỹ thuật tránh được việc phải lựa chọn mà vẫn có tiến hóa cho bản ngã tri thức của người viết. Nó liên quan đến ý tưởng về cấu trúc trò chuyện này. Khi đó ta coi mỗi lựa chọn là một kẻ khác để đối thoại và để hướng tới sự hiểu.


"Lý lẽ của Gadamer trong Sự thật và Phương Pháp đã ứng xử với sự hiểu của chúng ta đối với truyền thống của chính chúng ta, tức lịch sử văn minh của chúng ta, và các văn bản và biến cố thuộc về nó. Điều này có nghĩa rằng những gì chúng ta nghiên cứu sẽ bằng cách này hay cách khác nằm chính trong bản sắc của chúng ta. Thậm chí cả ở các công trình khi chúng ta định nghĩa bản thân mình chống lại các đặc trưng nào đó của quá khứ, như thời Khai minh hiện đại chống lại thời Trung cổ, thì thời Trung cổ ấy vẫn thuộc về bản sắc của chúng ta như thể một cực phủ định, tức điều chúng ta sẽ vượt qua hay thoát khỏi. Chúng ta là bộ phận của cái “lịch sử tạo hiệu lực” (Wirkungsgeschicte) và do đó, lịch sử ấy cũng tạo hiệu lực lên chúng ta [ Note: Nói vắn tắt, theo Gadamer, lịch sử tạo hiệu lực là dạng lịch sử mà ở đó bao gồm cả chính lịch sử của sự nghiên cứu lịch sử của chúng ta, tức những gì tạo ra thói quen, văn hóa và truyền thống hiểu lịch sử của chúng ta, và lẽ dĩ nhiên sẽ tạo hiệu lực, hay làm nên, một cách vô thức, hoặc ý thức lên cách nhìn nhận thực tại của chúng ta, và thậm chí cả chính chúng ta, trong hiện tại-ND]"


Về "Những huyền thoại" của RB: chính kiểu bàn nghiêng, bạn NL ở vai thứ 3, đã dẫn dắt câu chuyện đến đây - điểm hiệu chỉnh và đổi hướng. Một mặt tôi ước lượng (vì có thể trong chuyên ngành văn chương điều này lại khá cũ kỹ và hiển nhiên) rằng khi phải từ bỏ tư thế chính trị rõ ràng (điểm tựa lý thuyết, vị thế phát ngôn) thì có thể xoay sang cấu trúc kỹ thuật trò chuyện để đảm bảo cho mọi khả thể đều trở lên phong nhiêu :)


Có thể dù không đọc bài bản về Ký hiệu học nhưng do tôi là người đọc nhiều về Tâm phân học nên quen với cấu trúc của biểu tượng, có thể còn vì tôi là người thiết kế không gian, nên chuyện chuỗi lớp phối cảnh, nhịp điệu, tiết tấu, bố cục là cái dễ nhận ra trước. Và cũng có thể chịu ảnh hưởng của Francoise Jullien nên tôi đã quen cách đọc ký hiệu. Tất cả những điều đó làm cho việc đọc "Những huyền thoại" phần ký hiệu cấu trúc là rất tự nhiên với tôi. 


Nhưng nói vậy thì cũng vẫn có nghĩa là tôi hoàn toàn chia sẻ những đánh giá rằng "nó tươi mới, nhiều bất ngờ...ít xảo thuật trí thức". Chỉ là tôi đã vừa đẩy câu chuyển lên 1 nhịp để lấy lại thế năng rồi ^^

9 nhận xét:

doanh nói...

"Một cách tự phát, tôi cũng đã cho rằng một trò chuyện đúng nghĩa sẽ chỉ có thể là một đối thoại cẩn trọng giữa hai người. Mỗi khi xuất hiện thêm một người khác, chúng ta sẽ có cơ hội đồng thời tổ chức thành một tổ hợp của các nhóm đôi. Những biến dịch của các khả thể này sẽ đem lại thế năng và liên tục tương tác, biến dịch làm phong nhiêu bản ngã cho mỗi người."

hoàn toàn đồng ý. cái này phụ thuộc vai trò host nhé. đối thoại liên subjects, hay bạn T có thể mở rộng đến liên văn hóa (mình từng viết xét cho cùng, liên cá nhân nằm ở trong liên văn hóa - tất nhiên không phải câu của mình) không phải là cân bằng tuyệt đối. Theo tiếp cận adaption của intercultural (tiếp cận này cơ bản và cũng đơn giản nhất, so với tiếp cận perception và discourse), thì luôn có host culture và những cái khác (the other ^^) xoay chung quanh. bạn T ngay từ đầu đã host một cách thiện chí và cũng sexy nữa ^^

cảm ơn bạn T, mình sẽ quay trở lại sớm

doanh nói...

Sorry, adaptation - xem phim tình cởm Hàn, đạo diễn Young Yun Kim :)

Nhị Linh nói...

khi ta đã có chút độ lùi thời gian, việc nhìn vào văn chương trong liên quan với vị thế tác giả (ở mặt chính trị) trở nên vô cùng kỳ lạ: có vẻ như là các nhà văn đậm mùi chính trị (hiểu đơn giản là nhà văn khuynh tả thành thực) bỗng mất hết phép mầu: ví dụ lớn là Jean-Paul Sartre và Mario Vargas Llosa; ở Việt Nam cũng vậy, cái này thì hẳn các bác ai cũng tự có ví dụ riêng rồi :p vấn đề là tại sao như vậy? tôi tin không đơn giản là vì họ đã hết "mốt", rằng cái ideology mà họ ủng hộ đã lỗi thời, mà còn là cái gì đó nữa, một tương liên hỏng giữa chính trị và văn chương (nhìn chung là khó diễn tả)

tôi xin bổ sung thêm một chút "điểm tựa lý thuyết" :p về mảng "đối thoại": ngoài "nguyên lý đối thoại" nổi tiếng của Bakhtine, ta còn có khái niệm đối thoại trong phê bình của một người tên là Tzvetan Todorov :p

(Durkheim chứ không phải Durkhem bác nhé)

Nhị Linh nói...

nói thêm một cái là bác Tung H quả có tâm thức Á Đông đậm đặc, như tôi (tôi nghĩ bác Gauxx cũng phần nào giống tôi) thấy rất exciting khi được thảo luận với bác, trong tất cả những gì giống và nhất là những gì khác :)

tâm thức của bác theo tôi gói gọn trong câu "bất diệc lạc hồ", phải chăng? :p

Tung H nói...

Tks bác NL, tôi sửa rồi. Tôi sẽ thử đi vào ý của bác. Nhưng còn lý thuyết văn học, vì là thể loại vô sư vô sách, nên nếu được, nhờ bác gạch ra vài nét nguyên tắc, để thử xem tôi có nương theo được chút nào không ^^

Tung H nói...

Về "bất diệc lạc hồ" xin hẹn sẽ quay lại ngay sau đây, vì tôi đã bắt đầu nhìn lại từ bài đầu và thấy vài điều thú vị.

Vừa hay, chắc bác cũng thấy tôi có thêm label "bằng hữu" trong bài này. Tôi muốn trở lại bài "Tản mạn về chữ Chí" ^^

Nhị Linh nói...

Có một điều hơi phiền là một phần lớn những gì bác đang quan tâm (kể cả gốc rễ của vấn đề communication) muốn nắm bắt được ổn thỏa đều phải quay về với lý thuyết văn học và ngôn ngữ học đi trước: những "mũi nhọn" của cultural studies thoát thai từ những gì extreme nhất của mấy lý thuyết gia, mà ví dụ kinh điển là Judith Butler.

Trong tiếng Việt tôi thấy hữu hiệu nhất là đọc "Bản mệnh của lý thuyết" của Antoine Compagnon, quyển sách ấy còn có lợi thế là đã bỏ qua được giai đoạn sôi sục để bình tĩnh xem xét, và nó cũng minh chứng cho định nghĩa lý thuyết theo kiểu của tôi :p, tức là nhìn những thứ hiển nhiên bằng con mắt không hiển nhiên.

Ngoài ra tôi thấy bác đọc cả trang của Hải Ngọc, chắc cũng không xa lạ gì với trang của Hoàng Phong Tuấn, rồi Lý thuyết văn học, Lý luận văn học và Phê bình văn học...

Titi nói...

hay lắm, mềnh học hỏi được bao nhiêu :-D

Nhưng cá với các bạn, đem mí thứ này vào cơ quan nhà nước VN sẽ bị gọi là chơi trội ngay :-((

doanh nói...

hoàn toàn nhất trí với bạn NL. Tôi cũng nói ở còm trước là để hiểu CS thì phải quay về. Với sự thực dụng kiểu researcher, mà bạn T cũng từng nói về tôi như vậy, tôi thường được khuyến khích đi từ những cái người ta đang làm ở hiện tại sau đó vòng trở lại cái nền tảng, rồi lại tiếp tục cái đương thời và next. Tôi cũng muốn gth với bạn T một đại diện Á Đông rất hay nói về CS là Ien Ang.

Tuy nhiên, tôi ủng hộ và thik cách bạn T tự lập bản đồ và đi chấm những cái nodes theo cách của bạn ấy. Tôi thấy đó là cách của một thinker. Góp ý nhỏ: trích dẫn quá dài, bạn được quyền và nên paraphase trích dẫn bất kể đó là câu của ai. Trong t/hợp này, bạn đang lấy lại từ nguồn thứ cấp, someone else reviews Gadamer, nên càng không nên quote nguyên con:)

nữa: trở nên