Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2012

Trứng luộc dầm nước mắm. Ghi chép về Sự lũng đoạn của lá cải

1.
Trong bài dẫn nhập về Media của mình, tiến sỹ Gấu (^^) ở phần kết luận có bàn xoay xung quanh vấn đề "sự lũng đoạn của lá cải": (a) sự lũng đoạn của lá cải trong thời điểm hiện tại phản ánh sự bất bình thường của mối quan hệ cấu trúc xã hội-truyền thông-công chúng; (b) ở cấp độ thượng tầng, về mặt chính trị nó tiết lộ hoặc là sự lúng túng, hoặc là sự vô trách nhiệm, hoặc tệ hơn là sự chi phối của quyền lực bè phái, nhưng tệ nhất là sai lỗi của bản thân hệ thống; về mặt xã hội nó cũng cho thấy tình trạng nhiễu nhương kiểu "xin hãy nhìn mớ gai chằng chịt này".

Vì thiếu căn bản nền tảng lý thuyết về media nên thay vì triển khai bàn thảo vào luận điểm, tôi thử đi vòng theo cách tiếp cận nôm na của mình về báo chí lá cải Việt Nam xem có nảy ra được ý gì liên quan đến nhận xét trên hay không.

2.
Trong chương VI của cuốn Đường vòng và lối vào của Francois Jullien - Bất đồng ý kiến là chuyện không thể (hệ tư tưởng của lối diễn đạt vòng vo) - trái với sự khúc khuỷu thông thường của văn phong triết học, có bàn một mạch về mặt trái của nghệ thuật vòng vo (vốn là 1 lựa chọn chiến lược từ thượng lưu của 1 hệ hình tư duy khác với châu Âu) trên bình diện tư tưởng hệ trong sự đối chiếu giữa tư tưởng hệ phục tùng kiểu Trung Hoa với tư tưởng hệ điển hình của châu Âu.

Theo đó FJ nhận xét "vì không có khái niệm về chân lý giáo điều (không có định nghĩa chính thức về "chân lý" và áp đặt định nghĩa cho lương tâm để đảm bảo sự cứu rỗi); vì không có một tham chiếu nào khác để đối trị với mục tiêu chính trị, không có một hệ giá trị nào khác vượt ngoài được trật tự xã hội hiện hành, không có trật tự chính trị nào khác được..." nên mục tiêu đấu tranh "không dẫn tới các cuộc biện luận tranh cãi", "nó không dẫn tới các cuộc tranh luận trực diện, công khai mà chỉ là những cuộc tiếp cận dấu lén, đường đi vòng vo". Trong khi đó ở những nước như TQ (VN), liệu có thể bàn về một nền báo chí theo kiểu phương Tây trong một nền văn hóa thiếu vắng những cuộc biện luận, tranh cãi trực diện, công khai? Và do đó tiến trình phát triển của nền báo chí sẽ có những đặc điểm khác biệt với lịch sử báo chí (truyền thông) của phương Tây?

Ta thấy, bỏ qua vấn đề mối quan hệ nhân quả con gà quả trứng với thể chế chính trị, ở Trung Hoa, từ trong hệ hình tư tưởng đã có một lối tiếp cận khác, lựa chọn khác và do đó khi đối chiếu phương thức tổ chức xã hội của nó với cấu trúc xã hội phương Tây có sự không trùng khớp, gập gềnh căn bản. Nó dẫn tới nguy cơ giáo điều, sáo mòn trong việc áp dụng lý thuyết phương Tây vào thực tiễn xã hội Trung Hoa (mà Việt Nam có cùng văn cảnh tương đồng) - kiểu thước thẳng đo đường cong. Nhưng điều này không phải là để phủ nhận tiếp nhận tư tưởng học thuật mới mà là để vận dụng phù hợp hơn, thỏa đáng hơn trong tiếp cận phân tích những xã hội Á Đông chịu ảnh hưởng văn minh Trung Hoa.

3.
Điểm thú vị là ngay chương đầu của cuốn sách bàn về những chiến lược ý nghĩa này có một ví dụ về cách đọc "những gì ở giữa những dòng chữ" trên Báo Bắc Kinh (Nhân dân nhật báo): "...sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản TQ và chính ngay nguyên lý bảo đảm tính chính thống của nó đòi hỏi diễn ngôn của những người lãnh đạo, mặc dù có những sự bất đồng ý kiến giữa họ, phải tỏ ra hoàn toàn thống nhất và đồng thuận; kết quả là, (...) tất cả những sự thay đổi đường hướng phải được cân nhắc, vòng rào thật kín, trùm lên tính liên tục của lời lẽ những công thức. Một thứ diễn ngôn hầu như mờ đục...". Có lẽ bác Đông A (blogger) chưa đọc những gì FJ viết nhưng thực tế cách bình luận chính trị trên blog này chính là một minh họa quen thuộc cho lối đọc báo (tin tức) Á Đông ở xã hội như VN, TQ. Ở đây có một hệ thống quy tắc nghệ thuật truyền thông, nghệ thuật đọc tín hiệu kiểu khác; và nó cũng là biểu hiện của một kiểu cơ chế xã hội khác với phương Tây.

Và hẳn là mối quan hệ cấu trúc xã hội-truyền thông-công chúng cũng sẽ có những đặc điểm khác. Khác với một phương Tây (châu Âu) của những Agora - quảng trường đô thị nhỏ Hy Lạp cổ đại- nơi sinh hoạt đời sống công cộng, nơi diễn ra những tranh biện, đấu khẩu. Nơi những vở hài kịch Agôn trình bày sự tranh cãi giữa hai nhân vật bảo vệ những luận điểm đối lập nhau. Nơi "người trí thức phải chăng là người đã khẳng định được tư tưởng của mình, đối diện với chính quyền, hay ít nhất là đã thoát khỏi được ít nhiều sự lệ thuộc đối với chính quyền, và đã phần nào giành được quyền ăn nói độc lập".

4.
"Các nhóm xã hội - Đảng phái - Diễn ngôn - Tự do - Cá nhân - Quyền lực của tiếng nói, nó giúp giải phóng con người, bởi vì nó phản đối". Nếu không có những thành tố ý niệm kia để thao tác thì liệu lý thuyết truyền thông phương Tây sẽ vận dụng như thế nào ở xã hội Á đông Trung Hoa?

Logic chủ yếu của tư tưởng Trung Hoa là có sự điều hòa tự nhiên. Tư tưởng hệ phục tùng với chiến lược truyền thông vòng vo, thích nghi với thực tế chính trị, và chỉ hiệu quả khi người nghe thực sự muốn nghe, thực sự quan tâm. Hậu quả là đối với chính quyền, không lời nói nào là vô thưởng vô phạt; và mục tiêu đấu tranh không phải là lý thuyết mà là cá nhân.

Nhưng chuyển động của các xã hội như VN về phía ảnh hưởng của hình thái xã hội tiến bộ phương Tây là tất yếu của lịch sử nên vấn đề chỉ là nó sẽ diễn ra như thế nào và tiếp biến như thế nào, trong bao lâu mà thôi. Ít nhất ở VN đã phải thừa nhận thực tế ưu thế của kinh tế thị trường với đặc điểm cốt yếu là đa dạng thành phần kinh tế và nguyên tắc tự do thương mại. Nhiều thành phần nhóm xã hội tự do là những yếu tố ý niệm nền tảng để hình thành xã hội hiện đại - và cũng là cái nền của báo chí truyền thông. ("Sự ra đời của báo chí, các câu lạc bộ đọc sách, các quán cà phê trong thế kỷ 18 báo hiệu sự suy tàn của nền văn hóa “nghi vệ” phong kiến, nhường chỗ cho nền văn hóa “công luận” mang tính phê phán và tự do tư tưởng" - Hiện đại thứ hai và nền văn hóa công luận. BVNS (http://www.thesaigontimes.vn/Home/diendan/sotay/29436/).

Nếu như lịch sử báo chí phương Tây là từ nền tảng nhóm xã hội, diễn đàn của ý kiến, sự kiện, thông tin...trở thành nền truyền thông báo chí với những sản phẩm thị trường và tất yếu là sự hình thành của nhánh lá cải (feuille de choux) thì ở VN nền báo chí đối diện với tình thế nước đôi vừa cần bảo toàn hình thức chính thống, tính hiển nhiên, trong đồng thuận, là công cụ chính trị sở hữu dư luận vừa tiếp cận với nền kinh tế thị trường. Dưới những tiêu chuẩn kép đó, hiển nhiên thứ được ưu tiên của phân kỳ đầu tiên của tiến hóa báo chí cách mạng (^^) về phía thương mại hóa sẽ là những gì có thuộc tính gần với đại chúng (chỉ một công luận), đa tạp và vô hại, kích thích bản năng đám đông...Nơi người ta có thể chia phe nhóm và phán xét, tranh luận kịch liệt. Sự được phép này tương đồng với sự xuất hiện những vai hề dưới chính quyền đế quốc tập quyền như Đông Phương Sóc trong lịch sử.

5.
Thực ra thông qua các thần tượng đại chúng, vô tình báo lá cải cũng góp phần cổ vũ ý thức về cá nhân tính, cũng là cơ hội (một cách tiêu cực) từ khước quan tâm truyền thông chính trị giáo điều, cổ súy giá trị thương mại (dù chỉ là kiểu xã hội kim tiền). Nó cũng tạo ra, phân hóa nhóm công chúng (webtretho vs tathy); từ đó kiêm nhiệm được chức năng diễn đàn dư luận cho phe nhóm lợi ích nhỏ (cỡ doanh nghiệp) kiểu những vụ xử lý khủng hoảng truyền thông bằng tiền của doanh nghiệp...

Hậu quả xấu thì mọi người đã bàn nhiều: bàng quan, mù thông tin, thiếu óc phê phán, xóa bỏ giá trị truyền thống (nhưng xóa bỏ là cơ hội cho cái mới, cái khác)...

Nhưng tôi tin là tiến hóa ngược kiểu VN sẽ có cơ chế riêng để điều tiết và đây mới là điểm mấu chốt cần bàn. Thực tế thì cũng đã có nhiều chỉ dấu tích cực về một cơ chế như vậy trong thời bão hòa lá cải hiện nay:

- Sẽ là thời điểm của sự nghiệp dẫn nhập văn hóa tinh hoa nhân loại vào VN. Như SGTT làm với mục Khoa giáo cùng nhiều bài viết giá trị của BVNS. Tia Sáng cũng tạm được dù thực tế lại hơi giả cầy. Tôi vẫn rất ngạc nhiên khi phụ đề của tên báo có cái tít dài vô đối "Một góc nhìn của trí thức-Diễn đàn của trí thức VN-Tạp chí khoa học và công nghệ chứa các bài báo, bài viết sâu sắc về giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, kinh tế"!

- Cần tập trung vào những vấn đề xã hội dân sự. Ví dụ như chính quyền đô thị; tạo sức ép và cơ hội cho sự hình thành các nhóm, cơ hội áp dụng những tri thức dụng hành vào những lĩnh vực thiết thực. (Ví dụ như hôm trước VTV1 có bản tin về nạn khói đốt đồng ở Bắc Bộ. Nhưng thay vì năm nào cũng kêu ca rồi bảo bà con đừng đốt thì chưa hề thấy nhà báo tham vấn ngành nông nghiệp, tham khảo nơi khác. Nếu như vấn đề đơn giản là cần cái máy cắt nốt đám rơm rạ phun ra đồng thì lại cần bàn sâu vào xem làm sao để nó áp dụng được. Tất nhiên nhà báo không cần tìm giải pháp nhưng nên chịu khó đi hỏi sâu sâu tí).

- Việc trào lưu dư luận phê phán báo lá cải sẽ là tất yếu khi nó bão hòa, sẽ là cơ hội cho nhu cầu của phân nhánh báo nghiêm túc, chất lượng (SGTT theo tôi là 1 tờ khá).

- Đặc biệt cơ hội của mạng xã hội do internet đem lại là vô cùng lớn. Nó còn lớn dần theo thời gian nữa. Blog tạo tiền đề cho cá nhân biểu hiện mình trong xã hội truyền thông. Mạng lưới liên cá nhân trên mạng sẽ làm tiền đề cho những kết nối xã hội thực tế. Đây là cơ hội cho tầng lớp trí thức tham gia tác động đến công luận, đến tầng lớp xã hội thị dân trung lưu - nền tảng của cơ cấu xã hội hiện đại. Những tranh luận về trí thức-trí ngủ dù rất rùm beng hóa ra lại chính là minh chứng cho nhu cầu và thực tế xã hội giai đoạn này. (Chỉ là không nên độc quyền chân lý ấu trĩ. Dù sao có tranh luận đã là rất tốt, nó tạo ra cơ hội cho cái khác. Trong chuyện văn hóa thảo luận tranh luận, tôi rất ấn tượng với một ý kiến của NBC khi ông trả lời SGTT (lại là SGTT) về cách trả lời thẳng vào chi tiết vấn đề và không ngại mở rộng thảo luận thay vì loay hoay thao tác với những khái niệm chung chung. Rất tiếc không nhớ được nội dung bài viết đề đánh dấu chính xác tinh thần câu nói).

6.
Thử điểm lại trong vài năm gần đây, có rất nhiều chỉ dấu tốt về một xu hướng tốt cho nền tảng hình thành nền văn hóa công luận:

- Những hoạt động đa dạng và tích cực có tính nền tảng, khai minh của GS NBC: môi trường nghiên cứu học thuật mới, lập tủ sách, quỹ dịch thuật, trả lời phỏng vấn báo chí, viết bài, viết blog...Tất cả thể hiện một quan điểm tri hành hợp nhất của trí thức.

- Những bài viết, hoạt động giảng dạy phi truyền thống của BVNS. Việc SGTT buộc phải dừng chuyên mục của ông dù sao cũng là 1 chỉ dấu cho thấy khả năng tác động vào công chúng, xã hội của 1 trí thức. Tạo cơ sở niềm tin cho những việc về sau trong học thuật tinh hoa.

- Những hoạt động giới thiệu nghệ thuật đương đại của Ga 0 - Zerostation của NNH dù không nhận thì cũng sẽ đánh một dấu mốc quan trọng trong diễn trình hội nhập văn hóa nghệ thuật ở VN. Cũng chính Ga 0 với những dự án nghệ thuật như tài trợ cho trường đại học Mỹ thuật với cách làm những buổi diễn thuyết về tư tưởng hiện đại ở quán cafe chính là biểu tượng thuyết phục về sự hình thành một xã hội hiện đại ở VN đang bắt đầu.

- Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh với tinh thần chấn hưng dân trí. Tủ sách tinh hoa, Tủ sách Nhập môn...là những chỉ dấu lành mạnh, nền tảng của xã hội mới. Đã hình thành nhiều CLB đọc sách ở nhiều địa phương, phong trào tặng sách cho trường học...Chỉ cần thêm phần đọc sách thế nào nữa là ổn.

- Sau những cãi nhau rất chi là vớ vấn lại cuối cùng hình thành được những nhóm dịch giả mới cũng là điều đáng mừng.(Thôi thì xã hội VN đang tập tranh luận với mục tiêu cá nhân sang mục tiêu ý kiến).

- Những hoạt động của những tổ chức như L'espace, Viện Goethe...càng ngày càng thu hút được sự quan tâm của bộ phận trẻ. Hay như xu hướng hồi phục phong trào Hướng Đạo, học kỹ năng sống...

Tóm lại theo tôi thấy, xã hội rất nhố nhăng nhưng không phải xoắn. Mỗi người mỗi góc góp sức thúc đẩy quá trình tích cực lên, bớt tính bao đồng khái quát hóa chung chung thầy đời đi là ổn ^^

Cái cần nhất bây giờ là những nhóm dẫn đường, những nhóm thảo luận chất lượng, đưa những cuốn sách tinh hoa tri thức nhân loại vào hơi thở cuộc sống ngày thường, tạo nhu cầu cho lớp trẻ tiêu hóa được và có nhu cầu tìm tòi. Kiểu như ông BVNS lọ mọ viết những bài abc từ đầu cho đống sách dầy cộp ông đã dịch. Cần làm ra những môi trường giáo dục mới đối chứng với nền giáo dục bệnh tật chính thống hiện nay. Kiểu như ĐH Hoa sen (đấy là nghe báo nói vậy). Hoặc là đánh từ trong đánh ra như những bài dịch tâm huyết của Trần Ngọc Hiếu trong lĩnh vực chuyên môn của ảnh cho bộ môn của trường.

Thậm chí có lẽ nên có lúc phải đăng ký tổ chức biểu tình ở cổng Bộ GDĐT, ra thông điệp mạnh mẽ chửi bỏ mẹ cái nền giáo dục quan liêu này đi. Đánh giặc dốt cũng không kém phần quan trọng so với việc chửi bọn Tàu :P

Cổ xúy cá nhân hóa, óc phê phán, tinh thần phản tư, hình thành hội nhóm xã hội, chia sẻ kinh nghiệm sống, đề cao giá trị nhân cách...haizz cũng thật là nhọc nhưng SAO PHẢI XOẮN!

18 nhận xét:

doanh nói...

trích dẫn thiếu mất cái này :P cho nên diễn dịch sai, dẫn đến tức khí đi tìm giải đáp cái tự mình đặt ra :P

doanh nói...

6. sao nghe giống CĐVN có kèm theo danh sách được gửi thư mời quá :-)

doanh nói...

viết tiếp vào 3 và 4 đi T. 5 và 6 có vẻ như lại quay về phương Tây rồi, mặc dù bạn T có ý nói đó là "sự điều hòa tự nhiên", theo mình đọc hiểu không rõ đúng không?

tòan bộ những gì được liệt kê ở 6, rất hay, là modernisation rồi: đi kèm với CNH, đô thị hóa, chiến lược truyền thông là 'diffusion of innovations' - mặc dù có một điểm hơi khác ở đây là 'tương đối' bottom-up thay vì hoàn toàn top-down - có thể coi như một lối đi vòng.

vấn đề là modernisation đã tự chứng minh thất bại ở Third World, đa phần là Á Đông, nếu đi đường thẳng.

do đó, thử xem đường vòng có làm nên chuyện không.

có thể lạc quan, nhưng không sáng lạn.

(còn đường khác nữa đấy - zích zắc)

Titi nói...

É, mình thích bài viết này, và mình thích chữ "không việc gì phải xoắn" vì càng xoắn càng hỏng việc à . Cứ từ từ học hỏi dần dần từ các bạn được đào tạo bài bản như bạn Gấu là chắc ăn nhất...khà khà :-D

Tung H nói...

@Titi:thực ra chúng mình không xoắn vì chúng mình là tiểu tư sản thị dân. Không làm nòng cốt cách mạng được ^^ Là thuộc phong trào cải lương mà thôi.

Tung H nói...

Trách nhiệm của chúng mình là từ từ học hỏi, nhưng trách nhiệm của những Gấu ^^ là nặng nề hơn nhiều. Đề nghị tích cực nhả ra tơ, không nhả ra dâu :P

Tung H nói...

@Gauxx: Cái này em viết theo kiểu gạch ra để nghĩ tiếp. Mai sẽ viết lại ngắn gọn vì xét ra hình như em chỉ định nêu ý kiến là ở VN có lẽ phân kỳ lá cải là tất yếu và đầu tiên :P

Con đường thế nào thì có thể lập mục tiêu để suy nghĩ chứ để biện luận trên blog thì nhân sỹ học giả người ta cười cho thối mũi cái tội đại ngôn hồ đồ :P

Tung H nói...

5-6 là những góc nhìn cá nhân có phần tùy tiện không chủ ý biện luận. Nhưng rõ ràng là dù không được thiết kế chủ ý, các xu hướng đã tự dồn nén và xuất hiện theo các cách khác nhau - kiểu khuếch tán. Chỉ còn là có ai hội tụ nó lại được không hay để nó xiêu dạt đi. Còn cá nhân mình thì cái gì hay có ích cho mình thì mình xài :D

Tung H nói...

3-4 là cái rất khó trình bày đủ. Mục tiêu của em trích dẫn hơi nhiều là để anh Gấu chú ý và tò mò về những thứ đó. Em đọc đống này cũng gần 10 năm mà lúc nào cũng thấy có thể hiểu, có thể phản biện, có thể làm rõ...nhưng gặp rất nhiều chướng ngại về background. Biên dịch cũng chưa ngon, thậm chí hình như mình đọc sách lậu, nhiều lỗi.

Từ từ mỗi góc sẽ thử diễn đạt cái mà theo em là điểm quan trọng nhất của FJ: phương thức song thoại đối chiếu giữa 2 hệ hình tư duy trên từng chủ đề nhỏ.

Tung H nói...

@Titi và Gauzz: Em mới đặt ra một trong những mục tiêu cho mình giai đoạn này là kết nối và hình thành những nhóm thảo luận nhỏ về những gì cụ thể. Mỗi cá nhân dự phần vào đó - theo kiểu là thành phần và có xây dựng. Không chịu một sức ép hàn lâm nào cả, chú trọng đào luyện và qua đó chống lại sự vô tri trong mỗi ngày. Mong mọi người giúp đỡ. Kính thư ^^

doanh nói...

tớ thực sự thích và muốn bạn Tùng nhả tơ cho vụ 3, 4 từ lâu rồi mà, hehe

chính xác là có 1 thành phần cải lương - cải lương hay chứ. Thành phần này làm ta nhiều phen lầm tưởng có một sự phát triển KHÁC. Thực tế, thành phần này có thể self-develop mà không care context bên ngoài. Sự khuếch trương của họ, về cơ bản, là rủ rê cùng hôi cùng thuyền và nhắm tới mục đích cuối là self-khuếch trương, hehe

nhưng không phủ nhận cải lương cũng có tác động nhất định tới xã hội

cải lương cũng có thể làm cách mạng được - cách mạng cải lương

nhưng trong hoàn cảnh toàn trị thì cải lương đã từ bỏ khả năng đó ngay từ đầu bằng việc "bỏ qua vấn đề mối quan hệ nhân quả con gà quả trứng với thể chế chính trị" :-P hehe

doanh nói...

"Con đường thế nào thì có thể lập mục tiêu để suy nghĩ chứ để biện luận trên blog thì nhân sỹ học giả người ta cười cho thối mũi cái tội đại ngôn hồ đồ"

- tớ thấy ngoài CĐVN ra đã có nhân sỹ học giả nào bàn ra ngô khoai con đường gì đâu.

- không dám nói mình biết hết, nhưng tớ cuộc là thảo luận về development đã đi vào bế tắc từ lâu rồi - không có 1 con đường cụ thể nào đâu, kể cả vòng vèo - cho nên bọn phương Tây mới phải chấp nhận hợp tác với những ngước toàn trị như Việt Nam, tiếp tục viện trợ phát triển, tiếp tục innovation diffusion bằng hàng loạt các projects - tức là đã chấp nhận đi vòng để tới tự do, dân chủ và phát triển.

- ngoài ra, khi development hướng vào commuity level - cái tiếp cận đương thời và thắng thế hiện nay - thì, một mặt, nó nhân văn hơn bởi human development, một mặt đã thừa nhận sự thỏa hiệp với thượng tầng và "bỏ qua....."

- từ thay đổi community structures cho đến thay đổi society structrue chính là đường vòng từ dưới lên. Community có thể hiểu ở cả hữu hình local và vô hình như các nhóm trên mạng, hay các nhóm interest mà bạn Tùng có kể đến. Trong khi cái development aids là đường thẳng từ trên xuống.

- cho nên túm lại là bạn Tùng bàn về đường thẳng và đường vòng đâu có gì sai đâu, trúng phóc. Hay là ý nói vòng nào khác nữa?

- vấn đề là lạc quan tới đâu. Những bài của BVNS thì ngoài bổ ích cho bạn T thì bổ cho ai? Những thảo luận như trên blog này cũng không tránh khỏi rơi vào isolation? những đầu tư như viện Toán thì làm gì cho cộng đồng lớn hơn mà cần nhiều tiền thế? - những câu hỏi hơi stupid nhưng sự bi quan là có thật.

doanh nói...

"Cái này em viết theo kiểu gạch ra để nghĩ tiếp. Mai sẽ viết lại ngắn gọn vì xét ra hình như em chỉ định nêu ý kiến là ở VN có lẽ phân kỳ lá cải là tất yếu và đầu tiên"

hoàn toàn share câu này. trong đoạn cuối bài đó, khi mình nói hạn chế của MSD là không chỉ ra được các hệ quả trong mốt số hoàn cảnh cụ thể - chính là muốn nói ý này. Khi mối quan hệ thượng tầng có vấn đề, cụ thể là quan hệ giữa nhà nước và trí thức trục trặc thì dẫn đến media lá cải lũng đoạn như một tất yếu ngoài tầm kiểm soát của cả NN lẫn trí thức.

Sẽ post một bài dịch có dẫn đến ý này ^^

Tung H nói...

Sẽ post một bài dịch có dẫn đến ý này ^^

- Mình thật ngưỡng mộ mình vì đã moi ra được một ít nữa :P

- Giới chuyên gia học giả có trách nhiệm dẫn nhập. Nhân dân chúng em nhận phần hình ảnh minh họa ^^

Tung H nói...

vấn đề là lạc quan tới đâu. Những bài của BVNS thì ngoài bổ ích cho bạn T thì bổ cho ai? Những thảo luận như trên blog này cũng không tránh khỏi rơi vào isolation? những đầu tư như viện Toán thì làm gì cho cộng đồng lớn hơn mà cần nhiều tiền thế? - những câu hỏi hơi stupid nhưng sự bi quan là có thật.

- Định lượng là vấn đề của các tiến sỹ :P Khi gạch ra thì em cũng chỉ có ý nói về cách nhìn nhận, chứ không tính là luận cứ.

- Isolation hay không là do mục tiêu của chúng ta và cũng là tại chúng ta. Nếu như chủ đề này mà em không thảo luận thêm được với anh Gauxx, chị Titi thì chúng ta đặt ra những mục tiêu to tát làm gì ^^

Titi nói...

Làm trong ngành này ở vn mềnh bit, sức cản của nhận thức củ chuối lớn gấp nhiều lần sức cản của chính quyền và đảng. Tình trạng cha chung không ai khóc và phải giữ Chặt Cần câu cơm cũng là nguyên nhân Không nhỏ. Sống ở nơi Hoa quả Sơn đầy thức Ăn thiì khỉ cũng thông Minh và Hiền Hoà hơn người ở nơi đói kém :-))

Tung H nói...

Lĩnh vực nào cũng thế thôi. Nên như trong ngành của em cũng vậy. Em quan tâm đến những tri thức có tính áp dụng, kỹ thuật, trực quan có thể so sánh kiểm nghiệm với quốc tế...vừa tăng tính thuyết phục, vừa thúc đẩy ý thức của các actor về phía học thuật mới mà không quá cấp tiến so với bối cảnh.

Ví dụ như hiện nay em đang quan tâm đến không gian công cộng - không gian mở trong đô thị. Kích thước của nó, sự khai thác bởi các nhóm, sự nhập nhằng chồng chéo, tiêu chuẩn kép của thực tiễn quản lý đô thị...Mà trong chuyện này, 1 lúc sẽ thấy vai trò của truyền thông :D

Titi nói...

Ừ, chị thấy chỉ cần đọc bài trang Gấu rồi đi chém ở cơ quan là làm ối tên lòi mắt :-))