Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2011

Mai luận

Sách “Trân hương bảo thụ” của Phí Cung Ấn đời Minh chép: “Đắc Kỷ ái lãm hàn mai, Trụ tằng ngự tuyết đồng lãm chi” nghĩa là “Đắc Kỷ thích ngắm mai trong giá lạnh, Trụ vương thường đội tuyết mà ngắm cùng…”.

Mai có cốt cách cổ nhã, hương thơm mộc mạc; nhất là mai cũng như tùng, trúc thuộc nhóm “tuế hàn tam hữu”, chịu được tuyết lạnh, chẳng khác bậc trượng phu xưa, khí tiết vững vàng chịu đựng mọi nghịch cảnh và không bao giờ khuất phục bạo quyền.

Mai là loại cây càng già dáng dấp càng đẹp. Gốc mai khúc khuỷu, cành mai vặn vẹo hiên ngang, vỏ mai xù xì điểm mốc…

Tuy dạng giống nhau, nhưng mai có nhiều chủng loại, màu hoa khác biệt. Bạch Mai sắc trắng như tuyết, khi hoa tàn kết quả màu xanh, quả chín chuyển sang màu vàng; Hồng Mai sắc đỏ như máu hoặc màu hồng phấn, quả chưa chín có màu xanh, khi chín màu đỏ như máu; Thanh Mai màu trắng ánh xanh, khi hoa tàn kết quả màu xanh, quả chín màu vàng cam. Còn nghe, có loài hoa màu đen hay tím đen gọi là Mặc Mai; nhưng chưa từng thấy phổ biến.

Cây mai, hoa mai đẹp nhưng quả mai rất chua. Quả mai chín vào tháng tư, tháng năm âm lịch. Khi ấy thường có mưa nhỏ, người xưa gọi là mưa mai (Mai Vũ).

Sách “Nhĩ nhã” luận về hương thơm của hoa mai: “Hoa mai quý ở mùi hương…” Sách “Thôi dụng nhật thi” có câu:

“Khúc trì đài sắc băng tiến dịch
Thượng uyển mai hương tuyết lý phiêu”
Tạm dịch:
“Ven ao rêu lóng lánh băng
Vườn vua mai thoảng hương làn tuyết rơi”

Theo “Mai phổ”, mai có sáu cánh, tròn đẹp như thuỷ tiên được gọi là Thuỷ Tiên Mai; loại mai hoa mọc thành cặp có tên là Uyên Ương Mai; loại mai hoa màu đỏ hồng gọi là Yên Chi Mai; mai có đài hoa màu xanh đậm gọi là Lục Ngạc Mai rồi Hạc Đính Mai; Ngọc Điệp Mai, Quý Phi Mai…

Lại có Dã Mai tức mai rừng nên trồng trong rừng trúc, ven bờ nước; loại Hạc Đính Mai nên trồng trong vườn, dọc theo đường mòn; Uyên Ương Mai nên trồng sát bên song cửa sổ có hoạ mi bên vì mai rất hợp với hoạ mi.

Võ học có Mai hoa thung, Mai hoa quyền, Mai hoa kiếm…Điển hình của những Mai Si có sủng phi Mai Thái Tần của Đường Minh Hoàng - gọi là “Mai Tinh”. Lâm Bô tự Quân Phục, người đất Tiền Đường, danh sỹ đời Tống ở ẩn tại Cô Sơn bên Tây Hồ suốt đời với hạc, mai người đời tặng bốn chữ “Mai thê, hạc tử”. Ông có câu thơ bất hủ:

“Sơ ảnh hoành tà thuỷ thâm thiển
Ám hương phù động nguyệt hoàng hôn”
Tạm dịch:
“Nhập nhoà cảnh đẹp in làn biếc
Mơ hồ hương thoảng ánh trăng lên”

Về phép thưởng mai, sách “Hân thưởng bá pháp” của Bốc Quán Ân chép: “Muốn tận nhã thú, chỉ nên: ngắm Bạch Mai sau đêm tuyết bắt đầu rơi – Ngắm Thanh Mai trong cơn mưa phùn - Ngắm Hoàng Mai trong ánh nắng sớm - Ngắm Hồng Mai trong nắng chiều hôm - Ngắm cảnh mai lồng bóng trăng - Ngắm cảnh mai nở bên song - Ngắm mai nở đêm giao thừa - Ngắm mai và hạc yên tĩnh - Ngắm mai có bướm vờn trên - Ngắm mai rung cánh trước làn gió xuân lành - Ngắm mai có giai nhân yểu điệu vin cành tựa gốc - Ngắm lão mai có bậc lão trượng tỉa lá thăm hoa - Ngắm Bạch Mai trong đêm trăng thanh để thấy rõ vẻ trắng ngần - Ngắm Lão Mai mọc cheo leo trên triền núi cao - Ngắm Lão Mai mọc nghiêng bên đầu cầu gỗ nhỏ…”

Lại chú, khi đi ngắm cảnh mai nở, tuyết rơi nên cưỡi lừa đen mới thật ý vị.

Có thơ:
“Kinh vũ bất tuỳ sơn điểu tán
Ỷ phong như cộng lộ nhân ngôn”
Nghĩa là:
“Trải qua mưa, không tan tác theo chim núi
Tựa vào gió, tưởng chừng như đang trò chuyện với kẻ bên đường”

(trích Mỹ thuật thời nay – 1-96) (không nhớ tác giả).

1 nhận xét:

Tung H nói...

Tiếp tục chương trình giảm hình tăng tiếng bằng ghi chép cũ.

Ngày xưa rất thích những tứ về Mai như thế này. Hẳn là tại "cô ngạo giản phác" :)