Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

C(q)uốc lủi tại dân gian


Một ngôn ngữ của cộng đồng

Khi đến một vùng đất lạ, nếu muốn tỏ ra thân thiện thì có thể nói chuyện với những người mới gặp lần đầu về một loại rượu ngon nổi tiếng của địa phương ấy. Nếu anh có thể kể ra cái quán đó, chỗ đó uống rượu hay lắm, hợp lắm thì sẽ gây ấn tượng rất tốt. Nhưng anh còn thuộc những lề lối của dân nhậu nơi ấy, như là uống xong phải bắt tay ở Tây Bắc, xoay tua ở miền Tây...thì anh hầu như sẽ được coi trọng trong lần sơ giao.

"Vô tửu bất thành lễ", hành vi xã giao phổ biến này ngầm biểu thị rằng anh thừa nhận, anh biết và đã từng tham dự vào những nghi thức giao tiếp của một cộng đồng ở trung tâm căn tính của nó. Và thứ rượu nấu trong dân có gắn tên riêng kia là một ký hiệu quan trọng để nhận thấy, mở ra những tương tác giao tình song phương.

Rượu quê mà có tên riêng nổi danh trên toàn quốc thì cũng không phải là nhiều, người lịch duyệt bình thường có thể kể được chừng trên dưới chục cái tên khác nhau là đã khá lắm - thường là gắn với các địa danh, các tên làng tên đất, những làng Vân, Bàu Đá, Gò Đen... Nhưng bộ căn cước của rượu quê còn có rất nhiều cấp độ, gắn đến từng chòm xóm, những cộng đồng nhỏ, nơi mọi người đều biết nhau và cùng đồng ý rượu nhà ông A hay bà B là ngon nhất! Thường thì trong làng xóm sẽ có một vài nhà tự nấu rượu và cung cấp cho một phạm vi hẹp bà con lối xóm. Một kiểu nghề thủ công lúc nông nhàn, nếu ai muốn mua nhiều thì phải đặt trước, thậm chí là mang đúng loại gạo nếp ngon mình muốn nấu đến đặt cũng được. Những loại rượu quê tự nấu này có một thị trường nhỏ, khu biệt trong một cộng đồng nơi mọi người đều quen biết, có mối liên hệ qua lại với nhau. Rượu không đơn giản chỉ là một loại thức uống mà hiển nhiên trong những tập tục, lễ tiết, gắn với mọi nhịp điệu đời sống văn hóa cộng đồng nông thôn những tiết lễ giỗ chạp, "đám cưới, đám ma, tân gia, nhập trạch".

Người ta uống rượu quê tự nấu không hẳn vì nó rẻ. Lý do hay được nêu ra nhất đấy là vì nguồn gốc có tính chất tự nhiên của nó khác với rượu nhà máy hạng trung bình khác "sốc", "nặng", "gắt", "hóa chất". Và để đối chứng thì còn thêm lý do "rượu này là rượu nếp nhà ông A nấu đấy!". Trong một lĩnh vực sản xuất mà chất lượng của sản phẩm phụ thuộc hoàn toàn vào bí quyết thứ men gia truyền, kinh nghiệm của người làm và cả nguyên vật liệu quan trọng là nguồn nước được sử dụng thì một lần nữa, cái tiêu chuẩn biết được, tin được, đã được chiết xuất từ văn hóa cộng đồng tiền đô thị hóa rồi ngưng tụ trong tập quán uống rượu nhà quê. Cái chất cảm "trong vắt", "sủi tăm", "sánh", "êm", "đượm"...của rượu nấu biểu đạt tính tinh chất, nguồn cội từ trung tâm cái căn tính quan trọng nhất của làng quê: men, gạo (của đất) và nước nguồn thông qua sự trung giới của lửa và bởi năng lực của người làng mình.

Cùng nhau uống một chén rượu cũng tức là chuyển những tín hiệu xã giao sang bình diện cốt lõi, thực chứng bằng cảm nghiệm thân thể và từ đó Lời được thốt ra theo một kiểu xuất tiết ít chủ tâm(*) từ một trung tâm sâu thẳm hơn, thành thực hơn (trong quan niệm của đại chúng). "Rượu vào lời ra", những lời nói trong cuộc rượu phần nhiều là những khuôn mẫu có tính chất tiên kiến cá nhân - để nói ra, biểu thị ra hơn là để nghe. Nhìn từ ngoài, nó giống như một nghi thức kiểu nhập đồng mà ở đó các thành viên cùng hòa vào một nhịp chung ở một bình diện khác có tính chất cộng thông hơn là những trao đổi thông tin.


Giữa đám đông cô đơn và dưới ánh sáng của tiêu dùng

Rượu nhà quê có một lối lên thành phố, thâm nhập vào thành phố theo kiểu li hương: nó được mang theo hay được trao tặng, gửi gắm như một thứ quà quê cho những người con của gia tộc, quê xứ nơi thành thị. Đến chơi nhà một ai đó, khi gia chủ tự tay rót cốc rượu được giới thiệu là rượu ngon ở quê mình thì chính là cái hình ảnh biểu trưng sống động của một dòng chảy từ nguồn cội văn hóa đã liền lạc liên lỉ trong cả không gian lẫn thời gian đời người. Những quán "rượu dân tộc" cũng là một hình ảnh nối dài của con đường li hương này. Nhưng trong xã hội đô thị hiện đại, nó sớm lẫn lộn trong trạng thái bị nhại, bị phóng đại và đáng ngờ. Cộng đồng luôn là một khái niệm không quá rộng rãi về không gian.

Nhưng rượu quê còn có một đời sống tha hương khác, tiêu điều hơn, xơ xác, lạc lõng và lạt lẽo trong đô thị. Đó là thứ rượu không nhãn mác, vô danh, rẻ tiền len lỏi khắp các quán ăn, quán nhậu bình dân ở thành phố, chủ yếu ở vùng ngoại vi. Loại rượu này không được thị dân trung lưu ưa chuộng, ít đáng tin bằng rượu Vodka nhà máy. Nó không còn thuộc về một cộng đồng có căn cước nào cả, nhạt nhẽo và rẻ tiền đích thực trong xã hội đô thị của những cá nhân lạc lõng, những thành phần phi căn tính. Bị coi thường, bị làm giả từ chính những hóa chất công nghiệp, gây hại và là nguy cơ tiềm ẩn phải chấp nhận khi không được lựa chọn. Và từ bị nghi ngờ và coi thường đến bị cấm đoán chỉ còn là vấn đề thời điểm. Điều mỉa mai là ở chỗ thứ rượu hạ đẳng này được so sánh với chính những dòng rượu công nghiệp đại chúng khác - những thức uống "sốc", "nặng", "gắt", "hóa chất"...bây giờ dẫu sao còn có một căn cước tối thiểu để đặt lòng tin cho con người đô thị.


Lủi tại dân gian

Cùng với tiến trình đô thị hóa là quá trình phân rã của xã hội truyền thống mang tính cộng đồng chuyển sang xã hội tiêu thụ đại chúng. Có lẽ thứ rượu nhà quê tự nấu, cái biểu đạt cho văn hóa cộng đồng nhỏ thân quen lẫn nhau với nhịp điệu đời sống chậm rãi, bình ổn sẽ khó lòng mà minh định được là còn chiếm bao nhiêu trong con số 90% lượng rượu nấu thủ công của 350 triệu lít rượu được người Việt tiêu dùng mỗi năm (**). Việc kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn là trách nhiệm của chính quyền. Tự bản thân những cơ sở sản xuất thủ công lớn, sản xuất kinh doanh đại trà cũng phải nhận thức được việc đăng kiểm nhãn hàng của mình - nó đã đặt bước chân đầu tiên vào trình độ đô thị hóa rồi. Nhưng còn thứ rượu nấu của nhà quê, thứ "cao gạo" trong vắt, sủi tăm và sóng sánh, cốt cách nguồn cội của cộng đồng làng quê thì sẽ phải ứng xử ra sao? Rượu đã được cất hàng nghìn năm trong những làng xóm. Rượu cũng đã bị cấm ngặt nhiều lần. Nhưng nếu "văn hóa là cái còn lại" thì với tư cách là cái biểu đạt của văn hóa cộng đồng dân gian, có lẽ lại một lần nữa, rượu nhà quê sẽ chẳng mất đi đâu cả - Nó chỉ lủi tại dân gian như nó đã từng là như thế.
-----------------


(*) - Bắt chiếc chữ của R.Barthes, Những huyền thoại, Phùng Văn Tửu dịch, nxb Tri Thức. Cũng phải nhận rằng bài viết này lấy cảm hứng và chịu ảnh hưởng từ bài viết về rượu vang của ổng ^^ (Về ý uống rượu hay nói thật tôi cho là không phải: rượu chỉ làm người ta nói ra những điều bình thường không nói. Điều đó vẫn khác với nói Thật).

(**) - http://vi.wikipedia.org/wiki/R%C6%B0%E1%BB%A3u_tr%E1%BA%AFng#cite_note-docbao-9

6 nhận xét:

Unknown nói...

bây giờ mình toàn uống rượu đặt nấu ở quê, ngon và chắc cú hơn rượu tây, rượu tàu

Tung H nói...

Quê bác thì là Bàu Đá rồi còn gì ^^

Titi nói...

không có nút like nhỉ, like kịch liệt bài này :)

Tung H nói...

Titi add Fb em di ma like ^^ Em invited ma co dc dau :(

Unknown nói...

châm biếm vãi

Unknown nói...

châm biếm vãi