Thứ Ba, 15 tháng 1, 2013

chuyện táo ngày tết

"Tất nhiên, phong cách hầu như bao giờ cũng là cái cớ nhằm né tránh những động cơ sâu xa của vở kịch: bảo một vở hài kịch của Goldoni có phong cách thuần túy "Italia" (những trò hề, những kịch điệu bộ, những cung cách khúm núm và cách ăn nói láu ta láu táu), đó là cách dễ dãi để được miễn trách nhiệm về nội dung xã hội hoặc lịch sử của tác phẩm, là cách để tháo ngòi nổ xung đột gay gắt của những quan hệ công dân, nói tóm lại đó là huyễn hoặc"

(Trích Hai huyền thoại về nền sân khấu trẻ, tập Những huyền thoại, Roland Barthes, bản dịch Phùng Văn Tửu, Nxb Tri Thức, 2008).


Một nghi thức trừ tà của xã hội

Khởi đầu là một vở hài kịch châm biếm nhỏ trên truyền hình cuối năm thành công đầy ấn tượng, từ nhiều năm nay chương trình Táo quân Tết đêm Giao thừa (Gặp nhau cuối năm) đã thành lệ, thành khuôn thước hình thức để mỗi năm công chúng phỏng đoán, chờ đợi xem năm nay các Táo sẽ đem những chuyện gì ra biếm giễu. Một cách vô tình, sự chờ đợi này tạo ra sức ép kép: một mặt chương trình truyền hình này phải bao quát phản ánh đại diện được những vấn đề thời sự của đất nước trong năm, mặt kia các nhà sản xuất phải nỗ lực tìm kiếm đem lại những thứ ấn tượng mới mẻ hấp dẫn cho công chúng - sức ép cho số mới đến ngay từ sau khi đóng lại số cũ và kéo dài cả năm, như chính những người trong cuộc thổ lộ. Sự cải biên đổi mới mỗi năm ấy không nhiều nhưng liên tục và dần dà vở hài kịch truyền hình nhỏ đã trở thành một cái gì đó quen thuộc nhưng không nghiễm nhiên và vẫn đang tự vấn về hình thức của mình, về khả năng tiếp tục duy trì hay đình bản của chính mình. Đều đặn trong những đêm 30 Tết với tính chất bản tổng kết kế toán được mất cuối năm, trong thời khắc mà người ta dù "feeling lost and feeling blue" nhưng chung cuộc sẽ là tâm lý kiêng việc kiêng sinh sự sự sinh và dành những hy vọng cho một chu kỳ mới, chương trình Táo quân Tết đã đóng vai trò một nghi thức trừ tà cuối năm của xã hội mang đầy tính chất huyễn hoặc; với những lá bùa của nó (những đĩa CD sao chép buổi ghi hình) sẽ còn hiệu nghiệm và len lỏi trong dân gian theo bước chân những người bán rong.(*)


Xét về cấu trúc và phong cách, Táo quân Tết mang nhiều dấu vết rõ ràng ảnh hưởng từ sân khấu chèo, một cảnh chèo toàn những vai hề (áo dài)! Từ cấu trúc cảnh trí sân khấu kịch nhiều tính ước lệ đến bảng phân vai của những tính cách bản chất đến kết cấu nội dung tốt nhiều hơn xấu, thiện thắng ác, đại đoàn viên... Kịch mô phỏng hành động chứ không mô phỏng con người (Aristotle). Nếu như ở vở hài kịch khởi đầu được xây dựng dựa trên các hành động tình huống xung đột gắn với những tình tiết có lịch sử riêng trong xã hội, trong hình thức mới mẻ của mình, nó đả kích, châm biếm hiện thực xã hội; thì cùng với việc kéo dài rập khuôn, trở thành một chương trình truyền hình, cấu trúc đã bị đóng khuôn và các nhân vật Táo đã được rút gọn thành các bản chất phi lịch sử, nổi bật lên trong cấu trúc tung hứng ứng biến, những tình huống được lựa chọn xoay xở cho khớp, Táo quân Tết đã trở thành một cấu trúc các khái niệm được sắp xếp theo mô dạng một huyền thoại như cách nói của Roland Barthes. 

Ở bên trên bình diện nghĩa đa tạp của tình huống, lặp đi lặp lại mỗi năm là cấu trúc hai lớp: một bộ ba kiểu quan năng (Cái nhìn quan phòng, Hành vi phản ứng, Xúc cảm trực thời) xao động vòng quanh các Bản chất, ở những tình huống kịch tính đa dạng giòn giã như pháo. Trong khoảng thời gian hầu như rảnh rỗi vô sự chờ Giao thừa, Buổi chầu là phần thời gian rỗi rãi của dân văn phòng mà Nam Tào (Xuân Bắc) là tay kế toán thạo việc, Bắc Đẩu (Công Lý) là cô thư ký đồng bóng và Ngọc Hoàng (Quốc Khánh) là anh trưởng phòng lõi đời cùng nhau chém gió, buôn dưa lê những chuyện trong nhà ngoài phố theo cái nhịp đời sống tiểu tư sản của họ: chuyện đi đường, chuyện con cái đi học, tiền điện, tiền xăng. Những chuyện ấy có cái kịch tính cá nhân chốc lát, nhiều bức xúc và lây lan bất chấp nhân quả logic nhưng chung cuộc là vô thưởng vô phạt, sao cũng được miễn là được nói ra, xả ra thật nhiều, thật chi tiết và cường điệu.

Quy cách bó buộc đơn điệu về tư tưởng sẽ cần được bù trừ bằng khối lượng hình thức, các tình tiết khoa trương đến bão hòa. Một tập đại thành dân ca hò vè đến nhạc phim sẽ được huy động. Phục trang, phụ kiện...danh mục các đồ vật liên tục được đưa vào sân khấu - không chỉ còn từ hai bên cánh gà mà từ trong phông tiến ra, từ trên cao đu dây xuống, trong khói trong mù và tiếng nhạc. Công chúng chờ đợi thưởng thức một đoạn ca thật dài thật mùi của Tự Long, cái hẩy tay hất tóc phát gớm của Công Lý hay điệu bộ oặt dẹo liến thoắng của Vân Dung. Các diễn viên sẽ thực sự rất vất vả, đổ mồi hôi và tận hiến những cao trào ngẫu hứng bột phát và công chúng cũng chỉ chờ đợi những tình tiết ấy, để hưởng ứng, sao nhại và truyền khẩu râm ran trong những câu chuyện trà thuốc mấy ngày Tết. Phản ứng xã hội sẽ được cô đặc lại trong những câu nói tâm đắc, trúng, độc kiểu "Thông và Dục, Táo đầu gấu hàng đầu thiên đình" (mô phỏng quảng cáo phản cảm bình lọc nước Kangaroo) và thế là những xung đột gay gắt của quan hệ công dân coi như đã được tháo ngòi nổ. Những bức xúc đã được đặt cho một cái tên và được biểu hiện theo kiểu hiển nhiên, tan loãng vào đám đông vô danh.

Mấy từ vựng

Xuân Bắc: Nam Tào, anh Tào, tay kế toán trẻ Thiên Đình thạo việc và ranh mãnh, chuyên gia tung hứng đưa đẩy. Bột phát nhưng ứng biến, điều chỉnh nhanh. Là biểu trưng kiểu hành vi phản ứng.

Công Lý: Bắc Đẩu, Đẩu, cô thư ký văn phòng đồng bóng, đa sự, bốp chát, dễ xoa dịu bằng phỉnh nịnh. Kiểu loại xúc cảm trực thời.

Quốc Khánh: Ngọc Hoàng, anh Hoàng, anh trưởng phòng tẩm ngẩm, ủ ê, vừa vừa phai phải. Nói lời cuối kiểu mô tả.

Chí Trung: Táo Giao thông, Thông, lĩnh vực của vận động, liên lạc, vận chuyển kết nối. Biến báo, được chăng hay chớ, thực dụng, chủ nghĩa kinh nghiệm, giọng em thiên hạ.

Vân Dung: Táo Y tế, cô Tế, một lĩnh vực không có gì thay đổi, không có gì nhiều để nói (nói không ăn thua). Trong hiệu ứng ngược của biểu trưng, phần bù hình thức là nói to, lánh lót, liến thoắng, loăng quăng, ngoằn nghoèo, dẹo.

Những vấn đề xã hội phức tạp đa chiều, nơi phải có ai đó chịu trách nhiệm, phải thay đổi hoặc bị thay đổi đã chuyển hóa thành các vai Táo vốn được mô tả trong chiều kích cá nhân, như những tính cách điển hình của những người làm công ăn lương có khổ, có công. Qua sự chiêu dụ của thủ pháp nhân cách hóa, dung tục hóa, đời thường hóa mọi sự, công chúng sẽ thấy mình trong những bung xung đó và chấp nhận nguyên trạng. Ở đâu đó, "người dân" luôn là một đám mờ nhạt, ý kiến vụt chạc.(**)

Comming out

Trong các vai diễn, Đẩu là nhân vật có sự chuyển đổi rõ nét nhất trong hành trạng, tính khí - một quá trình comming out theo đúng nghĩa đen. Là biểu trưng của cảm xúc trực thời, Đẩu đã có thể hoàn toàn thoải mái thể hiện cảm xúc của mình trong cách thức "khó coi". Cô hồn nữ tính đã thành đồng bóng thuần túy một cách thoải mái, nghiễm nhiên. Công chúng thân mến, những bức xúc của anh chị nó thực ra là khó coi lắm, và vì vậy nó đáng ngờ.

Câu chuyện của Đẩu là một biểu trưng kép: trong tiến trình comming out của giới thứ ba, thay vì những đấu tranh nỗ lực để đặt được chủ đề của mình vào chương trình nghị sự trong truyền thông của xã hội thì kết quả lại chỉ là những ám chỉ bông lơn, tục gớm trước cái cười mỉm của thiên hạ. Ở bình diện những câu chuyện chung của xã hội một năm cũng vậy, được nêu ra để bông lơn, chỉ lởn vởn, mù mờ như tà khí mà ánh sáng lấp lánh, ấm áp và những bè đồng ca chào xuân sau rốt sẽ thanh tẩy tất cả! Chiều tắm nước mùi già, tối xem tàn buổi chầu truyền hình, ai ai cũng đã cảm thấy nhẹ nhõm (cái nhẹ nhõm phải từng bị táo mới hiểu), có thể ra sân đêm ba mươi xem pháo hoa một lát rồi đi ngủ. Hết giao thừa, năm mới đến một lúc thì đi ngủ.
----------------




(*) Nghe kể có chuyện có ông bộ trưởng rất thân tình với CT, năm nọ đã mời cả đội Táo về nhà diễn và nhậu vui xuân. Nói chung tiết mục Táo quân là bán được.

(**) Một phép so sánh: thử tưởng tượng nếu Đoàn Văn Vươn nhận được một chỗ trong vở để tìm kiếm tên gọi chính xác cho tội danh của mình: giết người hay phòng vệ quá mức?

9 nhận xét:

Titi nói...

bài này đăng báo được đấy Tung H ơi :)

Tung H nói...

^^ Theo lệ, mỗi cuối năm em cố viết thành 1 loạt đủ loại coi như làm báo Tết tặng bạn bè :D

doanh nói...

khúc cuối có freud kìa :p

doanh nói...

gá cô Đẩu với vụ coming out của giới thứ ba thứ tư là hơi oan cho họ, chỗ này là framing của media mà nhân vật được đẽo gọt cho ra một stereotype vừa với tiên kiến để gây cười. cách nhìn của người viết cũng thế :p giành được chỗ trên agenda thiên về produce meaning khác với coming out sexually :p

doanh nói...

thao tác tốt nhưng mang các cụ ra xẻ chương trình này hơi phí. có thể vì mình ko thích từ lâu đã thấy xa lạ với nó về mặt văn hoá. táo tết này theo mình cũng chỉ hợp với công chúng miền bắc.

bài này tiết lộ một mỉa mai là một chương trình hài thời sự mà được cả giới bình dân lẫn quan chức thích thú còn mời gánh hát đi ăn nhậu thì cụ adorno nói đúng ha

thích bài rượu hơn ^^

Tung H nói...

Trả lời anh Gauxx từng khúc một:

1 - Đây là một kiểu bài tập với Roland Barthes của em nên có hai đặc điểm: không viện dẫn chỗ khác và áp dụng triệt để cái siêu-ngôn ngữ kiểu huyền thoại. Nói chung thấy cũng hiêu hiểu rồi, chờ làm nốt cái sổ tay biểu trưng của RB nữa thì thanh lý ^^ (Đối chiếu với ngôn ngữ tượng trưng theo Erich Fromm - cụ này xong vụ Trốn thoát tự do rồi, cũng thanh lý nốt :P Do vậy chờ xong việc với cuốn về văn hóa của Freud nữa thì sẽ có vài luận điểm để bàn về Adorno. Những công thức quy giản luôn đáng ngờ)

Tung H nói...

2- Vụ cô Đẩu em nói hơi lướt nên có lẽ gây hiểu nhầm. Em diễn đạt lại theo kiểu RB: ở tầng thứ nhất, nó là nghĩa - đa dạng và phong nhiêu, tất cả như cái stereotype và tiên kiến mà anh nói. Nhưng sang bình diện sau, nó (comming out là 1 kiểu chơi chữ) chỉ là hình thức, chính cái nhạt, nhảm của nó đã tố cáo vai trò hình thức của nó. Trong cấu trúc của huyền thoại (em tránh dùng từ này) thì nó biểu trưng cho sắc thái cảm xúc. Và thông điệp của nó do vậy dội về và gây liên tưởng của em đến chủ đề giới trên truyền thông trên thực tế mấy năm gần đây. Em dùng chữ biểu trưng là vì vậy.

Tung H nói...

3- Em viết về cái này vì nó liên quan đến kinh nghiệm cá nhân khi quan sát sự thờ ơ của người nhà ở quê với nó hồi năm trước. Bình luận xã hội luôn là một tổn thất do đặc điểm phong cách - cái này không phải sở thích của em. Ngoài ra theo tinh thần của Những huyền thoại thì cái cần nói là những cái gần như hiển nhiên, và có thể từ bất cứ cái gì.

Thực ra sau khi đến chỗ này rồi thì em cũng tưởng tượng ra những khả năng của giai đoạn sau RB. Có gì hay thì anh Gauxx giới thiệu nha ^^

Tung H nói...

À, nói thêm là CT đóng cái lĩnh vực của ông bộ trưởng ấy.