Thứ Ba, 16 tháng 10, 2012

Trùm chăn luận kiếm. Tiếu ngạo giang hồ (b)

4.
Lại nói chuyện về nghệ thuật phúng dụ chính trị của Kim Dung, cảnh giáo chúng Nhật Nguyệt Thần Giáo rõ ràng là ám chỉ chuyện ngoài xã hội đương thời, ai cũng chán ghét cả nên mới dễ bị cuốn hút vào mạch truyện, ngõ hầu được cùng Lệnh Hồ lãng tử cười ngạo giang hồ một phen. Nhưng sự ấy sự thường, có lần khác, rõ ràng là Tra Lương Dung tiên sinh chế truyện tiếu lâm vào trong kiếm hiệp mà hầu như không ai để ý cho đến lúc có người nói ra - văn chương như thế mới gọi là đỉnh cao:

Có thanh niên nọ yêu mấy cô trong xóm về nhà xin cưới đều bị bố gạt đi bảo là em con đấy. Chàng kia buồn đời muốn chết thời may bà mẹ kéo lại rỉ tai bảo "Thích đứa nào cứ chén đi, lão ấy không phải bố mày đâu!".

Đấy nếu chỉ như thế thì đúng là hài thật, hài nhảm, dung tục bình thường. Kể phát chọc cười xong quên ngay. Nhưng đến đây hẳn mọi người cũng nhớ đấy lại chính là đại khái chuyện đời chàng Đoàn Dự trong Thiên Long Bát Bộ. Con người đẹp đẽ, con người si tình loạng quạng, ai cũng hảo cảm là nhờ cả ở tài dựng chuyện của Kim Dung.

5.
Tháng giêng ngồi quán quán thu phong
Gió Nhạn Môn quan thổi chạnh lòng
Chuyện cũ nghe đau hồn tứ xứ
Thương Kiều Phong, nhớ tiếc Kiều Phong.


(Thơ Nguyễn Bắc Sơn)

Cũng trong Thiên Long Bát Bộ, có nhiều tình tiết hay ho rải rác về sau được liên kết lại trong các bộ truyện khác thành một thế giới kỳ vỹ của kiếm hiệp Kim Dung. Ví dụ như Tiêu Dao phái thời Bắc Tống của Hư Trúc về sau hóa ra lại là cội nguồn có liên quan chặt chẽ đến Ma Giáo - Minh Giáo - Nhật Nguyệt Thần Giáo. Nếu như trong bộ Ỷ Thiên Đồ Long Ký hai nhân vật Quang Minh Tả Hữu Sứ của Minh Giáo có hiệu chung là Tiêu Dao Nhị Tiên (Dương Tiêu & Phạm Dao) cùng với bộ nhận dạng phong lưu tiêu sái anh tuấn...chỉ thoáng qua chút liên hệ thì trong bộ Tiếu Ngạo Giang Hồ lại có lai lịch hẳn hoi.

Công phu Hấp Tinh Đại Pháp của Nhậm Ngã Hành là một trong bốn môn công phu tối cao trong bộ truyện (ba môn kia là Độc Cô Cửu Kiếm, Quỳ Hoa Bảo Điển và Dịch Cân Kinh). Theo lời Nhậm Ngã Hành giới thiệu thì môn võ công kỳ đặc này được truyền thừa từ phái Tiêu Dao thời Bắc Tống. Tuy nhiên việc truyền thừa có điểm bất toàn, công phu bị thất thoát yếu lĩnh nên mới thành đầu mối bao nhiêu vấn đề cho người luyện công về sau. Đặc trưng võ công của Tiêu Dao phái là vẻ đẹp hình thức tiêu diêu thoát tục của nó, nhưng đồng thời lại vô cùng độc địa kỳ quái. Đến khi Kim Dung xây dựng nhân vật Nhậm Ngã Hành thì vẫn nhất quán về điểm độc địa kỳ quái này.

Việc so sánh liên hệ mấy món võ công tối cao trong bộ TNGH là có ý tứ của nó. Nếu giả thuyết về thủ pháp sáng tác dựa trên nguyên lý nội kết thống nhất của Kim Dung về các bộ nhân vật thì rõ ràng sẽ phải tìm ra được mối liên hệ giữa đặc trưng nhân vật và võ công, từ đó lý giải tại sao chỉ Quỳ Hoa Bảo Điển mới là chân chính vô địch thiên hạ! Ví dụ như nhân vật Nhậm Ngã Hành của Ma Giáo thì nhận dạng nôm na khái quát là trường phái bá đạo "ông thích là ông làm" dựa vào món nghề cướp công (phu) người khác. Trường phái này có đặc điểm là cậy mạnh làm càn, bất chấp lý lẽ nên đương nhiên là một phương nguy hiểm cao cường.

Nhưng cậy mạnh cướp công chỉ hữu dụng khi tranh đấu với kẻ có nhiều sở dục, thích tranh giành đối kháng. Công phu này đối kháng với môn Độc Cô Cửu Kiếm vô chiêu thắng hữu chiêu của Lệnh Hồ Xung thì coi như huề vốn. Là bởi tinh yếu kiếm thuật của phái này lại là dựa vào việc thấu hiểu lòng người mà đi trước một bước, là một phép nghịch đảo của câu "kỷ sở bất dục vật thi ư nhân". Hành động theo tình, theo lòng mình - là tấm lòng cho người khác, vì người khác - thấy trước cái dục vọng của đối phương mà đón đầu khắc chế, võ công như vậy thì không tranh với người khác nên môn cướp công làm càn không có chỗ thi triển sở trường. Nhậm Ngã Hành chỉ thắng Lệnh Hồ Xung khi dùng nội lực thâm hậu chấn động chàng trong hầm sắt dưới đáy Tây Hồ. Đấy, hiểu người vì người là một chuyện, nhưng còn phải có sức mà làm nữa. Nên môn công phu của Lệnh Hồ Xung còn quan trọng ở chỗ nội lực tới đâu thì khả dụng tới đó. Yếu ớt mà tốt thì cũng được nhưng chưa ăn thua (lol).

Dịch Cân Kinh là vương đạo công pháp, chú trọng chuyển hóa bản thân nên đương nhiên cũng cao cường. Nhưng muốn chuyển hóa kẻ khác thì phải trông vào thiện chí của họ nên thành ra cũng có chỗ bất tiện khi tranh cường. Thủ hòa thì được nhưng chế thắng thì còn phải xem. Làm theo chánh đạo nó có cái khổ như vậy, nên Khổng Tử mới phải khuyên người ta nên "cư kính hành giản" - chiến đấu với mình thôi. Vậy nên trong chuyện mới có cảnh Phương Chứng đại sư dỗ dành bao lần mà Lệnh Hồ công tử có chịu luyện cho đâu! Cũng là vì chỗ vi tế này mà ra cả.

Như vậy rõ ràng là ba phương võ công kể trên đều có chỗ mạnh chỗ nhược nên tầm tầm ngang hàng nhau. Thực tế cốt truyện cũng xây dựng theo logic này. Phương Chứng đại sư khi bị thua Nhậm Ngã Hành cũng là thua theo logic: nguyên lý chỉ dùng cho mình đã bị vi phạm, Nhậm Ngã Hành dùng mưu đánh vào lòng từ bi làm ông san xẻ năng lực ra cho kẻ khác nên bị bại.

Vậy Quỳ Hoa Bảo Điển dựa trên những nguyên lý nào mà thành vô địch thiên hạ, khắc chế được cả võ công của mấy phương võ bá kia? Nếu Kim Dung đã có ý vị sâu xa như vậy đến từng chi tiết cho mỗi nhân vật thì cái lý thú của logic này hẳn sẽ còn nhiều chỗ hay ho.

(còn tiếp)

2 nhận xét:

pq nói...

chẳng liên quan gì đến võ vẽ, mà là tình yêu.

trong các tiểu thuyết Kim Dung, các đôi tình nhân một bên Hán một bên Hồi thường kết thúc không có hậu là tại làm sao bác nhỉ?

Tung H nói...

Hì, tôi không để ý kỹ nhưng có một cuốn tập hợp bình kiếm hiệp, trong đó có phân tích là các tác phẩm của Kim Dung có sự chuyển biến dần trong nhận thức về quan hệ Hồi-Hán.

Càng về sau tính tích cực trong hệ nhân vật phi Hán (Hồi) càng cao: Vô Kỵ với Triệu Minh (tác phẩm áp cuối) đến đỉnh cao là Vi Tiểu Bảo thì hết phân biệt (mẹ hắn ngủ với cả Hán, Mãn, Tạng, Hồi...nên không biết nó con ai ^^)

Nói vậy không phải Kim Dung lúc đầu bài Tứ Di mà là sự chuyển biến về kỹ thuật; nhận thức chủ đề từ thụ động sang chủ động.

Ngoài ra chuyện happy ending hay không thì cũng nằm trong thủ pháp cấu trúc tiểu thuyết sự thường. Không phải lúc nào cũng cứ phải yêu được nhau mới hay. Cô ngạo, bi thiết cá nhân...theo tôi là một trong những nét đặc trưng của kiếm hiệp hiện đại.