Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

Trùm chăn luận kiếm. Tiếu ngạo giang hồ (a)

(Phần 1)
------------
1.
Như đã nói, truyện Kim Dung nhiều lớp lang tình điệu, ẩn ký vốn liếng văn hóa truyền thống Trung Hoa thâm hậu của họ Tra nên đọc rất hấp dẫn và có thể đọc lại nhiều lần. Các tình tiết, ý tứ rất tinh tế như thể là một bộ toàn bích chứ không phải viết gấp gáp theo kỳ đăng báo nữa - thực không phải giống phàm chúng mình! Về sau nhờ đọc thêm một số tác giả bình Kim Dung thì tôi cũng lỗ mỗ hiểu ra phương pháp sáng tác của ông.

Trong cuốn "Vô Kỵ giữa chúng ta hay là Hiện tượng Kim Dung" của Đỗ Long Vân có phân tích đặc trưng chia tuyến nhân vật theo bộ (Ngũ Bá, Nhị Tiên, Tứ Vương...) kiểu cơ cấu luận tạo ra sự nội kết giữa các tuyến nhân vật. Tác giả cũng điểm đến những điểm mới trong thủ pháp của Kim Dung như sáng tạo về nội lực, tinh thần duy tự nhiên, từ bỏ kết cấu tất thắng cổ điển chuyển sang thời kỳ sụp đổ của các đại tự sự...

Thực ra một số thủ pháp là có kế thừa truyền thống võ hiệp chương hồi TQ, ví dụ như kết cấu các bộ nhân vật thường được xác định trước, xây dựng theo luật ngũ hành tương sinh tương khắc. Nếu một viên tướng mặc áo bào trắng (Kim) thì thế nào cũng tất bại nếu gặp tay nào mặc áo bào đỏ (Hỏa khắc Kim). Ngũ Bá của Kim Dung cũng là một điển hình: Tây Độc áo trắng (Kim) thì sợ món Nhất Dương Chỉ của Nam Đế (Hỏa - khắc Kim), thỉnh thoảng xơi được Đông Tà áo xanh (Mộc - bị Kim khắc), hay bị Bắc Cái (Thủy) chơi khăm (vì Kim sinh Thủy)...Vậy mới có chuyện Hồng Thất Công làm sư phụ cho con gái Đông Tà. Cái vòng tương sinh tương khắc mà châm chước ra đã biến hóa thành bao nhiêu tình tiết hấp dẫn. (Còn một nhóm bộ nhân vật khác cũng sẽ rất thú vị để bàn vào dịp khác là Giang Nam Tứ Hữu).

Tất nhiên cái luật ẩn tàng kia không phải là tuyệt đối hóa nhưng trên đại thể cấu trúc lớn các tác phẩm kiếm hiệp của Kim Dung đều có thể nhận ra ảnh hưởng của nguyên tắc này. Nhưng luật Ngũ Hành chế hóa thì là một vòng quanh nên để xây dựng cao thủ đệ nhất thì cần phải bổ sung yếu tố giá trị gia tăng khác; thường thì cũng lấy từ vốn triết lý phương đông kiểu như vô chiêu thắng hữu chiêu (hoặc là để khuyết như trường hợp Vương Trùng Dương).

Có điều mọi người ít khi để ý: trong Tiếu Ngạo Giang Hồ, tuy vô chiêu thắng hữu chiêu của Lệnh Hồ Xung là  cảnh giới tối cao của kiếm thuật/võ thuật nhưng đâu đã ăn được Quỳ Hoa Bảo Điển? Chân chính vô địch phải là nó nhưng vì sao lại là nó? Huống hồ truyện Tiếu Ngạo Giang Hồ còn được coi là có ẩn ý chính trị rõ ràng, liên quan đến nhiều nhân vật chính trị đương thời. Cái gì được ẩn ký trong Quỳ Hoa Bảo Điển mà bằng thủ pháp vẽ mây nẩy trăng Kim Dung đã cho nó vượt cả Ngũ Hành cả Hữu Vô? Nương theo nguyên tắc lý giải nội kết ta có thể dò ra vài ba manh mối thú vị, nhiều ý tứ.

2.
Về bối cảnh chính trị, TNGH bắt đầu được viết từ năm 1967 trên Minh Báo; lúc này ở TQ đang là giai đoạn Đại nhảy vọt (1966-1976). Tôi cũng chưa đọc được ở đâu nói gì chi tiết về mối liên hệ hay những ẩn ý chính trị cụ thể của Kim Dung. Nhưng ngoài những nét khoa trương mông muội đồng dạng dễ thấy trong Nhật Nguyệt Thần Giáo thời kỳ của Đông Phương Bất Bại thì tôi chú ý đến một sự kiện quan trọng khác của thời kỳ này: nạn đói. Các tài liệu khác nhau nói khác nhau về con số người đã chết đói (30 triệu), nhưng chuyện người TQ đói phải ăn hạt hướng dương thì đã có Ngải Vị Vị làm chứng (http://soi.com.vn/?p=16929).


Vấn đề bắt đầu trở lên thú vị nếu chúng ta để ý rằng trong tiếng Hán, Quỳ Hoa chính là hoa Hướng Dương! Nhưng nếu chỉ có như vậy thì đã không phải là Kim Dung. Với chút manh mối, thử rà lại một loạt các chi tiết mới thấy nhiều cái hay.

3.
Đệ nhất cao thủ luyện Quỳ Hoa Bảo Điển là Đông Phương Bất Bại, giáo chủ Nhật Nguyệt Thần Giáo. Ngay tên của giáo phái này đã có một lai lịch dày dặn. Khởi đầu vốn Kim Dung đặt tên cũ cho nó là Triêu Dương Thần Giáo. Chữ Triêu Dương có nghĩa là ánh sáng mặt trời buổi sớm - một thứ Đông Phương Hồng (xem thêm về Đại học Phương Đông ). Nên giáo chủ là Đông Phương Bất Bại thì cũng dễ hiểu. Dù đổi thành Nhật Nguyệt Thần Giáo thì cũng không khó để nhận ra phiên bản của Minh Giáo (chữ Minh bao gồm 2 chữ Nhật Nguyệt cạnh nhau). Kim Dung không giải thích nhưng cũng không phủ nhận ám chỉ này (ví dụ như khi ông cho Nhậm Ngã Hành kể về lai lịch của môn võ công Hấp Tinh Đại Pháp có nguồn gốc truyền từ phái Tiêu Dao đời Bắc Tống - vốn là chi tiết trong truyện Thiên Long Bát Bộ).

Minh Giáo vốn là Ma Giáo, được truyền từ nước ngoài của mấy ông Ba Tư rậm râu vào, tuy đứng chân trong giang hồ một mình một thế ở trên Quang Minh đỉnh thuộc Hoàng Sơn (Ngũ nhạc quy lai bất khán sơn, Hoàng sơn quy lai bất khán Nhạc” - Từ Hà Khách), đối chọi uy quyền với Ngũ Nhạc kiếm phái nhưng riêng nó là vẫn khác biệt vì nó là một giáo phái sinh hoạt theo thể thức của một tổ chức tôn giáo! (Thiếu Lâm Tự hay Võ Đang ở đây thật mờ nhạt và khác biệt đầy dụng ý). Người khác có thể không thừa nhận nó nhưng nó vốn dĩ không coi người khác ra gì, mục hạ vô nhân, như cỏ rác. Nhận thức bình nhật của chúng ta thực tế rất dễ thao túng, coi nhiều chuyện là hiển nhiên cho đến khi được dịch sang một bình diện khác thì sẽ thấy những chuyện đó hóa ra rất lố bịch, rất buồn cười. Lệnh Hồ Xung năm xưa coi cảnh giáo chúng Ma Giáo đỏ choe choét, xếp hàng hùng vĩ mấy ngàn người thi nhau tung hô "anh minh thần vũ","muôn năm trường trị" thấy rất tức cười, ngán ngẩm nhưng mấy trăm năm sau có đến hơn một tỷ người cho là bình thường hiển nhiên.

(còn tiếp)

4 nhận xét:

Huy Thanh nói...

Trong các tác phẩm của KD thì em thích nhất TNGH, bác viết tiếp đi đang hay :D

Tung H nói...

Đấy, thấy hay là các bác cứ phải vỗ tay động viên công tôi lọ mọ chứ ^^

doanh nói...

Triêu Dương và Chiêu Dương cái nào đúng T? hay cả 2? hay khác nhau?

Tung H nói...

@Gauxx: anh tra từ điển Hán Việt (Thiều Chửu online) là ra, dùng từ điển Hán Việt hay lắm :P

Triêu là ánh sáng buổi sớm - đối với chữ Mộ là chiều tà đó. 2 chữ là khác nhau.