Thứ Bảy, 6 tháng 10, 2012

Chùm đọc. (I)

1.
Tôi là ai và nếu vậy thì bao nhiêu? - Richard David Precht
Trò chuyện triết học - BVNS
(Triết học nhập môn - Karl Jaspers)

Tuy có vẻ cùng thể loại Nhập môn nhưng việc đọc nhanh cùng lúc cả 3 cuốn này sẽ có thể giúp ta nhận ra nhiều điểm thú vị quanh co gấp nếp. (Thực ra cuốn của KJ thì tôi đọc từ mấy năm trước rồi, nhưng ấn tượng rõ ràng nên có thể lôi ngay ra để liên tưởng). Đầu tiên là về tác giả: trong 3 người có lẽ chỉ KJ có thể được coi là triết gia - tuy hình như bị coi là thứ yếu - còn như RDP và BVNS thì chỉ có thể gọi là nhà nghiên cứu triết học. Oái oăm và đáng chú ý là ông triết gia thì có nghề bác sỹ còn hai ông kia thì có nghề triết hẳn hoi!

Sách nhập môn là viết cho người sơ học, coi như chưa có vốn liếng gì, nhưng cũng có nhiều kiểu khác nhau - khác nhau theo mục đích, thể loại và theo cả sở học của người viết. (Nhân tiện, những bộ sách nhập môn như Tủ sách Nhập môn (truyện tranh) của NXB Trẻ hay Tủ sách Que sais Je? (sách bỏ túi) của NXB Thế giới đều là những bộ sách rất quan trọng dành cho những người tự học).

Ba cuốn sách mà tôi kể ở trên cũng là ba trường hợp khác nhau: RDP viết cuốn sách đầu kiểu dựa vào những thành tựu của ngành nghiên cứu não để phê phán triết học truyền thống. Trong khi đó BVNS thì cố gắng dựa vào hình thức đối thoại theo chủ đề nhỏ để giới thiệu lịch sử triết học - theo cách hơi giống kiểu giáo trình. KJ thì đơn giản và rõ  ràng là dẫn nhập người đọc từ thẩm quyền của một triết gia - ông nói về triết lý của ông.

Cuốn sách (thực ra là một tập bài viết) của BVNS là kém hấp dẫn nhất về nội dung so với 2 cuốn kia. Một phần vì nó có vẻ bị khó xử trong cách xác lập thẩm quyền phát ngôn trước đám thị dân mới trong khuôn khổ một mục báo. Nhưng tôi nghĩ điều quan trọng hơn là vì nó khó có thể nhấn mạnh vào điều gì mới mẻ đột phá vì như vậy sẽ mâu thuẫn với lựa chọn từ đầu về hình thức của nó: đưa người đọc đến những câu hỏi mở căn bản trong vòng xoáy trôn ốc của lịch sử triết lý. Với tôi điểm thú vị của cuốn sách cũng oái oăm: đó là câu hỏi về việc phê phán BVNS thì dễ nhưng nếu đặt vào tình huống vị thế của tác giả thì ta sẽ tiến thoái thế nào?  Những người đọc nếu đã có chút vốn liếng triết học sẽ dễ phê phán chỉ trích tập sách, nhưng nếu phê phán có thiện chí thì chỉ nội việc nhìn chăm chú vào tình thế tiến thoái đó cũng sẽ gợi ra vô số con đường để thử nghiệm.

Trong tình thế ngược lại, cũng là viết cho đại chúng, nhưng là đại chúng Đức nên RDP dễ dàng lướt qua các trách nhiệm điểm danh lịch sử tư tưởng mà đi thẳng vào mạch phê phán, nhân tiện giới thiệu những lập trường mới nhất của ngành nghiên cứu não. Cũng vì là một dạng triết học khoa học nên cách trình bày của nó dễ nắm bắt, có thể đọc một lèo như thể những cách diễn đạt nhì nhằng xưa nay là một sự thất bại kém cỏi không đáng nhớ. Có điều, do suôn sẻ quá thành ra gấp cuốn sách lại thì người đọc dễ bâng khuâng chịu không hiểu thế tại làm sao mà cái cảm giác hiện sinh vẫn không nhúc nhích được là bao? Cảm giác của tôi là có quá nhiều điểm cụ thể đã được khái quát hóa quá nhanh, thành ra đơn giản hóa những tình huống tế nhị của suy tư. Việc đẩy các giới hạn của cách nhìn cơ giới luận vào sâu trong não người thì cũng sẽ vẫn chịu giới hạn của phương pháp ngay từ đầu.

Cuối cùng, đọc lại KJ ta sẽ cảm nhận được điểm khác biệt tinh tế. Do có một cái lõi, một điểm nhất dĩ quán chi của triết gia nên cuốn sách tập trung vào một vài điểm trọng yếu - cốt với mục tiêu chuyển đổi điểm nhìn của người đọc, những việc khác sẽ đến dần. Dẫu rằng KJ cũng không hẳn là một triết gia "hạng nặng" trong lịch sử triết học hiện đại, nhưng điểm mà chúng ta đang bàn (một cách triết lý ^^) là về cái cách mà tư tưởng dọ dẫm thì hoàn toàn không bị ảnh hưởng của bảng xếp hạng kia!

2.
Hồi ký Phạm Cao Củng
Quê hương tôi - Tràng Thiên/Võ Phiến
(Hồi ký Nguyễn Hiến Lê)
Viết về bạn bè - Bùi Ngọc Tấn

Mấy cuốn ký/hồi ký này đọc hấp dẫn, đọc một mạch. Nhất là cuốn của VP, đúng là khác và hay so với những tác giả thường đọc. Võ Phiến/Tràng Thiên viết tùy bút nhẹ nhàng miên man, nhiều quan sát tinh tế. Viết tản văn được cái hay là lập luận không quan trọng lắm, nó chỉ khơi gợi là chính. Phần quan trọng là nhịp điệu, giọng văn - qua đó chuyên chở cái nhìn, cái khí chất, tình cảm của người đi/người viết* Những đoạn như đoạn tả cảnh nếm nước mắm chèm chẹp, có vị hậu, thiếu nắng...là những chi tiết sẽ không còn thấy ở ngày nay nữa. Không phải các nhà văn không biết đến mà tại cuộc sống đã thay đổi quá nhiều, những mô tả bắt chước dễ dãi, giả bộ cầu kỳ tràn lan trên các tạp chí ẩm thực, du lịch chẳng thể nào có được sự tinh tế hay chân thực như vậy bởi xung quanh chúng ta còn có ai tiếp tục sống trải như vậy nữa. Phải một nhịp sống rất chậm, thư thả, chưa hề gián đoạn qua các thế hệ mới có thể cung cấp được những từ vựng phong phú, riêng có làm bằng chứng cho những sống trải.

Nếu cuốn của VP đọc chậm rãi, liên tục nhưng thong thả thì cuốn hồi ký của PCC chỉ cần đọc lóc chóc, lỗ chỗ tùy hứng vì quả tình là văn cụ Phạm Cao Củng hơi lủng củng. Cũng giống mấy cuốn cuối đời của Vương Hổng Sển, cuốn này đọc thấy ngay là văn của mấy cụ đã sang tuổi đại lão. Các cụ sống lâu, cuộc đời nhiều thăng trầm nên văn nhiều chi tiết. Cứ tưng tửng kể ra cũng đủ lũ hậu sinh há miệng thèm nghe. Kiểu viết tràn đi, kể tràn đi, kệ cụ chúng mày có theo kịp các bối cảnh xưa hay không này cung cấp thêm bằng chứng cho khả năng tốn gái của cụ thời trai trẻ.

Nhưng nếu lạm dụng quá đi kiểu hành văn này thì chỉ một thời gian sau nữa sẽ khó kiếm được độc giả. Nó khác với cách viết hồi ký của Nguyễn Hiến Lê: ông có ý thức rất rõ về việc làm cho hậu sinh đồng cảm được những hậu cảnh của những sự kiện cuộc đời mình. Có thể vì ông là người biên khảo nhiều cuốn sách sử, lại từng dịch W.Durant nên có cái óc tỉnh táo và tầm nhìn rộng để biết lưu giữ lại những bối cảnh, những câu chuyện. Hồi tưởng lại cuộc đời mình cũng là diễn giải lại cái thế giới mình đã từng sống trải - ngõ hầu trăm năm sau kẻ tương tri có chỗ mà nương tựa.

NHL có thể diễn giải lại xã hội mà ông đã sống nhưng Bùi Ngọc Tấn thì chưa được làm như vậy. Mà chính hồi ký của NHL vẫn còn 02 chương chưa được xuất bản. Từ NHL đến BNT là khoảng 20 năm nhưng vẫn chung một nguyên nhân: chưa nói được - hay là chưa được nói.

Tuy là Viết về bè bạn nhưng có thể thấy rõ cuốn sách gồm 2 phần được ghép lại với nhau: về Nguyên Hồng và về một số người khác.Ngày xưa tôi không thấy văn Nguyên Hồng hấp dẫn lắm, nhưng đọc BNT viết về Nguyên Hồng lại khiến tôi muốn tìm đọc văn của ông. Dẫu vậy điều tôi nhớ nhất về Nguyên Hồng là câu nói nổi tiếng của ông "Tao về Nhã Nam...Ông đéo chơi với chúng mày nữa". Tư cách Nguyên Hồng, uy của Nguyên Hồng, khí tiết của Nguyên Hồng.

Phần về các bạn bè khác nhiều chi tiết, viết tình cảm, chân thành. Nhưng đọc gần xong hóa ra tôi lại ấn tượng nhất mấy câu về Nguyên Bình, con người cuối đời chuyển hẳn sang tu chân luyện khí. Bỗng dưng thân thiết là thế, đồng điệu là thế mà giờ thành chúng tôi không thể nói chuyện với nhau được nữa...Vì là không biết nói gì với nhau nữa. Đã là 02 thế giới, không đó là 02 bình diện sống khác nhau mà ở phía bên kia  Nguyên Bình không biết làm thế nào để diễn tả cho BNT được. Tôi cũng đành trải qua những lần như vậy, những người bạn ngày xưa thân thiết là thế, cùng nhau trải qua bao nhiêu dại khờ tuổi trẻ là thế, bỗng dưng không còn gì chung để nói tiếp với nhau. Tình cảm xưa vẫn còn, thân ái vẫn có nhưng từ rày đi tiếp thì chẳng còn gì chung nữa ngoài quá khứ. Bây giờ em nhớ ngày xưa/Bây giờ tôi nhớ ngày xưa...

Đọc hồi ký của lớp người trước cũng còn là cách tôi luôn luôn tìm những manh mối cho câu trả lời về một giai đoạn lịch sử của đất nước. Thử nghĩ xem, dù đã gác sang một bên, nhưng chính họ là những người từ hai phía chiến tuyến đều đã rất tha thiết với quê hương, với thân phận con người. Gần nhau, giống nhau đến độ chỉ cần che đi một tý thì Tràng Thiên gặp ngay độc giả hậu chiến; mà mở ra một tẹo thì ủm lên ngay những tranh luận vô lối về Võ Phiến chống/phản, về lập trường chính trị, khí tiết...

Mẹ kiếp, phải có cái gì đó sai ở đây chứ hả ông Nguyễn Bắc Sơn? Hay chỉ lại là tai trời ách nước?

Xem chiến cuộc như tai trời ách nước 
Ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước 
Vì căn phần ngươi xui khiến đó thôi...
----------



(*) Tôi có lần viết về thể ký trong mục Ký họa. 


8 nhận xét:

Unknown nói...

3 quyển trên thì em có đọc quyển Tôi là ai và nếu vậy thì bao nhiêu, còn 4 quyển dưới em chỉ đọc mỗi Quê hương tôi thôi. Ngoài ra em thấy quyển Câu chuyện triết học của Will Durant (bản dịch của Phùng Khánh) cũng rất hay, đọc thấy rất thích. Hi vọng là thời gian tới có em thể đọc đủ các quyển anh đã chia sẻ ở trên :)

Tung H nói...

Hồi ký NHL chẳng hạn, là một cuốn sách rất nên đọc ^^

Goldmund nói...

Phạm Cao Củng văn cũng như người - lủng củng nhỉ; nhưng được cái rất hồn nhiên đọc rất vui

Tung H nói...

Em thấy thỉnh thoảng có chi tiết hay như kiểu kể chuyện vụ Ôn Như Hầu ^^

Titi nói...

TOàn sách hay :-)

Goldmund nói...

HK PCC nhiều chi tiết hay chứ

Nhị Linh nói...

thỉnh thoảng nói được câu "đéo chơi với chúng mày nữa" thì tốt :p nhưng câu ấy cũng tương tự với sự thiếu lòng nhân (không phải nhẫn): không cùng chịu thật ra chỉ là một biểu hiện khác của né tránh - bác đọc Vũ Thư Hiên tả dáng điệu Nguyên Hồng đứng vái từ bên kia vỉa hè trong "Đêm giữa ban ngày" chưa?

Tung H nói...

@Goldmun: đúng là nhiều, mà cái kiểu kể bô bô ấy có dáng vẻ rất đáng tin ^^

@NL: Đêm giữa ban ngày ngày xưa tôi có đọc thoáng qua, nhưng không ấn tượng nhiều, hình như vì không thích khí chất văn VTH :)

Dù sao thì câu của Nguyên Hồng đã và sẽ được dùng nhiều như một điển tích. Hôm trước vừa lẩy cụ để...đéo một phát :D