Thứ Hai, 3 tháng 9, 2012

Đọc lại về việc đọc

Dạo này cứ lấn cấn cảm giác có vấn đề về sự đọc của bản thân. Muốn thay đổi để hiệu quả hơn: đọc chậm quá; nhanh hơn thì không chịu được cảm giác nửa vời. Suy cho cùng có lẽ từ khởi thủy là tại quan niệm đọc cũng phải nhọc nhằn như viết.

Giở lại bài viết cũ từ hồi Y360 (ít nhất 5 năm trước) thì thấy đã từng viết về vấn đề này rồi. Mà cũng đã làm như thế rồi. Vậy sai ở đâu ta?
-------------

1

Dạo này mình gặp vấn đề về đọc. Đành rằng cách đọc phụ thuộc vào loại sách nhưng nếu trước đây mình có thể đọc lướt rất nhanh thì hiện nay lại luôn bị cảm giác cầu toàn làm cho việc đọc tài liệu trở lên chậm chạp. Nhất là những lúc đọc những thứ chỉ vì công việc chứ không phải vì hứng thú.

Cũng nói về cách đọc, thời gian gần đây cũng có sự thay đổi trong cách đọc sách của mình. Trước đây khi đọc mình thường kết hợp việc đánh dấu những ý quan trọng và ghi những nhận xét bất chợt bên lề - những nhận xét này phần nhiều là thoáng qua và thường không liên quan chặt chẽ đến văn bản, nhưng nó là cách hay để đánh dấu cảm nghĩ lúc đọc và dễ làm tái hiện cho những lần sau - cho đến khi kết thúc trọn vẹn 1 ý nào đấy thì ghi lại những logic chính ra giấy như 1 kiểu rút gọn. Cách đọc này mình đã thử như trong phần tóm lược tiểu luận phân tâm học của EF ở 1 số entry trước. Cách căn lề theo cấu trúc logic hình cây cũng tiện cho việc theo dõi văn bản. Tuy nhiên cũng chỉ là cách làm linh động không nên máy móc quá vì xét cho cùng có phải bài viết nào cũng chặt chẽ và tuân thủ duy nhất logic hình thức như toán học đâu. Ưu điểm nữa của kiểu đọc này là có thể nhận ra được bằng cảm nhận và logic những chệch choạc sai lệch nếu là đọc 1 bản dịch ngay cả khi mình không đọc được nguyên bản (Nhất là trong khi đa số những sách mình tìm đọc đều chịu cảnh chệch choạc không thể tránh khỏi này). 


Bằng vào việc giữ 1 tinh thần "để mở" như những nhận xét tạt ngang kia, nương theo mạch lạc của tác giả, nương nhẹ và lưu ý những chệch choạc, độ chênh, khoảng lùi, nếp gấp của văn bản...ta có cái thú được gần như tái tạo lại, tham gia vào quá trình suy tư của tác giả, nhận ra cả chỗ khó nói của văn bản. Nhiều khi, trong lúc đọc cứ tưởng sẽ viết lại những cảm nhận suy nghĩ thật sâu sắc, đầy đủ nhưng rốt cuộc khi gấp sách, nhìn lại những gì đã qua chỉ thấy không thể diễn đạt được điều mình đã thấy. Lại thấy cứ gạch đầu dòng, viết vu vơ bên lề là đúng nhất, vừa vặn nhất những gì cần nói. Càng lúc mình càng lảng tránh cách viết những diễn từ quá hoàn chỉnh, trau chuốt - viết như từ 1 thẩm quyền/mình tưởng tượng hơi tuyệt đối về cái thẩm quyền ấy! Lời nói chỉ có xu hướng như 1 sự điều tiết. Chình vì kinh nghiệm này mà mình đánh giá rất cao những tiểu luận của Francois Jullien về lối suy tư phương Đông - nó giúp ta nhìn lại chính ta 1 cách sáng tỏ, mạch lạc có căn nguyên.

Nhưng nhược điểm lớn nhất của cách đọc trên là mất quá nhiều thời gian dẫn tới sự trễ nải và đánh mất tính bao quát hiển ngôn thay vì những chiêm niệm. Vì vậy mình càng thấy bí quyết đầu tiên của việc đọc trong 1 cuốn sách gì đã được đọc ở nhà bạn etibohk là rất chí lí "Trước tiên phải đọc hết cuốn sách". Các bạn đừng coi thường điều này. Hãy thử kiểm nghiệm lại xem, tất nhiên chúng ta ngầm hiểu là đọc ở đây đồng nghĩa với đọc được điều gì đó

Do vậy, dạo này mình thay đổi 1 chút: cố gắng theo dõi logic lớn ngay trên trang sách và đánh dấu những chỗ quan trọng hay thú vị. Viết bên lề là cách rất hay để ghi lại dấu ấn trí óc. Phần nhiều chỉ là viết lại những từ khoá quan trọng. Về mặt logic thì ko có gì nhưng về mặt kinh nghiệm thì rất hay - nó giúp ta nhanh chóng tái tạo lại ấn tượng, suy nghĩ của lần trước mỗi khi mở sách. Cũng nhắc lại là mình thường không đánh dấu chỗ đọc dở, nếu lần sau mở ra bắt nhịp từ đâu thì tiếp tục từ đấy-không nhớ thì cố làm gì. Cuối mỗi chương thì gạch đầu dòng những nét chính và nhận định của bản thân ngay trên trang sách đang đọc. Thường thì khi kết thúc tất cả rồi nhìn lại mới thấy về mặt nghĩa thì những nhận định phần nhiều vì chưa hiểu hết ý, ngộ nhận, hời hợt hay lệch lạc; nhưng về mặt ý thì chính nó đã be bờ cho dòng chảy được tái tạo 1 lần nữa cùng tác giả. Cách đọc này đã cải thiện đáng kể thời gian và công sức viết lách của mình. Tuy nhiên lại nảy sinh vấn đề khác: thấy chuyện này là kinh nghiệm chứ không phải là kiến thức và thật khó vô cùng để chia sẽ kinh nghiệm về điều gì đó. Hậu quả là ăn nói nhiều lúc rất dấm dớ ^-^


0.


Đọc cũng phải được coi như là một sự sáng tạo lại (H.Banzac) -sự cùng sáng tạo lần 2, lần 3. Chừng nào đọc cũng khó nhọc như viết thì tương giao tinh thần mới phơi mở!

3 nhận xét:

Nặc danh nói...

Tôi cũng chẳng bao giờ đánh dấu chỗ đã đọc để lần sau biết mà đọc tiếp, nếu thấy mới lạ chứng tỏ chưa đọc :)

Titi nói...

chị thích đọc nhanh, chỉ cần vớ 1 một câu hay thôi là có thể dừng đọc, để nó ngấm vào bản thân, vui với nó chán chê ròi đọc tiếp, nếu thấy ko có gì vui hơn thì dừng đọc, rất nhiều chi tiết trong sách không cần đọc cũng đoán ra mà em :-D

Tung H nói...

1. Vầng, điều đó đúng với sách văn học.

2. Titi: do vậy cũng tùy mình đang đọc sách gì chị nhỉ ^^