Chủ Nhật, 7 tháng 11, 2010

Tri kỷ. Tri âm.

1.
Trẻ kể bạn bây giờ hết buổi đi làm, ăn tối xong thì về phòng đọc sách. Thỉnh thoảng có ra ngoài thì cũng chỉ dẫn cháu đi chơi. Làm mình không khỏi nghĩ đến cái câu gì mà ngày xưa chị bán sách có in kèm trên danh thiếp cửa hàng. Đại khái là đọc sách có liên quan đến khí chất.

Thật là khí chất cũng thay đổi dần ư?

2.
Người xưa có câu "Tri âm dễ kiếm, tri kỷ khó tìm". Tôi thấy không hẳn vậy. Dễ hay khó là do cách định nghĩa.

Tri kỷ, nếu hiểu là người biết mình theo kiểu mình nghĩ gì, muốn gì, sẽ nói gì, làm gì...trong từng tình huống hằng ngày thì thực ra cũng không phải là hiếm. Bố mẹ, anh chị em thường thì cũng biết. Bạn bè học với nhau từ bé lâu ngày cũng thường là biết. Vợ chồng cả yêu cả cưới mà cứ tầm gần chục năm thì đến hắt hơi cũng có thể đoán trước được.

Tri âm thì là do tích Bá Nha-Tử Kỳ. Thường được hiểu theo lối giao tình đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu (trong một bộ môn nghệ thuật nào đó). Nghệ thuật là bộ môn của đào luyện và trải nghiệm. Có được người chia sẻ từ trong trải nghiệm và tâm tình thì bảo sao không quý. Tức là có thể không cần biết nhau chân tơ kẽ tóc hốc mũi, chỉ cần tương hợp ở một tiếng đàn, một câu vọng cổ...là có thể lập giao tình, bày chiếu nhậu được rồi.

Nhưng đã dẫn tích mà không xét đến bối cảnh của cách hành văn cổ thì e là oan cho 2 chữ tri kỷ. Kiểu như bây giờ tra trong Sử Ký thể nào chẳng có những câu "Y thực biết ta". Tri kỷ không chỉ là nghĩa đen, tuy không có một điển tích nào cụ thể nhưng hàm ý của nó trong văn xưa là rất rộng, cơ hồ bao hàm cả tri âm. Ở đây chỉ là giả vờ biện bác để làm mới câu chữ một phen. Trí Bá biết Dự Nhượng, Khánh Kỵ biết Yêu Ly: biết như vậy còn khốc liệt hơn vạn lần cái biết tri âm ấy chứ!


Từ chỗ nhìn của tôi thì tự biết mình là một vấn đề hầu như từ vạn cổ đã là không thể nào minh định nổi: tự biết mình cũng như kiến tính thành Phật. Chư Tổ mà hỏi cái bản lai diện mục của mình thì nhân gian nói trúng thế quái nào được. Biết mình đã bấp bênh đến vậy thì mỗi lần nhận một ai đó "biết ta" chỉ e rằng đó lại là đạo cao một thước ma cao một trượng mà thôi. Tri kỷ rốt cục là một đôi ngạ quỷ thất thểu dưới chân cầu Nại Hà vạn năm.

Chữ "Chí"  có chữ Tâm và chữ Sĩ: nơi để tâm vào đấy gọi là chí. Sĩ là người có học, có nghiên cứu học vấn hoặc là có tư cách như người có học. Vậy phải coi cái nơi để tâm ấy là của cái tâm đã đào luyện và trải nghiệm theo một chiều hướng xác định từ lâu - một đạo lý, một con đường. Đạo chính là dưới bước chân ta.

Tư Mã Thiên khi chép về Khổng Tử có dẫn Kinh Thi (*):

Núi cao ta trông, đường rộng ta đi.
Tuy chưa đến đích, nhưng lòng hướng về.

Hai câu này thực ra chính là ý bàn của Khổng Tử trong Kinh Thi. "Đích" thực ra không tách khỏi mối tương liên "lòng hướng về" - tức là nơi kẻ sĩ để tâm. Quy trở lại một lần nữa với "tri âm", nếu nhìn từ góc độ này thì tâm thế của tri âm không đơn thuần chỉ là chuyện "úy, bản này em cũng thik, thường nghe suốt..." mà là cách tâm chí mượn chỗ, phương tiện mà tương ngộ.

Nguy nguy hồ, chí tại cao sơn
Dương dương hồ, chí tại lưu thủy

Bá Nha kia chắc cũng chỉ biết kể lại đến thế thôi. Nhưng hẳn bọn người đời bàn loạn quá nên tức đập đàn cho hết chuyện. Chứ kẻ sĩ coi chết như về, miễn nghe được đạo, lẽ đâu chỉ vì mất ông bạn rượu mà phụ cây đàn, coi đời thế là xong? Ông Bá Nha phải biết lời Thầy Khổng.

Núi cao ta trông, đường rộng ta đi.
Tuy chưa đến đích, nhưng lòng hướng về.


Cái "Lý đương nhiên" nó phải vậy. Ông Tô Đông Pha bảo thế.

-----------------------
(*)- Nhờ bác Đông A mà tôi biết. Nhưng xin bổ sung cái ý câu sau chính là lời bàn của Khổng Tử trong Kinh Thi chứ không phải lời của Tư Mã Thiên.
-----------------------

3 nhận xét:

Titi nói...

Oài, tri kỷ là người hiểu và ủng hộ ta với nghĩa huynh đệ, đồng kiến khả tình, chung lý tưởng, có tình cảm với nhau trên mức bình thường và tin tưởng nhau vô điều kiện.
Còn sống lâu mà hiểu tính tình, đón lời đoán ý đâu gọi là tri kỷ được hả em :-)

Nặc danh nói...

Bá Nha - Tử Kỳ tri âm nhưng chưa chắc đã là tri kỷ, Bá Nhạc - Quản Trọng tri kỷ nhưng chắc gì tri âm.
Có được bạn tri kỷ tri âm khó lắm thay.
Là tình yêu Mac-Gienny, hay tình đồng chí Mac-Ăng Ghen ... chăng?
:))

Tung H nói...

@Titi: Cái này là tức cảnh sinh tình mà chị. Thấy chuyện thiên hạ nên cãi đầu gối chơi.

@CNC: Cũng bởi khó vậy nên có khi cũng có nhiều đôi nhưng họ hổng thèm khoe ra :P