Thứ Sáu, 21 tháng 11, 2014

Hành vi thế phạm

1.
Lúc còn sống mấy đứa đều gọi bác là sư phụ hay thầy nhưng tôi thì tránh, chỉ gọi là bác. Nhưng 20/11 nào vợ chồng cũng dẫn nhau đến nhà bác chơi giống mọi người. Trải qua vài chuyện, tôi vốn có tâm ý chỉ coi ai dạy được mình đạo lý làm người mới gọi là Thầy. Chữ Thầy tôi để dành đó vậy.

2.
Bác dạy tôi nhiều chuyện qua cách sống cách làm việc. Nhưng rốt cuộc cho đến lúc bác mất rồi tôi vẫn chưa lần nào dù đùa hay thật gọi bác là thầy. Mọi người nói chuyện học trò của bác thì đều nhắc đến tôi. Càng sống tôi càng thấy bác thật đã dạy tôi nhiều điều, ảnh hưởng đến tôi nhiều hơn là tôi đã từng nghĩ.

3.
Hội trường đại học, nói chuyện xã giao với cậu bạn từ Sơn La về rồi ra lại cũng biết bác. Biết một lần ngay trước khi bác mất không lâu. Tôi buột miệng nói "Bác D là thầy tôi". Chúng tôi uống với nhau chén rượu thật đầy. Cách cậu ấy nhắc đến bác cũng đủ để tôi mường tượng sống động những ngày bác cháu đi làm với nhau khắp chốn.

Uống vài lượt nữa thì bị sốc rượu, không say nhưng uống nữa thì sẽ nôn hết. Tôi không muốn say nên về trước khi rã đám.

Học vị nhân sư
Hành vi thế phạm.


Thứ Hai, 3 tháng 11, 2014

Như thế nào mới là đúng?

Thế giới mạng lưới blogspot có một điểm khác với Y360 trước đây hay Facebook sau này: người ta liên kết với nhau lỏng lẻo hơn, mơ hồ hơn. Ở đây bạn có thể lâu lâu kiểm tra xem những người theo dõi có ai mới không? Đại khái bạn phải tìm kiếm, để tâm một chút. Họ bắt đầu theo dõi mình khi nào mình cũng không rõ. Lại có những trường hợp tinh tế hơn, lặng lẽ hơn. Blog của mình được đặt một cái link về blog của họ. Nếu mình không lưu tâm xem đường dẫn đến trang của mình thường xuyên, mình cũng không biết gì về họ cả.

Bạn bè trên mạng lưới này không nhiều, nên lâu lâu thấy có ai theo dõi mình thì mình cũng tìm hiểu xem họ như thế nào, có hợp tạng mình không mà kết nối lại. Hầu hết là trong lặng lẽ.

Tôi tìm thấy blog Phạm Doãn của chú Phạm Doãn Luận cũng như vậy, lặng lẽ và như thể ở hai phía của thế giới. Chú theo dõi tôi hồi đó, không rõ vì sao vì chúng tôi hình như không có bạn chung nào. Chú hay viết về Phật pháp, theo cách riêng của mình. Tôi bắt đầu chú ý hơn đến blog của chú khi vô tình có lần đọc một bài kể về trải nghiệm tâm linh của chú - tôi coi trọng những người biết đến trải nghiệm đó. Rồi dần dần thấy chú ít viết, sau chuyển sang giới thiệu trang về Phật giáo Nguyên thủy. Cuối cùng chú bỏ sang (hình như) quản trị trang đó. Bỏ nhẹ như không vì dần dà chỉ còn những bài viết về đạo pháp. Rồi ít lâu thì bỏ luôn trang đó nữa. Mãi về sau này tôi cũng tìm thấy trên facebook trang của chú. Nhưng không kết bạn, không theo dõi thường xuyên. Chỉ biết và thỉnh thoảng tìm xem.

Kiến giải của chú nhiều điểm tôi không thông suốt nhưng thái độ quyết liệt cầu đạo thì tôi ngưỡng phục. Mình không nhấc nổi một bước chân theo con đường đó thì mình chẳng nên nghĩ bàn nhiều. Vài ý niệm trong đầu chẳng nói lên điều gì.

Rồi hôm nay qua mạng fb tôi đọc được tin chú mất. Ra đi cũng quyết liệt tinh tấn như cách của chú nói về pháp.

Trong những ngày tháng hoang mang này, chuyện đó khiến mình nao núng và thảng thốt.


Thứ Hai, 5 tháng 5, 2014

Thế gian xứ lạ

1.
Ông hàng xóm nhà bên ở quê bị điện giật chết giữa buổi chiều. Trong một ngày nghỉ lễ, con cháu về thăm đang ngủ trưa trong nhà, lọ mọ ra tính rửa xe cho con giai thì máy bơm hở điện. 55 tuổi. Mọi người chạy ngay sang khi nghe tiếng tri hô. Đàn ông bình tĩnh nhưng không biết chắc phải làm gì, phụ nữ thì hoảng hốt hoang mang và run sợ - lúc xe ô tô đưa người đi cấp cứu một bà chới với ngã xỉu ngay đầu ngõ.

Khi xe bệnh viện đưa người về đến ngõ cũng là lúc quy trình của cộng đồng tự động kích hoạt. Tin được loan báo rộng rãi, ai cũng cảm thấy cần đến ngay, xúm tụm lại tìm một việc gì đó để giúp. Việc cũng chưa rõ ràng, phần đông tản ra thành từng nhóm năm ba người và rì rầm bàn tán. Tiếng gào khóc của người vợ tách riêng khỏi cái nền rì rầm xôn xao còn lại. Những người phụ nữ xao xác mếu máo, dù phần đông không phải họ hàng. Có cái gì đó quá bất ngờ, quá sức chịu đựng của họ. Mọi người bàn tán về những điềm triệu, những tai ương tương tự, những chuyện họ biết - như gom lá vụn thành đống, rì rầm tạo thành làn không khí lao xao cả một đoạn ngõ làng.

Những người lớn tuổi trong họ trong làng họp nhanh ngay bên sân nhà kế bên. Không có ai chủ trì, mọi người nêu ra những việc cần làm ngay. Đây là một vụ bất thường, sẽ cần tường thuật lại rành mạch và cử người đi báo chính quyền. Lát nữa họ mạc sẽ họp lại một lần nữa. Còn phải đi xem ngày giờ. Phụ nữ trong dong (ngõ) sẽ làm một lễ cúng ngay tại miếu cuối ngõ. Hai năm trước một cậu ngoài hai mươi trong dong cũng bị tai nạn giao thông chết đột ngột. Có cái gì đó xấu, thậm chí rất xấu quanh đây. Văn hóa làng quê biểu hiện hình thái của nó khá rõ ràng. Không ai nắm chắc các nghi lễ, những việc cần làm là sự pha trộn giữa những việc đã có khuôn mẫu của làng với những tập tục đâu đó  do ai đó biết thì nêu ra để tham khảo, hoặc chính là những tư kiến của họ. Một bác lớn tuổi có chân trong nhiều hội đoàn của làng vẫn chốt lại một câu: không có gì đặc biệt, cứ theo quy chế văn hóa mới mà làm bình thường. Tất nhiên mọi điều liên quan đến điềm rủi, kiêng kỵ sẽ được tôn trọng - kính nhi viễn chi, thừa còn hơn sót.

Mọi việc cứ như thế, vừa bàn vừa làm; vừa theo lệ vừa theo tình hình cụ thể. Ai cũng tỏ rõ sẵn sàng, không ai tỏ ra muốn làm chủ trì mọi việc trong lúc này - nhìn nhau và nương nhau để hành xử. Không ai trong làng ở bên ngoài câu chuyện. Nếu ở thành phố sẽ rút gọn lại vài cuộc điện thoại và một chuyến xe đưa về nhà tang lễ một bệnh viện nào đó. Tất cả giản lược và có dịch vụ rõ ràng. Hầu hết nhận tin qua điện thoại và chờ đến ngày giờ thì đến dự lễ tang - bạn đến đăng ký tại bàn tổ chức rồi chờ gọi vào thắp hương, đi nhiễu một vòng, gật đầu với tang quyến rồi đi ra ngoài. Đa số sẽ về luôn trừ số ít thân thiết họ hàng sẽ đi đưa đến tận cuối hành trình.

2.
Sao em chẳng cùng anh ra cửa biển 
Mùa thu cao mây trắng xoá mênh mông 
Những con tàu mười phương 
Những thuỷ thủ Cu Ba da đỏ hồng như lửa 
Thuỷ thủ Hy Lạp vầng trán đẹp u buồn 
Người Ý phóng túng và có duyên 
Người Nga cởi mở và hay hát 
Như vạc bằng đá là người Đức 
Như đổ bằng rượu nho và hoa lài là người Pháp 
Thuỷ thủ Trung Hoa tất cả giống hệt nhau 
Khi biển chiều chấp chới hải âu 
Các anh kể về quê xa tuyết trắng.

(Viết cho em từ cửa biển - LQV) 

Không biết chính xác từ bao giờ thì các hải cảng thôi không còn là bối cảnh và hình tượng trong văn thơ nữa? Nhất là những truyện có hơi hướng phiêu lưu của tuổi thiếu nhi. Hay là vẫn thế mà tôi không biết - vì có cập nhật đâu mà biết. Nhưng trên mạng chẳng hạn thì hầu như chắc chắn là hình tượng những bến cảnh, những con tàu, những người thủy thủ già lang bạt...đã không còn phổ biến như thời của Cánh buồm đỏ thắm nữa.

Hải cảng, những quán rượu thủy thủ là những điểm truy cập; người thủy thủ phong trần là vị đại sứ du lịch và những con tàu là vật mang chứa những mơ ước về thế_gian_xứ_lạ bên ngoài ở thời mà người ta còn viết những lá thư tay và gửi cho nhau nhờ những chuyến tàu biển hay là máy bay như thời của Tàu thư về Nam (S. Exupéri). Sự xuất hiện của internet đã giải thiêng tất cả. Nghề thủy thủ trở lại là một nghề bó buộc phần lớn thời gian lênh đênh trên không kết nối. Thủy thủ đã không còn là người lịch duyệt nữa. Tất nhiên sự phức tạp ở hải cảng thì vẫn thế, chỉ là không còn sự lãng mạn cổ điển thôi.

Internet và mạng xã hội đã thay đổi tất cả. Mọi người kết nối trực tiếp với cả thế gian rồi không thể nhận ra mình là ai ở đâu nữa. Bây giờ thì phối cảnh góc của sự e ấp thi vị ngập ngừng ở hải cảng - ở ngưỡng cửa của một khung trời khác xa lạ, rộng lớn đầy hứa hẹn, hầu như mang chứa mọi giấc mơ viển vông - đã hóa ra ấu trĩ buồn cười. Dù tâm thế của tuổi mười bảy thì có lẽ thời nào cũng lại vẫn vậy - một dạng cái giá hiển nhiên của tiến hóa thành người :3 (Những manh buồm như ngực anh gió táp/Những con tàu như hồn anh cuồng loạn/Chẳng bao giờ chịu ở với bờ yên/Ánh lân tinh lấp lánh vỏ thuyền/Gọi anh đi trên bãi hà nhọn sắc/Làm sao ở được cùng em?). Bây giờ vấn đề không còn là thông tin hay cơ hội truy cập thông tin. Thông tin thì đầy, chỉ là làm sao thông diễn được cùng nhau? Đằng sau thông tin hình như chẳng có cái gì chắc chắn nữa. Thế gian có vẻ như là một thế gian toàn ảnh - vừa vĩ đại vừa nhạt toẹt.

3.
Mặc dù có vẻ như thế hệ bố mẹ chúng tôi có chịu một cú đứt gãy về văn hóa với thế hệ trước. Nhưng từ khi có ý thức quan sát, tôi cảm thấy hai thế hệ trên họ gần nhau, giống nhau hơn là gần và giống thế hệ mình - đằng nào chả là vì chúng tôi quy họ về một nhóm thế hệ trước và chúng ta chẳng thể nào hiểu được nhau. Cũng có thể đến khi tôi vào tầm tuổi 40-50  như bố mẹ tôi lại gần với thế hệ trước theo một kiểu cơ chế quán tính của văn hóa nền chăng? Nhưng ở giữa độ tuổi ba mươi hơn khi nào hết tôi cảm nhận sâu xa sự lạc lõng với những gì xung quanh mình. Nó không đơn giản như thời thanh niên bế tắc (Tôi là đứa con cô đơn ngay khi ngồi cạnh mẹ/Thằng bé lẻ loi giữa lớp học ồn ào/Bàn chân hồ nghi giữa đường phố xôn xao/Giữa sự thông minh của đông vui bè bạn/Vứt sách xuống gầm bàn đi ra mặt trận/Tôi là người lính cô đơn ở giữa trung đoàn/Bao lâu rồi vẫn chỉ có thế thôi/Nỗi cô đơn hoàn toàn nỗi cô đơn khủng khiếp/Trước và sau trong và ngoài cuộc đời và trang sách...). Nó khác. Nó như là một sự lưu vong ngược. Nhờ internet và tại vì trót sinh ra ở một nước đang kỳ hậu thuộc địa. Chúng tôi có quá nhiều truy cập và toan tính đi vòng qua vấn đề căn tính bằng các mối liên hệ. Nhưng liệu có thể nói trơn tuột đi như thế không? Lịch sử cá nhân của tôi với những người khác, tôi có cố gắng giữ riết róng lấy nó như thế nào, người khác vẫn cứ sẽ xếp nó vào ngăn kéo của một kiểu nhìn căn tính học. 

Thật khó khăn để chấp nhận sự thực là sẽ phải thực hành một tiếp cận khác - chống lại mọi diễn giải bằng cách vui chơi với mọi diễn giải, một cách tùy thuận.

Khi bố mẹ âm thầm chặt bỏ cây xoài hai chục năm trước chúng tôi cùng nhau trồng trong vườn sau nhà ở quê thì với tôi đó còn là một sự đứt đoạn rất buồn phiền. Không phải vấn đề nỗi sợ bão gió, sợ cây to có ma - đó là vấn đề về cái gì là quan trọng. Chúng ta sẽ để lại cái gì lâu hơn khung hạn của đời người?

4.
Con người ta học nói là lúc nói với nhau. Con người ta học sống là ở lúc sống với nhau. Rất hiển nhiên trí nhớ của chúng ta giờ đã không tách khỏi cái usb, cái smartphone và cả cái cloud computing nữa. Kết nối mạng, thiết bị công nghệ kéo dài tri giác, khiến mỗi chúng ta thành thiên lý nhĩ, thiên lý nhãn - đặt chúng ta vào những công án mới thách thức lòng không nỡ của thân phận cá nhân hữu hạn với thế gian vô tận tình huống khổ đau. Cái Ta không có một ranh giới rõ rệt và có lẽ chiều hướng mới là sự xuyên vượt, một dạng thăng giáng lượng tử của cái Ta? Tôi không biết và thấy mỏi mệt với con đường của lý trí. 

Lý trí là cách để khắc chế tâm thức duy cảm tự tiên thiên - để sống sót khi hầu như chẳng có gì để nương tựa, một lịch sử trắng. Như cá hồi ngược dòng để chết. Chống đỡ nó bằng tâm thế phản tư tự thấy biết từng mỗi trải nghiệm. Mệt mỏi, rất mệt mỏi. Lúc sư Tri nói điều đó giống với pháp Khổ hạnh, tôi giật mình. Chưa bao giờ liên tưởng đến từ đó, nhưng sự thực đấy là con đường rất oải.

5.
Mất kết nối.


Thứ Hai, 24 tháng 3, 2014

Vườn xưa

Mảnh vườn xưa cây mỗi ngày mỗi xanh 
Bà mẹ già tóc mỗi ngày mỗi bạc 
Hai ta ở hai đầu công tác 
Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa? 

Hai ta như ngày nắng tránh ngày mưa 
Như mặt trăng mặt trời cách trở 
Như sao hôm sao mai không cùng ở 
Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa? 
Hai ta như sen mùa hạ cúc mùa thu 
Như tháng mười hồng tháng năm nhãn 
Em theo chim đi về tháng tám 
Anh theo chim cùng với tháng ba qua 
Một ngày xuân em trở lại nhà 
Nghe mẹ nói anh có về anh hái ổi 
Em nhìn lên vòm cây gió thổi 
Lá như môi thầm thì gọi anh về 
Lần sau anh trở lại một ngày hè 
Nghe mẹ nói em có về bên giếng giặt 
Anh nhìn giếng giếng sâu trong vắt 
Nước như gương soi lẻ bóng hình anh 

Mảnh vườn xưa cây mỗi ngày mỗi xanh 
Bà mẹ già tóc mỗi ngày mỗi bạc 
Hai ta ở hai đầu công tác 
Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa?


(Vườn xưa - Tế Hanh)

Hồi đọc bài này lần đầu hình như cũng là năm thứ nhất đại học rồi. Đọc trong một cuốn tuyển tập thơ loại bỏ túi, có hình minh họa nét kiểu ký họa. Không chú ý thuộc, chỉ lướt qua, nhưng thấy thích và nhớ cảm giác - dù lần đầu tiên thấy từ "công tác" nó không chối. Lần nào đọc lại cũng như vậy. Sau thấy hóa ra nhiều người cũng thích bài này.
Có lẽ tại tính phổ quát của những ẩn dụ như "vườn xưa", "mẹ già", "năm/tháng", "vòm cây", "giếng sâu"...chăng?
Có những chỗ lâu lâu mình lại quay về, một forum bỏ hoang, một blog vắng vẻ, cũng là cùng một cách về lại vườn xưa.
Nhưng riết ráo ra thì VƯỜN XƯA có thể là những gì? Bao gộp cả những gì mơ hồ không thể gọi rõ ra được ấy.





Thứ Tư, 5 tháng 2, 2014

Chào 2014



Tinh tấn & vô úy :v