Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2011

Tưởng tượng

1.
Ngày trước blog bác Gauxx có dẫn bài "The birth of a word", trong đó nổi bật nhất là ý tưởng thiết lập một mô hình dựa trên hàm liên kết các thông số không gian, thời gian và một số sự kiện tương tác đặc thù của một chủ thể. Kết quả là những vòm những lũng "địa hình" số tuyệt đẹp.

Bây giờ thử tưởng tượng kiểu biểu diễn này theo 1 hướng khác: Thế giới khoảng 7 tỷ người, nhưng thực ra mỗi cá nhân chúng ta chỉ tương tác trực tiếp với cỡ quy mô từ hàng nghìn cho đến hàng vạn người. Cứ cho là ước định được tiêu chuẩn cho khái niệm tương tác trực tiếp này rồi thì sẽ sang bước tiếp theo.

Mỗi cá nhân lại có những tương tác loại khác - âm bản - nữa với những thứ phi hình thể từ đơn giản là thế giới cyber cho đến trừu tượng rồi tâm linh...Giả thử cũng ước định được một số loại "tương tác trực tiếp" kiểu này nữa là sang bước thứ ba.

Giả sử thiết lập được (chả bao giờ được vì chỉ để tiện liên tưởng) 01 mô hình của mỗi chủ thể theo quy tắc:
- Phân bổ theo mặt phẳng XoY địa điểm không gian tương tác tương ứng với thời điểm.
- Phân bổ theo chiều cao oZ tần suất tương tác.

Như vậy biểu diễn hàm sẽ cũng là dạng núi đồi và thung lũng hùng vĩ. Tương tác ảo sẽ là dạng những hang động kiểu núi lửa hoặc hang sông...

Mỗi người sẽ có 1 dạng thức núi đồi và thung lũng rất khác nhau. Ngọn núi đầu tiên, "tổ sơn của long mạch" bản ngã sẽ là những tương tác trong gia đình cha mẹ. Nó có phải là ngọn núi cao nhất? Rất có thể vì tương tác đầu đời thường sẽ rất mạnh vì đứa trẻ phải học rất nhiều và được bao bọc rất nhiều.

Mỗi mô hình gia đình sẽ cho 1 dạng thức núi đồi khác nhau. Sẽ có những đỉnh giống đảo trên vịnh Hạ Long, cao mà không rộng với những lòng hang sâu đến bất ngờ.

Mỗi cá nhân sẽ có 1 mạch núi rất khác nhau, khí thế khác nhau. Nghĩ tưởng đến cũng đáng cảm khái lắm chứ!

2.
Nhưng đấy chỉ là giả lập cho 1 chủ thể. Nếu lại đổi sang hàm biểu diễn của 1 chủ thể khác có tương tác thì data của chủ thể cũ chỉ còn là vài điểm. Tức là với một tổng số data nhất định sẽ có vô số thế giới hùng vĩ trùng chập, chất chứa, giao hoán nhau mà không ngăn ngại. Lúc này chắc phải dùng hình ảnh các sóng và hàm sóng để liên tưởng mới chuẩn.

HẢI TRIỀU ÂM: là âm thanh của sóng biển, tiếng nói của sóng biển, là tiếng nói sinh động phát ra từ pháp giới trùng trùng duyên khởi. Nên, tiếng nói nầy, không làm trở ngại tiếng nói kia, tiếng nói kia không làm trở ngại tiếng nói nầy, chúng tương tác lên nhau mà âm thanh phát ra liên tục và vô tận (kinh Pháp Hoa).

3.


Và cuối cùng ta sẽ nói thương nhau
Sau những thung lũng núi đồi của hiểu và không hiểu
(thơ HY)

5 nhận xét:

HY nói...

Lạ thật chị cũng âm ỉ trong đầu một ý định viết về bài "The birth of a word" chỉ có điều chị sẽ đi sâu vào những khoảnh khắc chứ không thâu tóm tổng thể như em. Xem cái video đấy tự nhiên cảm thấy sức nặng của mỗi khoảnh khắc vu vơ, mỗi khoảnh khắc đều tích tụ và để lại dấu vết. Gần gũi để liên tưởng là những khái niệm sát na của nhà Phật. Từ đấy để thấy bất cứ khoảnh khắc nào cũng cần trân trọng, cái sai trái của khoảnh khắc sẽ còn đấy và đè lên những đơn vị khoảnh khắc nối tiếp.

HY nói...

Cái mục 3. thì phải đùa một phát không có lỡ dịp vui:

Và cuối cùng ta sẽ ngợi khen nhau
Trên blog rằng viết sao hay thế
Trong thấu hiểu có chút lòng vị nể
Của mến thương thân thuộc khúc ca đầu...

Hihi, cùng sinh hoạt nhiều năm ở forum, blog giống như theo học cùng trường cùng lớp hồi xưa ý nhỉ, thuộc dần thuộc dần nhau :)

HY nói...

Đùa cợt vậy để che đi nỗi ngượng ngùng giản dị là sao tất cả chúng ta lại giống nhau một cách đơn sơ đến vậy.

ChịBaĐậu nói...

Rồi giả sử có những vật thể không vẽ ra được hàm núi, cũng không kết được thung lũng hay hang mà chỉ là một đường thẳng nối dài, thì sẽ ra sao nhỉ?

Tung H nói...

Bận như trâu như chó các bác ạ :P nên đã tính đưa ra vài cái liên tưởng - kiểu chính trị gia thì giống cái mâm xôi - nhưng hết tiệt cảm hứng rồi :D

Đúng là mô hình nó tạo cảm khái vì làm mình tưởng như nhìn rõ cái hữu hạn đời người đến vậy!