Chủ Nhật, 1 tháng 5, 2011

Đọc "Du hành cùng Herodotus". Ryszard Kapuscinski.

Những cuốn sách tôi đọc được trong khoảng 1-2 tháng gần đây đều được đọc theo kiểu tranh thủ. Khởi đầu là cố gắng thu xếp để cầm nó lên đọc một chút, với tư tưởng nếu nó hay thì sẽ còn đọc lại, kỹ hơn; còn không ít ra cũng là đọc cho xong, để khuây khoả. "Du hành cùng Herodotus" đã từng được nâng lên đặt xuống vài lần để có thể bắt đầu, lần này thì đã có thể đọc đều đặn đến tận cuối với một dư vị riêng.

"Một cuốn du ký" - bây giờ hoá ra vẫn còn có thể gấp lại một cuốn du ký để lắng nghe trong tâm trí mình những cảm giác bồi hồi. Như thể mình vừa rời khỏi một chặng đường nhiều ký ức, biến cố. Như thể mình đã để lại một phần ở đâu đó; cũng như thể những ký ức đã là một phần cũ kỹ trong mình. Hay rốt cuộc đây chỉ là mỗi lần đọc du ký, tự truyện thì sẽ có kiểu cảm giác như vậy - một kiểu quy ước đã ẩn sâu trong tiềm thức?

"Rú mọi" (Rừng người Thượng) là một cuốn du ký. "Nhiệt đới buồn" cũng là du ký. Nhưng "Rú mọi" thì bị cắt hết phần cá nhân để chỉ còn lại những thông tin đọc cho biết. "Nhiệt đới buồn" thì còn chưa lội được quá chương 1. Có lẽ cuốn du ký của R.K ăn nhập vào tâm trí tôi là do những ký ức được biểu hiện cùng một cái cách mà tác giả rất tâm đắc trong cách viết "Sử ký" của Herodotus - lối viết như trong phóng sự "xuất phát từ những con người và mối liên hệ tôi - anh ta, tôi - những người khác...". Lịch sử ở đây là lịch sử của một ai đó - một sử lịch theo cách dùng từ của Bùi Giáng.

Giống như cái cách mà R.K diễn đạt về mối nguy sa vào cái bẫy của "chủ nghĩa địa phương của thời gian" (từ T.S.Eliot), tôi nghĩ rằng mỗi khi chúng ta cảm thấy ham thích tìm tòi về quá khứ, trước hết chúng ta bắt đầu từ một ý thức tiềm tàng rằng "hiện thực đã luôn tồn tại", "lịch sử chỉ là một chuỗi không ngừng của hiện tại"; và trong mối cảm khái về kích thước hiện hữu của đời mình, chúng ta gặp lại những nỗi thúc bách tàn dư của niềm tin rằng có thể mô tả được thế giới.

Thực tế cả cuốn sách của R.K là sự kết hợp khéo léo và lỏng lẻo những địa điểm, những câu chuyện theo những bước nhảy thường xuyên vượt thời gian từ ký ức. Những bước nhảy làm nền cho những câu chuyện, làm chúng ta có được cái cảm giác về một tổng thể. Mô tuýp điển hình là: tôi (R.K) rơi vào chỗ đó, hoàn cảnh đó - những hoàn cảnh thời đại đáng ngưỡng mộ đối với người khác - tôi đương đầu với sự bất ổn của thời sự bằng những đào luyện từ lịch sử và chiêm nghiệm từ chính những chiều kích nhỏ bé của một cá nhân phất phơ trong sóng gió thế sự và cả tâm thế bơ vơ giữa 2 bờ văn hoá xa lạ. Tôi ở đó, thấy như vậy và nghĩ rằng...đó là một mô tuýp chân thực và sống động, nhưng làm thế nào R.K đã thoát ra được khỏi lối mòn của sự chân phương? (Lần này, sự thiếu hiểu biết của tôi về tác giả này đem lại sự may mắn thoát ra khỏi những gợi ý của sự nổi tiếng sẵn có).

Sẽ có phần dễ dàng nếu quy kết sức hấp dẫn của cuốn sách cho văn phong của tác giả. Phảng phất xuyên suốt tác phẩm là tâm tính rộng mở kiên nhẫn - của R.K và của Herodotus: trong nhãn quan về một thế giới đa văn hoá, sự khác biệt là để nhấn mạnh tính tổng thể rộng mở. Từ cái nhìn này, những chi tiết được thu xếp, những sự kiện, những nhân vật được ghi nhận và mô tả trong tương quan và chiều kích của chúng; và những câu hỏi để ngỏ bổ khuyết những gì cần thiết của một cảm xúc tổng thể về một thế giới, một lịch sử mà "tính đa văn hoá của thế giới là một mô sống đang đập, không có cái gì của nó được đưa ra và xác định vĩnh viễn, mà thay vào đó nó không ngừng biến hình, thay đổi, tạo ra các mối tương quan và phạm vi mới".

Lựa được cho mình một tâm thế với thế giới và lịch sử, trung thành với chiều kích và tương quan hiện hữu cá nhân của mình và trọn vẹn trong những đào luyện của trải nghiệm xê dịch giữa thời cuộc biến động. Phải chăng đó chính là mấu chốt để trong phạm vi nhỏ bé của một cuộc đời - không - thể - biết - tất - cả - mọi - sự, ta có thể trung thực, tự tin và say mê đối diện với bể kiến thức, thông tin khổng lồ của quá khứ, với sự vô tận đầy bất trắc của các không gian văn hoá?

-------
Nhưng khi nhìn thấy cả Hellespont bị các chiến thuyền phủ kín, cả bờ biển và bình nguyên Abydus đầy ngập quân lính, Xerxes tự gọi mình là một người hạnh phúc rồi sau đó bật khóc.


(...) "Phải, nỗi buồn xâm chiếm ta khi ta nghĩ rằng toàn bộ cuộc sống của con người mới ngắn ngủi làm sao, vì trong số người đông đúc kia sau một trăm năm sẽ không ai còn lại trên đời".


(Du hành cùng Herodotus - R.K).

2 nhận xét:

doanh nói...

viết lách trừu tượng quá làm anh cứ phải ra vô hoài, mỗi lần ráng make sense thêm 1 tị. thôi để đấy đã, sẽ có dịp thỉnh giáo sau.

lúc này chỉ có thể nghĩ ở level thóc gạo cơm phở thôi.

Tung H nói...

:)