Thứ Ba, 31 tháng 5, 2011

Ở nhà chủ nhật

 Toàn Đảng
 Toàn Dân
 và toàn Quân
 của cả xóm
 hăng hái
 thi đua
 làm gỏi cá
cho anh í XEM!

Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2011

???

1.
Từ hôm qua đến giờ đăng nhập vào blogspot bằng Firefox không được. Các bác có bị thế không?

2.
Nhận tin của bạn thấy cuộc sống mong manh quá.
Làm gì với đời mình là một câu hỏi rất khó chịu.

Thứ Ba, 24 tháng 5, 2011

Không có gì đâu ạ

và "Đừng khách sáo"
là 2 câu đối đáp rất thường xuyên của Gấu với bố mẹ
mỗi khi được cảm ơn :)

Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2011

Không đỡ được


sự đẹp trai của anh ấy.

Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2011

Kiểm duyệt

      Trong các cử động vô ý thức là hao tổn khí lực hơn hết, chỉ có sự thổ lộ chân tình là nên trừ khử trước nhất.
      Bất kỳ là ở vào trường hợp nào, tốt hơn ta hãy lặng lẽ làm thinh. Ta phải gắng sức, vì đó là một sức mạnh không phải dễ gì kềm thúc.
      Ví như mỗi một lời nói, mỗi một cử động, mỗi cái múa tay, múa chân vô ích mà kềm lại được, là thêm cho mình khí lực đó.
      Đừng lãng phí khí lực của ta trong như câu chuyện vụn vặt: bàn tán công chuyện hằng ngày, là thêm cho mình khí lực đó.
      Đừng lãng phí khí lực của ta trong những câu chuyện vụn vặt: bàn tán câu chuyện hằng ngày, phê bình người kia kẻ nọ... Đừng tưởng đó là mất vẻ giao thiệp, chính đó là cách bớt những cử động vô ích cho mình và cho người.
      Khi nào cần phải nói, thì hãy nói. Nói một cách có ý thức: lựa lọc từng lời. Phải thay vào những câu ngớ ngẩn bằng những câu có ý nghĩa. Đừng cãi lẫy vô ích với ai cả. Nếu ta biết trước rằng không có ích gì cho hai bên, thì hãy làm thinh và  để cho bên địch cho phung phí khí lực của họ; còn ta, ta hãy giữ gìn củng cố nó lại. Nhất là  đừng bao giờ vô tình để cho người ta bắt buộc mình phải nói.
      Trong khi nói, đừng hấp tấp, vội vàng. Thủng thỉnh mà nói. Nói cho rõ ràng, quả quyết. Trong ngày, hãy kiểm soát và thâu rút lời nói lại. Được nhiều chừng nào hay chừng nấy. Đừng lẫn lộn sự nói nhiều và nói ít.
      Có người suốt đời nói mãi, mà vẫn như chưa từng có nói. Có kẻ suốt đời rất ít nói, nhưng mà nói rất nhiều.
      Không lạ, một thánh nhân, dẫu nói suốt đời, cũng vẫn còn là nói thiếu... Còn lắm kẻ, một ngày không nói một lời, mà hễ nói ra toàn là những lời vô ý nghĩa, hoặc đi gieo sự ngờ vực, sự tan rã, sự cừu thù giữa con người... Họ chính là kẻ nói rất nhiều
      Cũng đừng sa vào thái quá. Nhiều kẻ tâm trí sâu hiểm, họ thấy hại cho kẻ khác, cũng vẫn làm thinh. Cái đó, không phải họ thu nhập khí lực, mà họ tiêu tan khí lực bằng sự dày vò của ghen ghét, giữa ác tâm... Ở ngoài, thấy hòa hoãn nhưng nơi trong là một sức phá hoại ghê gớm mà ta không ngờ. Cái không nói của người điềm đạm không có ẩn một ác ý gì cả.

(trích Cái Dũng của Thánh nhân - Nguyễn Duy Cần)
--------------

Giật tít câu khách. Chúc mọi người cuối tuần vui vẻ :)

Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2011

Những người bạn blog khác

Tôi lập blog từ hồi năm 2006, khởi đầu với Y360, bây giờ chót lại là blogspot và Facebook như đa số mọi người. Trong cơn say của thời khởi thuỷ, mọi người bộc lộ bản thân nhiều, giao tiếp nhiều hơn bây giờ. Giai đoạn giải thể Y360 mọi người tứ tán, bạn bè cũ hầu như thất tung. Tôi chọn blogspot vì nó giống với cái cũ và vì có 1 số người bạn đã lựa chọn như vậy. Bây giờ sót lại hình như chỉ còn nhớ là có chị HY và bác Đông A từ mạng cũ sang. Bác Đông A thì vững như bàn thạch kiên kiên cố cố ở đâu cũng vẫn vậy. Chị HY thì ở trên mạng đã như một cây cù tùng nghìn năm phơ phất thành tinh rồi :P Còn lại là bạn mới. Giờ cũng đã thành ra người cũ cả.

Hồi bên Y360 có trào lưu tag bạn blog, rồi thấp thoáng chỗ này chỗ kia cũng đủ phác hoạ các mối quan hệ trao đổi với một số blog bạn. Nhưng cũng từ lâu lâu tôi có ý định viết vài lời về những bạn blog khác của trang này, những người hầu như không xuất hiện bao giờ. Vài lời ở đây là những cảm nhận ban đầu, là để cho trọn những khởi đầu đã qua. Ý là như vậy - là sẽ viết về những người khác :)

Blogspot có điểm dở là khó theo dõi những người theo dõi mình. Hồi đầu còn ít thì hầu như ai theo mình thì mình theo họ hoặc ngược lại. Nhưng một hồi sau đó khi số người chỉ ghi danh mà không có blog nhiều lên thì chịu và dần thành ra khó biết ai là người mới xuất hiện. Do vậy thỉnh thoảng tôi hay rà lại xem ai là người mới và suy đoán xem sao họ lại "biết" mình. Xung quanh chuyện này có nhiều điều cũng hay hay.

Đầu tiên là tôi thấy có một số bác blogger ở nước nước ngoài, hầu như không có mối liên hệ trực tiếp nào ghi danh follow. Đọc những blog đó thấy hầu hết các bác khác cả thế hệ lẫn môi trường xã hội, biết thêm nhiều điều hay. Nói chung thì cả hai bên đều kín tiếng, cũng chỉ đọc chứ không comment gì. Khả năng cao nhất là do blog này được hưởng sái từ một blogroll của người nổi tiếng :D

Một blog bạn tôi hay đọc nhưng chưa comment bao giờ là blog Chị Ba Đậu. Một Việt kiều vừa phải, tôi nghĩ thế :) Vẫn Việt Nam nhưng đọc được nhiều chuyện về xã hội bên đó. Thanks bạn về bài tập chơi chú tâm với con 10p mỗi ngày. Rất hiệu quả.

Có một bạn rất ít viết (hoặc viết chỗ khác), tôi rất khó khăn và nhờ tình cờ mà tìm ra tung tích bạn :) Tôi muốn bạn biết cảm giác của tôi khi đọc được một đoạn bạn trích dẫn đôi dòng hoang mang vớ vẩn của tôi hồi lâu lắc. Chúng ta sẽ tiếp tục giữ sự đồng cảm về sự vớ vẩn này trong im lặng sau cả những dòng này nhé.

Tôi theo dõi rất chăm chú blog của bác giangle để đoán giá vàng (lol).

Một blogger rất khác biệt mà tôi hay đọc nữa là blog cavenui. Bậc nữ lưu chính hiệu. Tư duy rành mạch, cập nhật. Khúc chiết và dí dỏm. Điểm đặc biệt là sự chừng mực. Gần đây hình như có gì đó làm ảnh hưởng nên hơi thay đổi tâm tính những vẫn rất hấp dẫn - để theo dõi :-)

Một blog khác, do tình cờ mà biết, tôi hay theo dõi để xem ảnh, cũng rất phong cách và ổn định. Đó là blog GLiTeRpAraDISe. Bạn này chắc không đọc tiếng Việt.

Như thị.

Chủ Nhật, 1 tháng 5, 2011

Đọc "Du hành cùng Herodotus". Ryszard Kapuscinski.

Những cuốn sách tôi đọc được trong khoảng 1-2 tháng gần đây đều được đọc theo kiểu tranh thủ. Khởi đầu là cố gắng thu xếp để cầm nó lên đọc một chút, với tư tưởng nếu nó hay thì sẽ còn đọc lại, kỹ hơn; còn không ít ra cũng là đọc cho xong, để khuây khoả. "Du hành cùng Herodotus" đã từng được nâng lên đặt xuống vài lần để có thể bắt đầu, lần này thì đã có thể đọc đều đặn đến tận cuối với một dư vị riêng.

"Một cuốn du ký" - bây giờ hoá ra vẫn còn có thể gấp lại một cuốn du ký để lắng nghe trong tâm trí mình những cảm giác bồi hồi. Như thể mình vừa rời khỏi một chặng đường nhiều ký ức, biến cố. Như thể mình đã để lại một phần ở đâu đó; cũng như thể những ký ức đã là một phần cũ kỹ trong mình. Hay rốt cuộc đây chỉ là mỗi lần đọc du ký, tự truyện thì sẽ có kiểu cảm giác như vậy - một kiểu quy ước đã ẩn sâu trong tiềm thức?

"Rú mọi" (Rừng người Thượng) là một cuốn du ký. "Nhiệt đới buồn" cũng là du ký. Nhưng "Rú mọi" thì bị cắt hết phần cá nhân để chỉ còn lại những thông tin đọc cho biết. "Nhiệt đới buồn" thì còn chưa lội được quá chương 1. Có lẽ cuốn du ký của R.K ăn nhập vào tâm trí tôi là do những ký ức được biểu hiện cùng một cái cách mà tác giả rất tâm đắc trong cách viết "Sử ký" của Herodotus - lối viết như trong phóng sự "xuất phát từ những con người và mối liên hệ tôi - anh ta, tôi - những người khác...". Lịch sử ở đây là lịch sử của một ai đó - một sử lịch theo cách dùng từ của Bùi Giáng.

Giống như cái cách mà R.K diễn đạt về mối nguy sa vào cái bẫy của "chủ nghĩa địa phương của thời gian" (từ T.S.Eliot), tôi nghĩ rằng mỗi khi chúng ta cảm thấy ham thích tìm tòi về quá khứ, trước hết chúng ta bắt đầu từ một ý thức tiềm tàng rằng "hiện thực đã luôn tồn tại", "lịch sử chỉ là một chuỗi không ngừng của hiện tại"; và trong mối cảm khái về kích thước hiện hữu của đời mình, chúng ta gặp lại những nỗi thúc bách tàn dư của niềm tin rằng có thể mô tả được thế giới.

Thực tế cả cuốn sách của R.K là sự kết hợp khéo léo và lỏng lẻo những địa điểm, những câu chuyện theo những bước nhảy thường xuyên vượt thời gian từ ký ức. Những bước nhảy làm nền cho những câu chuyện, làm chúng ta có được cái cảm giác về một tổng thể. Mô tuýp điển hình là: tôi (R.K) rơi vào chỗ đó, hoàn cảnh đó - những hoàn cảnh thời đại đáng ngưỡng mộ đối với người khác - tôi đương đầu với sự bất ổn của thời sự bằng những đào luyện từ lịch sử và chiêm nghiệm từ chính những chiều kích nhỏ bé của một cá nhân phất phơ trong sóng gió thế sự và cả tâm thế bơ vơ giữa 2 bờ văn hoá xa lạ. Tôi ở đó, thấy như vậy và nghĩ rằng...đó là một mô tuýp chân thực và sống động, nhưng làm thế nào R.K đã thoát ra được khỏi lối mòn của sự chân phương? (Lần này, sự thiếu hiểu biết của tôi về tác giả này đem lại sự may mắn thoát ra khỏi những gợi ý của sự nổi tiếng sẵn có).

Sẽ có phần dễ dàng nếu quy kết sức hấp dẫn của cuốn sách cho văn phong của tác giả. Phảng phất xuyên suốt tác phẩm là tâm tính rộng mở kiên nhẫn - của R.K và của Herodotus: trong nhãn quan về một thế giới đa văn hoá, sự khác biệt là để nhấn mạnh tính tổng thể rộng mở. Từ cái nhìn này, những chi tiết được thu xếp, những sự kiện, những nhân vật được ghi nhận và mô tả trong tương quan và chiều kích của chúng; và những câu hỏi để ngỏ bổ khuyết những gì cần thiết của một cảm xúc tổng thể về một thế giới, một lịch sử mà "tính đa văn hoá của thế giới là một mô sống đang đập, không có cái gì của nó được đưa ra và xác định vĩnh viễn, mà thay vào đó nó không ngừng biến hình, thay đổi, tạo ra các mối tương quan và phạm vi mới".

Lựa được cho mình một tâm thế với thế giới và lịch sử, trung thành với chiều kích và tương quan hiện hữu cá nhân của mình và trọn vẹn trong những đào luyện của trải nghiệm xê dịch giữa thời cuộc biến động. Phải chăng đó chính là mấu chốt để trong phạm vi nhỏ bé của một cuộc đời - không - thể - biết - tất - cả - mọi - sự, ta có thể trung thực, tự tin và say mê đối diện với bể kiến thức, thông tin khổng lồ của quá khứ, với sự vô tận đầy bất trắc của các không gian văn hoá?

-------
Nhưng khi nhìn thấy cả Hellespont bị các chiến thuyền phủ kín, cả bờ biển và bình nguyên Abydus đầy ngập quân lính, Xerxes tự gọi mình là một người hạnh phúc rồi sau đó bật khóc.


(...) "Phải, nỗi buồn xâm chiếm ta khi ta nghĩ rằng toàn bộ cuộc sống của con người mới ngắn ngủi làm sao, vì trong số người đông đúc kia sau một trăm năm sẽ không ai còn lại trên đời".


(Du hành cùng Herodotus - R.K).