Thứ Ba, 29 tháng 9, 2009

Ghi chép. Những giấc mơ đã mơ. Năm: Ba giấc mơ. thứ hai và thứ ba.


1.
Tản mạn vài điều về những hình ảnh tượng trưng. Qua một vài ví dụ chúng ta cũng đã có thể thấy là nếu không bám sát các dữ kiện thì rất dễ sa vào mê lộ của các liên tưởng. Cái quan trọng ở đây là gì: đấy là các hình ảnh tượng trưng trong giấc mơ là tượng trưng ngẫu phát, nó liên hệ trực tiếp và duy nhất với người nằm mơ (không kể vài ngoại lệ). Trong phương pháp phân tích trên có một điểm nhất quán: hình ảnh tượng trưng cho kinh nghiệm nội tại. Nếu không bám sát giả thuyết này thì chúng ta sẽ gặp những trường hợp rất khác nhau như Freud và Jung: cả hai ông dù trái ngược nhau về quan điểm nhưng đều lược quy mọi hình ảnh biểu tượng thành tượng trưng của một tượng trưng khác! Sau đó mới là cảm nghiệm nội tại. Trong trường hợp theo Freud lại càng chặt chẽ hơn: chỉ những cảm nghiệm tính dục ấu thời mới quan trọng. Hệ quả là hệ biểu tượng của ông khá đơn giản: chỉ được phân chia thành những cái gì tròn tròn, rỗng, chứa đựng được và ngược lại! (Nếu cứ theo phép lược quy này thì (trộm vía) hình ảnh cưỡi máy bay về quê trong giấc mơ của bác X rất đặc sắc! . Hay như giấc mơ lội giữa cánh đồng nước tung tóe, ngổn ngang xác người của M thiếu hiệp cũng rất hào hùng, đầy khí phách!!!

Cũng nên liệt kê ra đây một số loại giấc mơ điển hình hay gặp. Loại thứ nhất là giấc mơ thấy mình trần truồng. Tùy thuộc vào tình hình cụ thể nó có thể là một giải tỏa dồn nén hay đơn giản là một nhu cầu thành thực. Câu chuyện "Bộ quần áo của hoàng đế" của Anđecxen đã từng được phân tích dưới những góc độ rất khác nhau giữa Freud và E.F! Trung thành với nhãn quan duy vật sinh lý của mình, F đã phân tích hình ảnh câu chuyện theo góc độ: hoàng đế là nhu cầu giải tỏa của người nằm mơ, bộ quần áo là sự kiểm duyệt và giấc mơ là bản thân người nằm mơ. Nhưng E.F lại căn cứ trên sự kiện rất hiển nhiên của tình tiết để đi đến kết luận là ý nghĩa ở chỗ tố cáo khả năng bóp nghẹt, làm sai lệch các phán đoán của uy quyền tuyệt đối. Chỉ những người không chịu sự áp chế mới nhận thức đúng được sự vật!

Loại giấc mơ thường thấy thứ hai là giấc mơ lặp đi lặp lại. Một số người thường xuyên mơ thấy một giấc mơ như nhau trong rất nhiều năm. Bản thân tôi cũng có một giấc mơ như vậy. Đại loại nó liên quan đến một hành trình đi qua những địa điểm mà tôi thấy hết sức quen thuộc, với những con người rất quen thuộc như từ tiền kiếp vậy, nhưng không thể nhớ ra là cụ thể là gì, lúc đầu còn không nhận ra mối liên hệ gì với các kinh nghiệm đã trải qua. Tôi còn vẽ lại được toàn bộ bối cảnh trên một tờ giấy, rẽ phải rẽ trái, xuyên đồng, qua làng qua chợ, ghe bến sông, qua con phố nhỏ, leo núi lên rừng thế nào...!!! Những giấc mơ như vậy thường liên quan đến một ấn tượng, sự kiện sâu sắc đối với người nằm mơ nhưng lúc tỉnh thức rất khó ý thức được nó là gì!

Cũng phải kể đến những giấc mơ liên quan đến tình trạng thể chất và những tác động vật lý từ môi trường bên ngoài tác động đến người nằm mơ. Trạng thái trước khi ngủ rất ảnh hưởng đến tình hình giấc mơ. Thậm chí Luật của người Do Thái có quy định cụ thể về trường hợp giấc mơ ngoại tình mà trong trường hợp nào thì bị kết tội thật và trường hợp nào thì được miễn trừ! Một trường hợp hay gặp là những giấc mơ đánh thức chúng ta tỉnh dậy khi cơ thể quá mức chịu đựng về một khả năng nào đấy. Tôi hay gặp tình huống này đó là khi nằm mơ thấy những hình ảnh quen thuộc của khu hố xí công cộng trong khu tập thể ngày bé! Cảm giác kinh tởm luôn ngăn chặn mọi sự trút xả và tất nhiên tỉnh dậy cái là phải chạy đi ngay rồi!

Một loại giấc mơ nữa mà tôi có thời kỳ đã thường gặp phải, là mơ thấy mình bị dồn vào đường cùng, bế tắc. Luôn luôn là do hoàn cảnh xô đẩy, mình vì tự vệ mà gây ra tội ác, kiểu như phim hình sự, sau đó là lẩn trốn, bỏ chạy trước sự truy đuổi. Luôn luôn kết thúc trong bí bách cùng quẫn tuyệt vọng. Có lần gí súng vào đầu bóp cò, đầu giật căng lên rồi tỉnh dậy, có lần phải nhảy từ nhà cao tầng xuống. Thường xuyên cheo leo trên miệng vực, tiến thoái lưỡng nan! Khỏi phải nói đấy cũng là giai đoạn bế tắc, trầm cảm trong tư tưởng của tôi. Lúc tỉnh thức cũng rất hắc ám huống hồ là lúc mơ!

Nói đến chuyện giấc mơ bay. Tôi tự xét thấy mình cũng là dạng người "bay bổng" vậy mà từ rất lâu rồi tôi mong mình có thể mơ thấy bay được, thế mà chả bao giờ xảy ra. Hồi trước còn ở nhà, đêm nhìn lên trời khuya nghĩ rằng nếu bay được thì sẽ thế nào nhỉ? Nhưng trí tưởng tượng không đáp ứng được nên tôi trông chờ vào giấc mơ, nhưng không thể. Mãi sau này, khi tinh thần nhẹ nhàng ít nhiều thì mơ được hai lần: một lần ôm cái gối, phải vịn vào nó mới bay được, hơi chập chờn nhưng tỉnh dậy rất sảng khoái. Lần thứ 2 là đạp xe đạp mà bay được nhưng không hấp dẫn bằng lần trước, chỉ hơi la đà thôi. Nhưng kể từ sau khi đã đi máy bay rồi thì những giấc mơ bay được trở nên bình thường. Bay dễ dàng nhưng cũng không còn ấn tượng gì đặc sắc! Có thể thấy rằng dù gì thì rõ ràng giấc mơ chỉ có thể diễn đạt những cảm nghiệm mà chúng ta đã trải qua trong thực tế thôi.

Về sau này thì lại hoàn toàn khác, gần đây tôi thường mơ những giấc mơ có nội dung mạch lạc, suy nghĩ rất vô ngã, sáng suốt và "khách quan". Thậm chí có hiện tượng như là mình làm tiếp một việc, hay một hành động gì đó thật đến nỗi chả còn biết là tỉnh hay mơ nữa! Tất nhiên vẫn xen kẽ những mộng mị khác. Lại có hiện tượng đang mơ, gặp tình huống quẫn bách thì tự nhủ rằng chắc chắn đây là mơ, ví dụ như có lần sau khi quá hoảng sợ trên mép vực một hồi lâu tôi đã quyết định rằng đấy chỉ là mơ và nhảy thẳng xuống!

Không thể không kể đến những giấc mơ đẹp, nhẹ nhàng, lãng mạn, mạch lạc. Có lần tỉnh dậy còn thấy môi miệng thơm tho sảng khoái nữa!


2.
Giấc mơ thứ hai.

“Nửa như một trò chơi, sau lại hóa thật. Trò chiến tranh – mình có súng – súng loại hỏa lực mạnh. Bối cảnh khu phía sau của công ty D cũ (khu sản xuất). Có một vài người quen thời ấy (họ đối với mình như không còn nhỏ nhưng chưa lớn hẳn). Chủ yếu là như trò chơi giữa cùng lứa với nhau. (Có một lần đã mơ tương tự, tưởng tượng sự quyết chiến của hai phe cũng ở chỗ này – mình luôn ở khu sau, nhà cấp 4). Có lúc nguy cấp, địch áp sát – dùng tên lửa bắn ra để đuổi – đuổi được nhưng nó bay vòng xuyên làm hỏng cổng hậu (phía sau của trận địa). Mình lo lắng mặt sau và phương pháp sử dụng vũ khí hạng nặng như vậy, nhưng mừng là thoát nguy – tống được kẻ địch đi. Luôn cẩn thận sợ mọi khả năng. Bố trí người ra các nơi (không tin ai cả là có đủ yên tâm cho mỗi vị trí). Tự mình phân ra có thành từng cặp coi mọi phía – một người dùng tiểu liên, một người dùng súng hạng nặng, kiểu B40 – hơi yên tâm. Lại sáng kiến ra phương pháp trèo ra phía khu BV, lên áp mái khu kho rồi tiến về phía thuận lợi bí mật bắn tỉa quân địch, tuy nhiên nếu bị phát hiện thì khó sống.

Lần mơ này không tự tin được như lần trước. Địch mạnh hơn (như Mĩ và LHQ) và mình dùng trung liên, có lỗi do hết đạn. Thỉnh thoảng bắn lên những chiếc máy bay lớn trên trời nhưng không tới. Nhưng cuộc chiến có vẻ chưa bắt đầu – chỉ hơi xuất hiện. Hơi lo vì phía mình chưa hoàn toàn chuẩn bị. (Có cả cảm tưởng như mình đối đầu với người quen, bạn học).

Nhớ ra (trong mơ) phía có thể bị tập kích bí mật trên mái nhà trong giấc mơ trước – lại nghĩ hình như địch một người, ta một người đều đã lên đấy (ta – là bạn mình T). Vẫn quyết định bắn lên trên tiêu diệt – không biết có phải quân mình không?

Rồi không khí xuống đêm đen, mọi thứ lắng xuống như là kết thúc một phen lao đao, nhưng giống hơn là kết thúc trò chơi trang lứa. Về phía khu tập thể và sang phần mơ sau...”

Giấc mơ thứ 3.

“Không khí gia đình, căn hộ tập thể cấp 4 của gia đình (đã hoang, không còn ai ở lại). Một sự trang hoàng bằng những thứ tận dụng trong nhà (giấy khen cũ, treo ngược, ẩm mốc), khung linh tinh, chữ nho (mình cũng không biết nghĩa), vải cũ, xanh da trời pha xám, dây điện cũ linh tinh, nhiều đoạn. Không khí bạn bè cũ gặp nhau (T, T...). Ồn ào, phô trương, huênh hoang, tự giễu. Mẹ tin và phục. Mẹ hỏi có được không (trang trí). Mình bảo, không thực chất nhưng cũng cần thiết đôi khi, nói chung là được. Nhìn kỹ thấy sơ sài quá, hỏi mẹ ai làm khéo thế, có cả chữ nho – “Dì đấy !”.

Chuẩn bị dọn, bác M đến chơi. Mẹ có ý khoe, bác khen. Bỗng phát hiện có hòn đá (dị vật) biết nói, có vẻ quái dị, ma quái. Bác sợ (mình hơi sợ trong lòng). Vội mang lên bàn thờ (ông bà) thắp hương. Mình không thích. Làm như cũng vái nhưng lại cố dùng ý chí xua đuổi nó đi. Nó biến mất. Mọi người (2 người) trầm trồ. Mình huênh hoang giảng giải (Khổng tử nói: không liên quan mà thờ cúng là nịnh bợ), dù trong thâm tâm biết là mình ăn may. Bỗng bác M thấy tất cả (hương nhang và cả chân hương) cùng biến mất lại xuất hiện dưới nền nhà từ phía sau mọi người. Vật quái dị biến mất, có vẻ nhập vào hình ảnh mấy nén hương. Mình hơi lo nhưng quyết không chịu, bèn lại dùng phương pháp cũ: đầu tiên là chắp tay lại dùng ý chí xua đuổi, tiêu diệt. Rồi còn quỳ xuống nữa (dùng hình thức như trân trọng nhưng lại có ý chí tiêu diệt). Mình cũng không chắc có được không – cũng hơi sờ sợ - nhưng nhất định không chịu khuất phục chấp nhận. Mẹ cũng đồng tình, mang mấy thứ (có vẻ như mấy cái ví da, màu xám, màu nâu...của H cho) ra (lúc ấy mình nhớ như là cũng là những thứ bị ma ám vào; mình đã xua vào đấy). Mình dùng ý chí (không tận lực lắm) quyết diệt. Ngọn lửa bùng lên và đốt chát tất cả - đám cháy không mạnh lắm nhưng có vẻ đã xong (hình như còn sót một phần). Bác M nói “Cháu cứ lạm dụng cách này thì sẽ bị suy sụp tinh anh, giảm trí tuệ, tuổi thọ đấy” – Mình phản đối yếu ớt, nhưng lo lắng trong lòng. Lại dọn – mình lên chỗ ngủ của mình, có cảm giác hơi sờ sợ, rồi định ngủ với bạn bè chung...Tỉnh dậy sờ sợ câu nói suy giảm trí tuệ, đặc biệt là rút ngắn tuổi thọ...

Chỉ là một tiếng vọng


(Một căn nhà ở làng Nôm-by Jolly Fox)

1.
Thơ về tình cảm gia đình có 3 bài mình nhớ và thích.

Đầu tiên là bài "Nói với con cuối năm" của Lưu Quang Vũ. Có nhiều điều để nói, nhưng điều nhớ nhất là cái ý "cha dạy con mến thương tất cả/rồi con sẽ biết căm thù/cha dạy con tin yêu từ ngọn cỏ/rồi mai sau con sẽ nghi ngờ/con sẽ trả lời những câu hỏi đời cha".

Bài thứ hai là bài "Con cò" của Chế Lan Viên. Chỉ nhớ tức thời mấy câu đầu "con còn bế trên tay/con chưa biết con cò/nhưng trong lời mẹ hát/có cánh cò đang bay...". Nhớ từ hồi đọc lần đầu trong sách giáo khoa ngày xưa. Hình như chỉ là một bài đọc thêm thì phải. Cũng không nhớ là năm lớp mấy nữa. Chỉ nhớ đó hầu như là một trong những bài thơ để lại ấn tượng sâu sắc trong chương trình học văn phổ thông với mình.

Bài thứ ba là một bài không hẳn có thể xếp vào mối quan hệ gia đình, nhưng mình cứ liên tưởng tự nhiên đến thứ tình cảm của một đôi vợ chồng, đó là bài "Vườn xưa" của Tế Hanh. Lần đầu đọc là trong 1 tập thơ tình nhỏ dạng bỏ túi của ai đó vứt lăn lóc, mình nhặt đọc chơi. Nhớ trang giấy trắng vàng có bề mặt hơi nhám và giòn. Nhớ hình minh hoạ đen trắng một giếng nước dưới tàng cây.

Có điều gì chung giữa ba bài thơ, ba ký ức? Mình nghĩ đó là điểm chung về những giọng thơ. Và tất nhiên, chúng đều hàm ẩn thứ tình cảm thấm thía, giản dị chân thành, không làm dáng.

Nói với con cuối năm buồn mà tha thiết, hoang mang nhưng trong trẻo.

Con cò thủ thỉ xa vắng, rì rào như gió mát chiều hè.

Vườn xưa thân thuộc dù vời vợi mênh mang...

2.
Nói với con cuối năm

Tặng Lưu Minh Vũ

Cha lên làng sơ tán thăm con
hoa mận nở trắng vườn
năm sắp hết
chợ quê rộn rịp
vàng hương nếp mới lá rong xanh

Hai cha con ngồi trên bờ đê cao
sông chiều nhút khói
gió rạp mình cỏ dại
sau lưng Hà Nội sương mờ
thành phố vừa trải qua
những trận bom huỷ diệt
lòng cha giờ dập nát
những xác người máu loang
biết nói gì với con
đôi mắt trẻ đen tròn ngơ ngác thế
cuộc chiến đã mấy chục năm trời
con mới gần ba tuổi
tia nắng sớm mong manh chùm lá mới
đêm của đời gió bão đã dài lâu

Con bi bô với bàn ghế cỏ cây
tập gọi tên các sự vật trên đời
tập tin lời người lớn
cha làm sao nói được
những khổ đau lầm lạc trên đường
cái ác đen xì trong mỗi quả bom
mang mặt đẹp nói cười khôn khéo

Con hát ngọng nghịu
"vịt dắt tay gà đi chơi"
áp trán vào gò má thơ ngây
cha bỗng thấy chẳng còn gì đáng sợ
cha dậy con mến thương tất cả
rồi tự con sẽ biết căm thù
cha dậy con tin yêu từ ngọn cỏ
rồi mai sau con sẽ nghi ngờ
con sẽ trả lời những câu hỏi đời cha

Con cũng sẽ đặt nhiều câu hỏi mới
lòng cha dẫu héo khô cành mận dại
nhựa âm thầm buốt trắng những chùm hoa
con ơi con hãy tha thứ cho cha
cha chẳng thể nào sống cùng mẹ được
đời cha nắng gắt
mẹ con cần mật ngọt của đồng vui
con khôn lớn trên đời
hãy yêu thương mẹ
và hãy hiểu cho cha

Tết hoà bình đầu tiên
đất nước nghèo xơ xác
cha cũng chẳng đủ tiền
mua cho con áo đẹp
chiều bên sông gió rét
con lặng nhìng tít tắp bãi ngô xa
- Bên kia sông là gì hở cha?
- Bên kia sông có đường đất đỏ
có ruông mía trổ cờ trắng xoá
những vườn đầy quả ngọt những đồng hoa.
- Có bươm bướm không cha?
- Có, có rất nhiều bươm bướm
Con thì thầm trong hơi thở mạnh
- Sông rộng thế làm sao sang được?
Cha ôm con vào lòng, con bé bỏng của cha
- Bên kia sông có nhiều bướm nhiều hoa
rồi cha con ta sẽ tìm được con đò
đi sang bên ấy.

1972
--------------------
CON CÒ

I
Con còn bế trên tay
Con chưa biết con cò
Nhưng trong lời mẹ hát
Có cánh cò đang bay:
"Con cò bay la
Con cò bay lả
Con cò Cổng Phủ,
Con cò Đồng Đăng..."
Cò một mình, cò phải kiếm lấy ăn,
Con có mẹ, con chơi rồi lại ngủ.
"Con cò ăn đêm,
Con cò xa tổ,
Cò gặp cành mềm,
Cò sợ xáo măng..."
Ngủ yên! Ngủ yên! Cò ơi, chớ sợ!
Cành có mềm, mẹ đã sẵn tay nâng!
Trong lời ru của mẹ thấm hơi xuân,
Con chưa biết con cò, con vạc,
Con chưa biết những cành mềm mẹ hát,
Sữa mẹ nhiều, con ngủ chẳng phân vân.

II
Ngủ yên! Ngủ yên! Ngủ yên!
Cho cò trắng đến làm quen,
Cò đứng ở quanh nôi
Rồi cò vào trong tổ
Con ngủ yên thì cò cũng ngủ,
Cánh của cò, hai đứa đắp chung đôi.
Mai khôn lớn, con theo cò đi học,
Cánh trắng cò bay theo gót đôi chân.
Lớn lên, lớn lên, lớn lên...
Con làm gì?
Con làm thi sĩ!
Cánh cò trắng lại bay hoài không nghỉ
Trước hiên nhà
Và trong hơi mát câu văn...

III
Dù ở gần con,
Dù ở xa con,
Lên rừng xuống bể,
Cò sẽ tìm con,
Cò mãi yêu con.
Con dù lớn vẫn là con của mẹ,
Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con.
À ơi!
Một con cò thôi,
Con cò mẹ hát
Cũng là cuộc đời
Vỗ cánh qua nôi.
Ngủ đi! Ngủ đi!
Cho cánh cò, cánh vạc,
Cho cả sắc trời
Đến hát
Quanh nôi.
--------------------

vườn xưa
Tế Hanh

Mảnh vườn xưa cây mỗi ngày mỗi xanh
Bà mẹ già tóc mỗi ngày mỗi bạc
Hai ta ở hai đầu công tác
Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa ?

Hai ta như ngày nắng tránh ngày mưa
Như mặt trăng mặt trời cách trở
Như sao hôm sao mai không cùng ở
Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa ?
Hai ta như sen mùa hạ cúc mùa thu
Như tháng mười hồng tháng năm nhãn
Em theo chim đi về tháng tám
Anh theo chim cùng với tháng ba qua
Một ngày xuân em trở lại nhà
Nghe mẹ nói anh có về anh hái ổi
Em nhìn lên vòm cây gió thổi
Lá như môi thầm thì gọi anh về
Lần sau anh trở lại một ngày hè
Nghe mẹ nói em có về bên giếng giặt
Anh nhìn giếng giếng sâu trong vắt
Nước như gương soi lẻ bóng hình anh

Mảnh vườn xưa cây mỗi ngày mỗi xanh
Bà mẹ già tóc mỗi ngày mỗi bạc
Hai ta ở hai đầu công tác
Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa ?

----------------------


3.
A.Camus, S.Exupery, LQV có điểm gì chung? Họ đều có giọng văn tha thiết và rộng rãi. Chắc lái xe cũng bị cảm xúc mang mang chi phối :(

Rong chơi trong mỗi phút giây rong chơi mãi bên trời kia

Thứ Hai, 28 tháng 9, 2009

Ghi chép. Những giấc mơ đã mơ. Bốn: Ba giấc mơ.


1.
Tản mạn một chút về những vấn đề rải rác của ngôn ngữ. Ở trên kia chúng ta đã lấy ví dụ về tượng trưng tập quán bằng ngôn ngữ. Trong đó nói rằng mối liên hệ nội tại sâu xa đã bị mất đi và chúng ta - người đương thời - không cần biết đến chúng. Chính ở chỗ gián đoạn này, nếu đẩy sâu được hơn nữa sẽ mở ra những vấn đề rất rộng lớn và phức tạp. Chúng ta đều biết "ngôn ngữ là cái vỏ của tư duy". Vậy tìm hiểu ngôn ngữ tức là tìm hiểu giới hạn của tư duy, trả lời câu hỏi "Tôi tư duy - nhưng vậy đã đủ chưa?" Tư duy có phản ánh hết hiện sinh của ta ko nhỉ?...Như chính Nietzche đã phát hiện ra rằng nếp gấp tư tưởng của chúng ta nằm ở những thành kiến ngôn ngữ. Khi có thành kiến thì người ta không tư duy nữa. Vì vậy nó dẫn đến một cái gọi là hiện tượng "lại giống" trong triết học. Và người ta dễ liên tưởng đến hình ảnh một hệ sinh thái ngôn ngữ xuất phát từ hệ sinh thái ý niệm từa tựa như một hệ sinh thái tự nhiên! Khi ngôn ngữ học cấu trúc tách bạch ngôn ngữ với các hoạt động tổng thành của ngôn ngữ thì hẳn là sự nhất quán nhất sẽ dẫn đến một độ vênh nhất định. Phan Huy Đường khi dựa vào những nghiên cứu của Trần Đức Thảo về sự hình thành của ngôn ngữ có đề cập đến ý chung trong ngôn ngữ nhưng có vẻ quá tập trung vào ý tưởng về một cộng đồng tư tưởng chung của loài người xuyên thời gian đã không làm rõ các vấn đề của ý chung. Ý chung cũng giống câu chuyện ngôn ngữ tượng trưng mà chúng ta đang đề cập. Ngôn ngữ nó sống động và biến đổi, vì vậy cách mà TĐT phát kiến theo con đường hình thành ngôn ngữ của một cá nhân để phỏng chiếu về sự hình thành và quy luật của tư duy là rất đặc sắc và gợi mở...Những vấn đề này tôi chưa nắm bắt được, và nhất là chưa tiếp cận được triết học ngôn ngữ của Đức nên chỉ là gạch đầu dòng ba láp đây để làm mốc cho việc tìm hiểu sau này. Trên diễn đàn có topic về vấn đền này nhưng tiếc là ko có bác nào phát triển lên. Ở VN vấn đề này rất mới mẻ.

2.

Quay trở lại với những giấc mơ. Chúng ta biết đến 2 trường phái đầu tiên và quan trọng là Freud và Jung như là hai quan điểm trái ngược nhau trong giải thích giấc mơ. Vắn tắt lại thì theo Freud, giấc mơ là sự thụt lùi lại nguyên thủy của người nằm mơ mà cơ chế chủ yếu là cái libido, và bản năng chết. Giấc mơ là hình thức thỏa mãn những dồn nén vô thức và phi lý tính...

Theo Jung thì giấc mơ lại là biểu hiện lý tính của một tri giác siêu việt. Hai ý kiến trái ngược này gián tiếp nói lên một sự thật là giấc mơ có cả hiện tượng phi lý tính và cả những hiện tượng đầy lý tính. Có nhiều khi trong giấc mơ chúng ta lại sáng suốt, đạo đức hơn hẳn lúc tỉnh thức! Và chúng ta cũng biết đến năng lực dự kiến của các giấc mơ. Đây chính là giả thiết của E.F trong những phân tích của ông. Nó giải tỏa được mâu thuẫn "Nếu tỉnh thức là tốt thì giấc ngủ là tồi tệ và ngược lại". Cùng với lý giải về phương thức suy tư của 2 trạng thái trên, hệ quả là: ý thức và vô thức là đối xứng nhau, 2 trạng thái của một thực tại nội tâm duy nhất. Đối với cái này thì cái kia là vô thức và ngược lại. Điều này được minh họa bởi sự kiện chúng ta mau chóng quên đi những gì ta nằm mơ. Vì khi tỉnh thức ta tư tưởng theo một phương thức khác, trái chiều.

Một cách giản lược thì chúng ta tạm mô hình hóa mối liên hệ giữa tâm trí và hiện tại bên ngoài như thế này cho dễ vận dụng (chỉ là sơ đồ do tôi bịa ra cho dễ dùng!):

Lúc tỉnh thức:

Hiện tại bên ngoài -> Tổng hợp cảm quan -> Tổng hợp tri giác -> Moi (tâm thức)

và phản ứng lại:

Moi -> "suy luận, diễn dịch, phát động.." -> Hành động phản ứng -> Hiện tại bên ngoài.

Lúc ngủ, hiện tại bên ngoài ko được biết đến:

Thực tại cảm nghiệm nội tâm -> "vận động suy tư, diễn dịch, cảm nghiệm.." -> Moi

Moi -> "hoạt động tư tưởng, cảm nghiệm.." -> giấc mơ.

Dữ kiện nội tâm của ta trong lúc ngủ có thể là những cảm nghiệm, những ấn tượng...trong ta mà ban ngày chúng ta không ý thức được, không nhận ra. Chúng ta không nhận ra được bởi vì một khi con người xao lãng khỏi chiều hướng nhân bản chính của mình trong khai triển các tiềm năng nhân tính khả hữu thì con người sẽ chịu những sức ép dồn nén và lệch lạc nhất định. Chúng ta lại chịu rất nhiều những âm thanh tạp âm quấy nhiễu: truyền hình, quảng cáo, tập quán, sinh nhai...chúng làm ta khó tự chủ và sáng suốt để cảm nhận thực tại.

Khi ngủ, hiện tại nhân văn vắng bóng và tâm trí tự do trở nên mẫn cảm, "sáng suốt" hơn. Và sẽ xuất hiện những điều chúng ta chưa biết đến của chính chúng ta.


Tạm dừng ở đây và chúng ta thử bắt tay vào thao tác với một giấc mơ cụ thể xem còn thiếu sót, sai lầm gì thì sẽ bổ sung. Kết luận mà tôi sẽ sử dụng ở đây (theo ý hiểu của tôi) là trong giấc mơ tâm thức chúng ta vận động thao tác với những cảm nhận, kinh nghiệm sâu xa theo lối mà nó phản ứng không chịu sự ngăn trở nào của những nhiễu từ bên ngoài. Thứ hai là chúng ta đi đến kết luận rằng mỗi hình ảnh tượng trưng cho một kinh nghiệm hiện có trong nội tâm ta theo lối ngẫu phát có thể cả là phổ biến. Chúng ta biết rằng ngôn ngữ bất lực trước cảm giác. Chúng ta có thể nói tràng giang về một kiểu xe mới nhưng chỉ có mỗi một từ để nói là chúng ta "yêu". Hình ảnh trong giấc mơ mô tả tất cả những gì ta kinh nghiệm, trực tiếp và đầy đủ. Đến nỗi khi tỉnh lại ta không thể diễn đạt hết được những điều đó.

Cuối cùng, có một hệ quả đáng buồn cho những người đang hy vọng vào một điều thần kỳ là: chúng ta, rốt cuộc, nếu thành công trong giải mộng, thì chỉ biết thêm được về chính mình trong hiện tại, một cách đầy đủ hơn, "khách quan" hơn. Nó không hứa hẹn điều gì như số mệnh hay siêu nhiên cả!

3.

Một bộ 3 giấc mơ.

Đây là một ví dụ về việc ghi chép lại một giấc mơ điển hình. Mặc dù hệ biểu trưng là ngẫu phát vì những nội dung là riêng tư, nhưng cũng có thể thấy được mấy nét đặc thù là: những ấn tượng cảm xúc sâu sắc, mãnh liệt được ghi lại bằng những ngôn ngữ hình ảnh tượng trưng - ở đây khá thú vị là những hình ảnh tượng trưng hầu hết được lấy từ những kinh nghiệm từ trước tuổi thành niên, có màu sắc hơi ấu trĩ so với những gì ý thức bình thường lưu tâm, cho thấy sự mạnh mẽ của những ấn tượng ấu thời. Có thể nhận ra dấu vết của một câu chuyện kiếm hiệp (@Hoàng Ly), một chút truyện trinh thám (SlockHom), một bộ phim dựng lại từ truyện của Dumas...Trong cái nền đó có thể thoáng nhận ra những tình thế đấu tranh, loay hoay giằng xé giữa oán giận, trả thù, những thúc bách đạo đức, xu hướng tâm linh, những cảm nhận về hiện tại của bản thân người nằm mơ...(C'est moi) 3 giấc mơ này liên tiếp cùng trong một giấc ngủ chập chờn và thống nhất về nội dung với nhau...


Giấc mơ đầu tiên.


(Không khí như trong điện ảnh, như trong truyện chưởng, như phim cổ điển ma quái châu Âu).

“Đôi trai gái trẻ, yêu nhau – người con gái hình như có mang. Bị một thế lực lãnh chúa xua đuổi. Họ kiệt sức (người con gái gần như ứa máu (nhạt); người con trai gần như đã chết. Mình gặp – trông thấy. Họ cưỡi hai con tuấn mã rất đẹp và có thần lực (một con màu đen (nâu?), của chàng trai, con màu trắng của cô gái).

Rồi hai con ngựa thất lạc nhau. Con màu đen bỏ đi về phía mông lung: đồng cỏ, ven rừng, chân trời. (Bối cảnh đêm mưa gió, sấm chớp huyền hoặc). Bọn người đuổi theo không phát hiện được nữa – cho là đã xong rồi bỏ đi. Con ngựa trắng từ từ đưa cô gái với hận thù và cái thai trong bụng, dưới ánh chớp và bầu trời vần vũ, đi vào một cái hang ma quái (không ai dám vào). Dường như có một thế lực đen tối hắc ám đang chờ sẵn. Mây đen rẽ lòa, mưa ngừng rơi: hé ra một khỏang sáng từ trên trời cao xuống đồng cỏ - huyền ảo, thiêng liêng. Cô gái và con ngựa tiến vào hang: từ trong hang có ánh sáng màu hồng nhạt ma quái hắt ra.

Nhiều năm sau, trong nhà lãnh chúa xuất hiện một con chó màu đen – hoang dã, khôn kinh khủng và thần bí. Mọi người thích nó, mình “biết” nó.

Mình và nó đi săn ở cánh đồng cỏ năm nào. Cũng hơi mưa gió. Nó tiết lộ thân phận và mối hận thù. Mình nhận ra câu chuyện xưa – nó có vẻ là hóa thân của đứa con mới đẻ vào con ngựa trắng – thêm chất hận thù ma quái. Cả đàn chó nhà ùa tới tấn công 2 người (mình và con chó đen). Con chó đen tiến ra trước – mắt ngầu sáng, điên dại và uy lực làm bầy chó kia hoảng sợ chạy đi. (Mình cảm nhận được ánh mắt này). Sau đó, bọn người nhà lãnh chúa đến: thấy đã xong thì hơi ngạc nhiên nhưng không sao. (Mình dường như một kiểu quản gia – một hàng xóm – sống trong khuôn viên câu chuyện nhưng độc lập – và được sự tin tưởng của phía lãnh chúa, lại được ơn của phía con chó đen – vì là chứng nhân của câu chuyện. Mình vừa thân thiện, vừa hơi e ngại năng lực đen tối phá phách và thù hận của con chó đen – nhưng không thể hiện ra). Rồi về nhà mình, hình như con chó đen đã hơi lạm dụng sự thân thiết và tin mình đồng lõa với nó. (Mình có chính kiến và thái độ ôn hòa).

Xuất hiện một chàng trai dễ ưa trong nhà lãnh chúa. (Chính là con chó đen hóa thành).
Chàng ta dắt một người mệnh phụ cưỡi trên một con ngựa trắng (họ giống như những nhân vật trong truyện cổ Châu Âu thời Trung cổ). Mệnh phụ phục sức lộng lẫy và con ngựa mặc áo khoác da màu nâu, chàng trai phục sức kiểu hiệp sỹ. Xuất hiện trong đêm mưa gió, có bầu trời vần vũ mây đen và ánh chớp trên đồng cỏ xa van. Họ đến từ trong hang núi (các linh hồn của các nhân vật đi trả thù – cô gái, con ngựa, đứa con). Sự ma quái và năng lực của con ngựa hình như ở trong đứa con – cô gái tràn ngập hận thù và dự tính cho mọi chuyện.

Họ giả bộ lỡ đường và xin được trú ngụ trong khuôn viên lãnh chúa. Mệnh phụ sống âm thầm kín đáo, kiêu kỳ trong một khu riêng biệt. Con ngựa không còn vẻ thần kỳ nữa (đã truyền sang chàng trai).

Chàng trai đến thăm mình. Mình biết họ sẽ trả thù nên có ý khuyên ngăn. Rồi có lúc chàng trai biến thành con chó đen, lúc là con ngựa trắng, hình như trăng tròn trong đêm mưa gió. Nhà mình ở ven dòng sông nhỏ. Bờ bên kia xuất hiện con ngựa đen năm xưa: vẫn thần kỳ dũng mãnh. Nó nhận ra con ngựa trắng và mình chạy sang – nó vẫn tinh anh và thiện. Có lúc nó hóa thành con chó màu nâu, có lúc thành một người anh em của chàng trai kia. Hai người đang biến hình thành kiểu người thú – người sói. Một người vẫn còn thân thiện, người kia (con chó đen) thì đầy dã tâm trả thù – đang chờ biến hình xong..

Đoàn người lãnh chúa đi vào khu có cái hang, mọi người tiến vào: thấy một bộ xương cô gái (còn xiêm y), một bộ xương ngựa trắng và một bộ xương trẻ con nằm trong bụng ngựa trắng. Ở chỗ trái tim đứa trẻ còn một cục, không rõ hình dạng, đầy mạng nhện, phát ra ánh sáng hồng, phập phồng. Không mấy người để ý và định quay ra. Có một đứa trẻ con vô tình cầm lấy và cắn vào một miếng.

Chàng trai biến hình (con chó đen) chợt đau ở não. Cúi gập người xuống – những móng tay và bộ lông đang mặc dở - nếu miếng kia bị tan ra thì nó sẽ chết. Nó uất ức vì không trả được thù – định nhanh chóng quay về hang động để cứu vãn thì đột ngột giấc mơ chuyển sang cảnh khác...”

“Mình về Quảng Ninh (hình như có anh C). Cô N có ý dỗi – cái khu làm mới có vẻ phải bổ sung – cô định phá ra, mình ngăn lại bảo chỉ cần cắm cọc. Hình như có cả mẹ ở đấy, cả chú H. Chuẩn bị ăn cỗ. Có con chó đen xô tới, mọi người sợ định đuổi. Mình bảo để mình: mình tiến ra, đôi mắt mình ngầu dại, sáng và uy hiếp, những con chó hoảng sợ bỏ chạy. Mọi người ngạc nhiên. Mình cười (hơi kiêu hãnh) vẻ bí mật. Thằng T (con cô N) hấp tấp lanh chanh kể với mẹ nó. Mọi người không hiểu sao, cũng không ấn tượng lắm. Mình úp mở: mình có khả năng huyền bí ấy...”
(Bối cảnh giấc mơ làm mình nhớ đến một giấc mơ : mơ đi Tây Bắc, lại lạc qua Lào, lên một ngọn đồi, thấy khu nghĩa trang liệt sỹ, biết mình lạc đường giữa rừng, rất xa xôi (như sang Trung Quốc). Gặp một nhân vật nào đó; rồi quay lại, rồi đi qua khung cảnh như đoạn QL5 đi Hải Dương, rồi nhà máy gạch giữa cánh đồng, rồi ngôi nhà ven đường...)

Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2009

You think you know me?


1.
Mấy hôm rày pót đều nhưng thực ra là tái bản nên cũng còn lẫn cẫn vài ý tưởng muốn ghi ra. Nhưng xét dưới góc độ hiệu quả tương tác thì không nên làm thế :D Lại nghĩ, đành rằng tự sự là chủ đạo, tương giao hầu hú hoạ, nhưng có thể không phải ai cũng hứng thú với mộng mị, nên chèn thêm 1 đoạn này
. Nói rốt ráo cũng lại là về chủ đề tâm lý con người ta.

2.
Thuở còn mồ ma anh Y360 blog, có một bạn blogger trẻ trong friend list hay để câu blast là "You think you khow me?". Bạn này cũng mê rock nên không loại trừ bạn có ý nhắc đến bài hát cùng tên (do mình cẩn thận vừa search ra thôi) đại ý là: You think you know me. You will never know me. You are lost. And scared. You know what I allow you to know. Sau rốt bạn í còn xoá tiệt blog360 của mình đi nữa. Tất cả những việc này gợi ý và cảm hứng cho mình suy nghĩ về chủ đề này "U think U khow me?", về tất cả những sắc thái có thể có của nó; tới hạn độ thậm chí chẳng liên quan gì đến fact của anh giai kia nữa!

Đầu tiên phải nói ngay: về phương diện triết học hầu như ai có chút phản tỉnh đều có thể nhận ra tâm thế của lời bài hát trên kia còn rất đơn giản. Biết người khác đành là khó thật đấy nhưng tự biết mình còn khó vạn bội! "Tôi là ai?" là một câu hỏi đầu tiên và thiết cốt của mọi triết lý cổ kim. Và người đời chỉ chung nhau được một nhận thức kiểu tương đối luận rằng tôi định nghĩa mình trong quá trình tra vấn và tìm kiếm câu trả lời cho "Tôi là ai?" mà thôi.

Nhưng trong hạn độ đời người ba lăng nhăng, tầm phào thì chúng ta vẫn phải thu xếp để mang máng nhận ra đâu là mình, đâu là người và do vậy câu nói trên kia cũng không hẳn đã tầm phào dễ dãi nếu xét dưới những mô tả tâm lý. Việc chúng ta chưa tự biết rõ mình không chỉ là một sự thắc mắc vu vơ, nó chính là một sự kiện thường trực, một động lực quan trọng nhất của đời người nữa. (Cái vụ này có thể quy về khái niệm sự bận tâm của M.H cho nó sang chăng?). Vấn đề tôi muốn soi rọi ở đây không phải sự vụ "You know what I allow you to know" mà là tại sao đương sự lại phản ứng (gay gắt) như vậy? Cái gì trong sâu xa đã bị đụng chạm đến mức nếu ai đó nghĩ rằng he/she khows me thì là đã xúc phạm tôi ghê gớm đến thế? Thậm chí còn có sắc thái sợ hãi cảm giác bị/được hiểu rõ nữa. Nó có thể là một mặc cảm, một dự phóng lo âu hay còn là biểu hiện của một bản chất của cuộc sống đang vận hành một cách thầm kín? Có thể sẽ vừa là thế này vừa là thế kia.


Xét trước hết là khả năng e sợ bị quy chụp vào một khuôn mẫu và qua đó (đôi khi chỉ là một cách vô thức) có nguy cơ bị thao túng (manipulate) tinh thần. Điều này có vẻ đúng với bài hát trên kia: một tình yêu bị biến thành một mặc ước dựa trên những nền tảng sơ sài. Khi đối phương có xu hướng nhân danh tình yêu để thao túng người kia thì phản xạ "U think U khow me?" là tự nhiên. Điều này hé mở về những vận động tinh thần có tính bản chất hơn: bản chất linh động vô hạn của tiềm năng nhân tính ở mỗi bản ngã.


Tâm lý con người có những điểm mâu thuẫn (hình thức) khá buồn cười. Một mặt anh mong mỏi có một tri kỷ tri âm* mặt kia anh sẽ cảm thấy hụt hẫng, bơ thờ và chán nản nếu cảm thấy nội tâm mình bị soi rọi trơ đáy. Lược quy cái nhu cầu có sự đồng cảm, chia sẻ về mức độ nhu cầu giao tiếp xã hội của Maslow thực tế vẫn chỉ là một sự hoán đổi vị trí khái niệm mà không làm sáng tỏ thêm gì cả vì ngay từ đầu con người trước hết là một con người có tính xã hội nên chuyện nó có nhu cầu giao tiếp (càng lúc càng vi tế) là hiển nhiên. Nói đúng hơn, nó chính là biểu hiện bề mặt của cái cảm nghiệm căn bản của nhân sinh mà Erich Fromm đã mô tả và đặt tên là "cảm nghiệm về sự li cách" mà nhu cầu về một tình bạn hay một tình yêu là một đường hướng lành mạnh để vượt qua sự li cách đó**. Nhưng nếu yêu là một động từ thì một tình yêu đúng phải có những yếu tính của hoạt động (action/active) chứ không phải là những đam mê (passion/passive) như Spinoza đã phân biệt. Một đằng là sự thực nghiệm về những hệ quả chủ động và một đằng là sự thực nghiệm những hậu quả bị động!

Khi bản ngã phong phú và linh động vô hạn (trong khả thể) của anh bị giản lược về một sự hiểu biết (dẫu sâu sắc đặc biệt) của một cá nhân, nó sẽ phản ứng gay gắt trước nguy cơ chết khô tồi tàn trong hữu hạn. Thậm chí nó còn khiến chúng ta chán nản bản thân phờ phạc của chính mình: hẳn nhiều bạn chơi blog đã từng có ý muốn xoá béng tất cả những gì từng viết ra! Trong đường lối của một tinh thần nội tâm lành mạnh và hướng thượng thì phản xạ này là chân chính và nó cũng hé lộ cho ta thấy viễn cảnh vơ váo của một "tình thâm giao tri ngộ" khi phải đối diện với con đường gập ghềnh sinh tử quan đầu của nội tâm (chính mình) vươn tới sự hội ngộ với vô hạn. Vì vậy mà vẻ nhẫn tâm khắc nghiệt của chư sư được các pháp tử khóc ròng lãnh giáo***. Nếu anh muốn khai triển bản ngã nhân tính của anh đến vô hạn, anh không thể nuôi dưỡng bất cứ một ảo tưởng huyễn hoặc nào. Chính anh phải tự mình trải qua và đạt đến. Thâm tình chân chính không chấp nhận sự a dua huyễn hoặc nhau để đánh tráo cảm giác an nhiên tự tại bằng sự đồng loã làm hoà.

Nương vào niềm tin về sự vô hạn khả hữu của nhân tính con người, dẫu có thể vĩnh viễn không biết rõ "Tôi là ai" thì điều đó cũng không ngăn tôi chất vấn "U think U know me? U think U know yourself?" chừng nào cả hai còn ý thức mãnh liệt con đường phải đi, cuộc đời phải sống của chính mình. (Nếu không thế thì sự vụ thật bẽ bàng. Chán mớ đời)
-----------
(*) - Tri kỷ khác với tri âm theo cách tôi quan niệm. Người ta có thể không phải tri kỷ nhưng vẫn là tri âm. Và tri âm mới là cái đáng kể. Một cách đồng điệu, Kim Thánh Thán, Lâm Ngữ Đường, Bùi Giáng đều nhân danh tình tri âm này mà nhận cổ nhân làm Thầy, làm bạn.
(**) - Xem loạt bài về Phân tâm học và tình yêu trong nhãn (label/tags) Erich Fromm của blog này.
(***) - Thiền sử và các giai thoại Thiền rất nhiều câu chuyện như vậy nhất là chuyện Lâm Tế với 3 lần thưa 3 lần ăn đòn. Hoặc như câu chuyện một kẻ cầu đạo phẫn chí đòi tự sát, Thầy nói "làm đi"; trong thời khắc hấp hối, Thầy hỏi "Tự sát thì xong rồi nhưng đã Ngộ chưa?".

-----------

3.
Trong những ngày tháng u ám trầm uất của tuổi 20s, những câu thơ của LQV đã là một điểm nương tựa cho tôi nhiều khi. Nương tựa vào niềm đồng cảm rằng kiếp người tuy mang mang nhưng không hẳn là tuyệt đạo. Tôi đơn sơ lại trong cách nghĩ "Đó là một vấn đề và hãy ứng xử như với một vấn đề: xét fact, tìm kiến thức, hỏi người trước, chia sẻ với người sau. Sống như là đi hái thuốc trong rừng tự chữa bệnh cho mình. Mải miết và chăm chú. Không chấp chước. Không thiên kiến.".

Entry này viết cho 1 người bạn. Cũng có thể là không riêng ai cả. Những điều đó tôi không can dự tới :)

...
Những bức tường dựng đứng quanh tôi
Có những lúc tôi xuôi tay đuối sức

Nhưng từ đáy nỗi buồn tôi thăm thẳm

Một cái gì như nhựa thắm trong cây

Một cái gì trắng xoá tựa mây bay

Là hoa gạo của lòng tôi chẳng tắt

Tôi đập tay lên bức tường lạnh ngắt

Dù tiếng tôi chỉ một người nghe

Tôi phải đốt lên một cái gì

Cho sáng rực giữa chênh vênh vực thẳm
Dẫu bao lần người làm tôi thất vọng

Tôi vẫn yêu người lắm lắm người ơi

Tình yêu tôi như một tiếng chuông dài

Làm run rẩy hoa hồng trên ngực nắng.


(LQV, Có những lúc, 1972)

Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2009

Ghi chép. Những giấc mơ đã mơ. Ba.


1.
Thay đổi nhịp điệu một chút. Ví dụ như trong một giấc mơ của bạn A có kể đến sự kiện bạn ở trong một cái nhà mà rõ ràng căn nhà thì là nhà ở hiện tại còn cái sân lại là sân của căn nhà cũ (hình như của gia đình). Nếu tìm logic thông thường thì ta không thấy có dấu vết gì nhưng nếu trên giả thuyết về phép tượng trưng của cảm xúc thì ta có thể nhìn ra mấy điều: thứ nhất là căn nhà (của bạn A), sân nhà (của bạn A) gắn với một ấn tượng sâu sắc, mãnh liệt nào trong tâm trí của bạn? Nó liên quan đến sự kiện nào trong kinh nghiệm của bạn. Kinh nghiệm ấy mang lại tâm trạng gì? Bạn có thể dựa vào tâm trạng trong chính giấc mơ để liên tưởng lại. Như sự suy diễn ngẫu nhiên của tôi, tôi có thể cho rằng nội dung căn nhà tượng trưng cho ý thức về bản thân hiện tại của bạn, còn sân nhà cũ là liên tưởng về mối liên hệ với quá khứ của bạn, có thể là với gia đình, với những ẩn ức khát vọng về một tương lai nào đó mà bây giờ nó đang tái diễn trong hiện tại của bạn, nó có thể xứng ý, nhưng cũng nhiều khả năng là không xứng ý...Nhưng trên hết ta sẽ thấy trong hình ảnh phi logic đó tiềm ẩn một logic - logic của cảm nghiệm nội tâm. Đây chính là một phát biểu quan trọng của Erich Fromm trong cuốn "Ngôn ngữ bị lãng quên" mà tôi đang sử dụng phần lớn làm minh họa cho sự suy diễn của tôi.

Ngôn ngữ bị lãng quên đó là ngôn ngữ tượng trưng. Tượng trưng, theo một nghĩa chung nhất đó là "đem một cái gì biểu đạt cho một cái khác". Có 3 loại tượng trưng khác nhau: tượng trưng theo tập quán, tượng trưng ngẫu phát và tượng trưng phổ biến.


Tượng trưng tập quán là tượng trưng trong đó giữa vật tượng trưng và vật được tượng trưng ko có một mối liên hệ nội tại nào. Ví dụ như ngôn ngữ thông thường chẳng hạn, giữ từ để gọi và vật được chỉ là không có bất cứ mối liên hệ nào, mà chỉ là chúng ta chấp nhận một quy ước như vậy. Mặc dù có thể trong nguồn gốc sâu xa của nó, có thể mọi từ đều có mối liên hệ ấy, nhưng với chúng ta trong hiện tại thì dấu vết đó đã mất hẳn. Cờ của một quốc gia cũng là một ví dụ về tượng trưng tập quán. Chúng là những qui ước của một tập hợp các cá nhân nào đó mà người ngoài ko hiểu được.

Tượng trưng ngẫu phát giống với tượng trưng tập quán theo lối ngược lại. Giữa hai vật cũng ko có bất cứ mối liên hệ nội tại nào. Chỉ có người nào đã tham dự vào sự việc có liên quan đến vật tượng trưng mới hiểu được ý nghĩa. Cái này rất nhiều ví dụ. Nếu bạn nhận được lời tỏ tình dưới một giàn hoa lý nào đó thì chắc hẳn cái giàn hoa lý có một ý nghĩa quan trọng đối với bạn trong khi người khác không cảm thấy như vậy! Tượng trưng ngẫu phát xuất hiện rất nhiều trong giấc mơ và thường là chỉ chính bạn mới biết được nó liên quan đến sự kiện nào, tượng trưng cho cảm nghiệm gì!

Tượng trưng phổ biến là tượng trưng mà giữa vật tượng trưng và vật được tượng trưng có mối liên hệ nội tại sâu xa. Ví dụ như những tác động của lửa với thân thể chúng ta luôn theo cùng một lối nên thường cùng đem lại những cảm nghiệm như nhau. Chúng ta cũng biết rằng một vật có thể tượng trưng theo nhiều cách khác nhau và có sự thay đổi nhất định của một số tượng trưng qua các vùng, các điều kiện khác nhau. Ví dụ như "tuyết" của người Eskimo thì chắc là khác với của người VN rồi! Nhưng tổng quát lại thì ngôn ngữ tượng trưng phổ biến là ngôn ngữ chung của loài người, của mọi thời đại. Chính nó đã được sử dụng để viết các câu truyện thần thoại và tôn giáo của chúng ta.

* Đây là một mạch khả dĩ của vấn đề ngôn ngữ. Còn rất nhiều những bất cập và thiếu sót, nhưng trong khuôn khổ topic này thì chúng ta chỉ cần như vậy để triển khai tìm hiểu giấc mơ!


2.
(Năm Mỹ đánh A phú hãn)

Một khung cảnh đám giỗ ở nhà quê. Những người đàn ông ngồi uống rượu với nhau lúc cuộc đã tàn. Mấy người đàn bà ở nhà dưới. Mọi người nói về chiến tranh với sự căm thù và phấn khích. Mình nói cái gì đó. Bố ngồi lặng lẽ, thở dài nói "Chiến tranh không phải là một trò chơi" -bố đã từng trải qua. Chuyển sang khung cảnh là một căn nhà đổ nát, mái bằng đã bị sập lộ ra khoảng trời toang hoác. Những chiếc máy bay của Mỹ to lớn bay rất sát mặt đất, mình với vài người ngước lên nhìn thấy rõ những qủa bom. Một vài người dùng súng Ak bắn lên nhưng không ăn thua. Dùng vũ khí mạnh hơn thì sợ tất cả sẽ nổ tung. Mọi người căm phẫn. Không gian âm u và ngột ngạt. Bỗng chuyển sang khung cảnh một bến sông, trời mưa gió tầm tã. Những người đàn bà đang tiễn con mình đi ra trận. Những đứa trẻ bằng tuổi em mình, vừa chơi trò chơi đuổi bắt bên mé rừng rồi bỗng nhiên bị gọi đi. Một số đứa bị lùa sang phe bên kia. Bỗng gặp mẹ, nói thằng em mình cũng phải đi. Nháo nhác tìm kiếm. Chúng nó có biết gì. Mai kia lại quay súng bắn vào nhau. Những chiếc xà lan (của Nato) chở lính bắt đầu đến. Mình bỗng nhiên oà vỡ, khóc như mưa như gió. Bất lực hoàn toàn và rất trớ trêu. Vô nghĩa...

Ghi chép. Những giấc mơ đã mơ. Hai.



1.
(tiếp) "...Rồi thì thế nào chúng ta cũng phải có những ý niệm căn bản về những thứ như cơ cấu tâm thần, mối liên hệ giữa thân và tâm, thực tại, hiện tại ngoại giới và các bản năng....Những khái niệm này đều vay mượn từ PTH phương Tây, nên khi chưa trình bày chặt chẽ thì sẽ có rất nhiều vênh váo, nhưng cứ để cho nó là như thế. Trong một cuộc đối thoại, nếu nhìn chăm chú vào vấn đề thì những hạn chế thiếu sót của một hệ thống đôi khi còn nói cho ta biết nhiều hơn là chính những gì nó cố gắng diễn đạt. Ở đây chỉ chen ngang một nhận xét là có vẻ các nhà PTH trong khi chăm chú soi xét tâm thần người bệnh thì họ lại bỏ quên khái niệm thế nào là "bình thường", chưa kể đến thế nào là "khỏe mạnh". Vì vậy cõi vô thức/ý thức/tiền ý thức...trở nên bí hiểm chập chờn lạ kì! Nếu trung thành với vấn đề và phương pháp, có lẽ ta sẽ có được những góc nhìn tốt hơn để đến với triết học ngôn ngữ hay như Duy thức tông hoặc Thiền định chẳng hạn...

- Có một câu hỏi là: Cái gì là khác biệt lớn nhất giữa trạng thái ngủ và trạng thái thức? Trả lời được câu hỏi này sẽ có được manh mối tìm ra nguyên nhân tại sao ta lại mau chóng quên đi những giấc mơ như vậy? Tại sao nhiều khi giấc mơ lại là những ấn tượng kinh hoàng khó chịu đến như vậy...Và ta có cơ sở cho một phương pháp thao tác với giấc mơ.

Có nhiều ý kiến khác nhau về câu trả lời. Ở đây tôi đi thẳng vào kết luận làm nên phương pháp mà chúng ta sẽ sử dụng. Sự khác biệt căn bản nhất là: ở trạng thái tỉnh thức, chúng ta tồn tại trong trạng thái đối đầu với hiện tại bên ngoài, điều đó qui định phương thức tư duy và phát động các hành động của chúng ta. Ở trạng thái ngủ, chúng ta "không biết đến" hiện tại bên ngoài ta nữa. Tinh thần (tôi tạm gọi để ám chỉ cái toàn thể của hoạt động tinh thần con người, kiểu như Tâm vậy, nhưng Tâm có một logic khác nên chưa đề cập ở đây) vẫn hoạt động với một thực tại khác - thực tại nội tâm của chúng ta. Tất nhiên vẫn phải kể đến những tiếp xúc được duy trì ở mức tối thiểu với hiện tại bên ngoài và cũng không loại trừ những chi phối kích động từ bên ngoài hiện tại vào thực tại nội tâm của ta.

Hệ quả của luận điểm này là gì? Nó chỉ ra rằng khi thức tỉnh tâm trí chúng ta vận hành theo cái cách thích nghi với cách mà hiện tại chi phối chúng ta, theo logic của không gian và thời gian. Chúng ta tư duy theo cách mà chúng ta sẽ có thể thao túng vào hiện tại. Chúng ta có thể tưởng tượng nhưng vẫn tưởng tượng theo lối đó. Ví dụ như ta có thể nghĩ "Nếu tôi là hắn.." nhưng trong giấc mơ, ta chỉ đơn giản "thấy" rằng "tôi là hắn..". Trong giấc mơ chúng ta không bị logic của không gian và thời gian chi phối. Điều này phổ biến đến mức không ai phải phản bác gì cả.

Nếu tập trung vào các sự kiện trong giấc mơ, ta nhận thấy chúng đều là những hình ảnh đi kèm với ấn tượng cảm xúc mạnh mẽ. Ngôn ngữ của giấc mơ là ngôn ngữ của cảm xúc được biểu tượng qua các ấn tượng tri giác mà kinh nghiệm của nó đã lưu lại. Tất nhiên có thể đặt câu hỏi về hiện tượng những hình ảnh kỳ quái, những thứ chưa thấy bao giờ..chúng từ đâu đến? Còn nữa, nếu giấc mơ có logic, vậy thì ý hướng của nó là gì? Cái gì đã chi phối thúc giục nó? Ta cứ để những điều này sang một bên hẵng. Ở đây bắt đầu xuất hiện nhu cầu minh bạch về cơ cấu tâm thần: chỗ nào cho ý thức, cái còn lại là gì, cảm xúc để ở đâu, ý chí...chúng phân chia nhau hay chúng là những tầng lớp khác nhau, hay chúng là những mặt khác nhau của một thực tại duy nhất mà hiện tại chúng ta phải chấp nhận như khi chúng ta gặp phải nan đề lưỡng tính sóng-hạt? Về điều này quả là các nhà PTH có cố gắng nhưng có vẻ không được hiển ngôn cho lắm, nên tôi cũng áp dụng chiến thuật của họ, đi vòng để nhòm trộm vào tâm thức!"

2.
Gặp một người bạn, cố gắng giải thích cho anh ta về Thiền nhưng không được. Thấy mình đang lên một dốc núi rất dốc bằng một chiếc xe tải. Dọc đường có những thiền sinh mặc áo màu xám bạc đang đi lên. Họ đi khó khăn vì chân buộc những cái xích rất to đeo theo những qủa tạ tròn và còn giăng với nhau. Chiếc xe tải rất khó điều khiển. Một bên là vách đá dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm. Có nguy cơ xô vào các thiền sinh vì đường hẹp, buộc lòng giật mạnh tay lái vào bên trái, phía vách núi. Xuống xe đi một lúc thì gặp một vị sư quen biết. Thầy ta nói sẽ dẫn lên núi gặp một người. Đi theo lên đến nơi, trong một khuôn viên thì tự nhiên thấy mình đứng một mình. Một vị sư già đi ra, hình dung cổ quái. Nghe loáng thoáng mọi người nói ông là Long Thọ. Ông nhìn mình. Mình kể lại chuyện lên núi. Ông cười "Việc tu Thiền là chuyện đối diện với sinh tử".

Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2009

Cần giúp đỡ

Em đang cần tìm hiểu thông số kỹ thuật chính về cái nhà điều hành kỹ thuật của một nhà máy điện gió công suất khoảng 50MW mà chưa tìm ra manh mối nào. Có thằng Fuhrlander của Đức đã vào VN nhưng toàn tìm được thông số tua bin. Bác nào đi ngang thấy có thông tin xin chỉ giúp. Em xin, em cảm ơn :D

Thứ Năm, 24 tháng 9, 2009

Ghi chép. Những giấc mơ đã mơ. Một.

Enso - Đông Lãnh Viên Từ

1.
Nhân chủ đề mộng mị và comment của bạn Chrys, tái bản (@aka GM) lại mấy biên bản lập ngày trước những lúc tỉnh mộng. Toàn những chuyện hơn mười năm tình cũ cả. Mỗi lần sẽ gồm 1 đoạn dẫn giải và 1 giấc mơ.

2.
Trích 1 đoạn từng viết trên 1 forum về cách ghi lại một giấc mộng.

"
- Trước hết là chúng ta phải quan niệm đúng về khái niệm giấc mơ khi 2 người nói chuyện với nhau. "Giấc mơ" ở đây là giấc mơ được người nằm mơ kể lại. Có nghĩa là ngay cả khi người nằm mơ hoàn toàn nghĩ là mình đang kể đúng những gì diễn ra thì thực ra bản thân họ cũng biết có rất nhiều điều đã bị giản lược, hay đúng hơn họ vừa bị đẩy ra khỏi ký ức về nó vừa bất lực trong việc sử dụng ngôn từ để diễn đạt những gì đang diễn ra.

Vậy tất nhiên cái chúng ta hướng tới là giấc mơ thực sự chứ không phải là cái chúng ta đang tưởng là giấc mơ. Huống hồ bản thân giấc mơ chân thực lại chứa rất nhiều những tượng trưng, chuyển di, thay thế...vừa mơ hồ vừa phi logic. Vì thế để có được một tài liệu sát với kinh nghiệm nhất, điều đầu tiên là chúng ta phải làm sao sao chép lại ký ức về giấc mơ càng đúng càng tốt. Dĩ nhiên là ngôn từ ở đây hơi lủng củng với những khái niệm này rồi. Tạm để như vậy đã.

Điều cần làm là gì? Ngay khi bạn vừa nhận ra là mình vừa nằm mơ thì hãy đừng làm gì thay đổi tư thế, trạng thái của bạn vội, giữ cho đầu óc lơ mơ ngái ngủ chập chờn một chút, thả lỏng tâm trí và nhẹ nhàng hồi tưởng (không được cố gắng) lại những cảm-xúc vừa trải qua. Các hình ảnh, sự kiện sẽ loáng thoáng hiện qua trong tâm trí. Nhưng đừng tập trung quá vào một chi tiết nào của giấc mơ vì sẽ có nguy cơ là nhớ được một thứ thì sẽ quên tất những thứ còn lại. Cái quan trọng là gì? Đấy là các hình ảnh đi kèm với cảm xúc/ấn tượng của bạn. Nhớ là các ấn tượng và cảm xúc, tâm trạng...

Sau đó tất nhiên là vơ lấy giấy bút, mắt nhắm mắt mở cố gắng nguệch ngoạc những gì đã diễn ra cả hình ảnh, cả tâm trạng, cả liên tưởng bất chợt...Xong bước đầu tiên!

Điều chúng ta vừa làm là một kiểu của phương pháp tự do liên tưởng, khi nó được sử dụng giữa nhà phân tâm và bệnh nhân thì sẽ rất khó khăn để phân biệt thực giả, nhưng làm với chính mình thì khá dễ dàng vì với chính mình chúng ta ít đề phòng hơn, ít có phản ứng kháng cự hơn. Tất nhiên, phải là lúc chập chờn nửa mê nửa tỉnh. Tỉnh rồi thì cũng cứng đầu lắm, không thừa nhận cái gì mấy đâu!
"

3.
“Một bối cảnh có màu, như phim Mỹ vậy. Một hoàn cảnh ứng xử: một cô gái gặp khó khăn gì đấy, mình tiến lại với ý định giúp đỡ-bị hiểu lầm là định tấn công (hình như lúc đấy, bộ dạng mình giống một kẻ lang thang, hippy), cô gái kêu cứu (có người bà của cô ta gần đâu đó). Họ gọi cảnh sát, xe cảnh sát xô tới. Mình sợ, bỏ chạy qua một lối đi tựa như hàng cây trong công viên rồi dẫn đến một khung cảnh khác..

..Một con đường đất nhỏ dọc qua triền cỏ rộng, phía trái là triền sông: có bãi dâu và 3 bà cụ hiền từ đang nhặt trái. Mặt đường đất hơi nâu đỏ, phơn phớt trắng (mình vẫn đang chạy, vừa tới thì dừng lại). Mình ngó 3 người. Một bà cụ như biết mình có điều muốn hỏi, tiến ra hỏi (hai người kia mình tự biết là họ sẽ không nói gì với mình, không có ý quan tâm đến mình). Không hẳn là bà cụ hỏi mà như là tiếp tục một câu chuyện dang dở với mình lúc này đang băn khoăn..”Cháu lên núi thì đi lối này”-cụ chỉ về phía trước của con đường (mình còn nhìn rõ khuôn mặt hiền từ, nụ cười cảm thông và cả giỏ dâu nữa). Bà cụ đi cùng mình, ngang qua một đồng cỏ úa vàng hơi xơ xác như ở sa mạc-có một bầy mèo (rõ ràng là sư tử mà lúc ấy mình chỉ thấy là những con mèo to như sư tử)-Những con bố mẹ nằm chơi khoan thai, còn lũ con thì vẫn nhỏ như mèo thôi (quả thực chúng là sư tử và những con mèo long vàng trắng). Mình e sợ, dù cũng hơi vững tâm vì có bà cụ bên cạnh, bà cụ hiểu ý, nhìn mình cười nói “Mình không có ác ý thì không sao”, rồi bế một con con lên và bảo mình thử. Mình rụt rè đưa tay chạm vào lông của nó, khẽ vuốt ve (trong lòng có đôi chút âu yếm). Rồi thôi. Bà cụ cười, thả xuống rồi đi tiếp cùng mình lên phía trước-một triền đất dốc, là bìa rừng với bãi đá lởm chởm. Từ phía rừng sâu (âm u, hoang sơ) có những con thú chạy ra: gồm lũ thỏ và lũ trăn rắn, lớn bé khác nhau.. đủ loại (có con vằn vện). Lúc đầu bình thường. Mình còn hơi vững tâm vì đã có kinh nghiệm lúc trước và có bà cụ bên cạnh. Bà cụ nhìn mình như khuyến khích thử chạm vào lũ rắn: “Cứ coi nó như mình thì sẽ không sợ gì cả!”. Nhưng mình không dám thử. Bỗng nhiên, lũ trăn rắn chuyển động loạn lên và săn đuổi lũ thỏ. Chúng chạy nháo nhào, loăng quăng vào phía chân mình. Mình hoảng. Bà cụ nói “Mình không đụng đến nó thì nó cũng không đụng đến mình đâu!” Nhưng mình không còn tin mà làm theo được, vội cầm lấy một que tre nhỏ (màu vàng khô) vẽ một vòng tròn quanh mình với niềm tin là sẽ ngăn cách được. Nhưng vòng tròn không hoàn hảo và có một con rắn đã vào. Mình bỏ chạy-vẫn còn nghe tiếng bà cụ vọng theo “Nếu chạy thì chạy cho mất dấu đi”. Những bước sải rộng, hơi hẫng-mình chạy ngược lại con đường-giống hệt như 1 cảnh quay ngược. Khung cảnh cũ vẫn bình yên, 2 bà cụ, lũ mèo (sư tử) bình thản nhìn mình. Rồi con đường, rồi lại khung cảnh thành phố, cảnh sát, cô gái, bà già…(Đoạn đầu khung cảnh sáng sủa, con đường hơi sẫm, cánh đồng xanh bình yên, khu bìa rừng xám xịt, u ám).



Nhà trọ trần gian. Một huyễn tượng.


1.
Không hiểu sao thỉnh thoảng lại mơ như thế, cảm giác mãnh liệt là mình còn có 3 căn nhà trọ (thời sinh viên) mà mình đã bỏ lãng quên như thế nào đấy không quay lại sau 1 thời gian ngắn ngủi. Những căn nhà trọ này hầu như có thậtở những khu có thật :( nhưng không tài nào nhớ ra ở đâu.

Chỗ thứ nhất là một căn hộ chung cư cũ hình như có gác xép hay 1 chỗ lấn chiếm ngóc ngược lên nào đó ở mạn trường ĐH Công Đoàn. Phải đi qua 1 lối ngách hẹp, hình như ông già sửa (gửi) xe đưa mình vào (căn hộ của ông). Trên tầng 2 hay 3, 4 gì đó. Hình như là tầng 2. Như thể mình đã ở vài ngày rồi đi mất.

Chỗ thứ hai là một cái nhà cấp 4 mái prô ximăng loại dành cho sinh viên trọ ở đâu đó mạn Kim Liên, thậm chí là ngay Chùa Bộc, gần chỗ mình ở cũ. Sao vẫn nhớ mình nhường điều gì đó có lợi cho 1 đôi trẻ (anh em, vợ chồng, yêu nhau sắp cưới?) một nam một nữ. Mình ra đi nhưng vẫn giữ quyền quay lại hay sao đấy. Còn nhớ là nó quay lưng lại 1 cái hồ nhỏ.

Cuối cùng là một căn nhà cũng chung cư trên tầng 2 và ở cuối đầu hồi. Nhớ cảm giác giữa chiều ra ban công nhìn về phía Nam, có cái dây điện để phơi màu đen giăng ngay trước mặt. Thậm chí như là mình đã mua (lol) chỗ đó một phần nữa.

Chắc chủ yếu là do những lần đi xem nhà trước đây. Có 2 đợt đi xem nhà nhiều: một lần để chuyển chỗ ở nhằm chống trầm cảm và một lần để chuẩn bị mua nhà. Đặc biệt là lần đầu, rất nghi ngờ trong óc mình có vài chỗ còn lõm bõm mơ hồ do mấy tháng ngủ mê mệt hồi đó :) Hậu quả là cõi đời cõi mê cứ hư hư thực thực. Cũng không loại trừ khả năng mình hồi đó có đi xem 1 căn nhà (thứ nhất) thực, hình như còn đóng tiền đặt cọc nữa, rồi bỏ.

Nhưng quả thực có những chỗ dù đã đi đi về về vài tháng rồi vẫn quên cả đường vào khi định quay lại "xem 1 tý". Đó là mấy chỗ vợ mình trọ trước đây. Nó nằm trong vùng trí nhớ ngắn, chuyển đi là quên luôn. Tính ra cũng trên dưới chục năm rồi còn gì.

Cũng có những căn nhà trọ thời còn ở một mình hồi sinh viên mà chỉ đến thuê lấy chỗ, trả tiền, vứt cái túi quần áo vào để một tháng sau quay lại chuyển nhà tiếp. Có căn nhà trọ chung với em trai như chỗ trên khu chung cư ở đường Trần Quốc Toản, thậm chí còn chưa ngủ lại ngày nào mà chỉ đáo qua lại vài lần. Lúc thì vì chủ yếu la cà chỗ bạn trọ, lúc thì vì chủ yếu ở luôn chỗ thuê làm văn phòng của mấy thằng hồi sinh viên đi làm thêm!

2.
Cũng có những giấc mơ khác trở đi trở lại vài lần giống hệt nhau mà cảm giác rất mạnh và như thật. Đó là 1 giấc mơ cũng về 1 căn nhà trọ giữa làng gần chợ nào đó với 1 chủ nhà là 1 cặp vợ chồng trẻ (dân làng). Hay như giấc mơ về đường lên chùa Hương đi qua những chỗ rất cụ thể, chi tiết mà rất lạ. Tỉnh dậy nghĩ mãi mới ra nó liên quan đến chỗ nào. Thậm chí có lần còn vẽ lại tuyến đường đã đi qua vì nó cụ thể quá. Và lạ quá.

3.
Lúc nãy, trong bóng tối mờ của thời điểm 2-3 giờ sáng tờ mờ này, mình có cảm giác thoáng qua như thể mình thuộc dạng tâm thần phân liệt có 2 cuộc sống liên hệ nhì nhằng với nhau. Lạy giời đừng có thế chứ :D

Nhân vừa rồi đọc lại mấy ghi chép về giấc mơ trong label "maya" này thấy thỉnh thoảng những giấc mơ cho ta những ẩn dụ thú vị khá hóm hỉnh ^^

Thứ Ba, 22 tháng 9, 2009

Ngày ung ủng

1.
Cũng kiểu thời tiết này, đã có thể là một ngày lãng mạn. Nhưng bỗng nhiên như một vụ tai nạn nhỏ, ngày hôm nay có tâm trạng ung ủng như bầu trời. Sẽ chẳng bói ra một lý do gì ngoài một kiểu chu kỳ tâm lý (nghe như đến kỳ đến tháng vậy - lol).

Nghe bài hát, nghe lại giọng hát của Ngọc Tân. Chợt nhớ đến cái chết của các giọng ca. Cuộc đời có thể nhàu nhĩ, buồn nản. Nhưng những giọng hát có cuộc sống riêng. Trước và sau cũng thế thôi, với người nghe như tôi. Cảm giác nghe giọng hát của một người đã chết vẫn buồn buồn vô lối. Có thể tại cuộc đời anh ta cũng buồn buồn như vậy.

2.
Chèn vào 1 bài thơ của Lưu Quang Vũ cho hợp cảnh. Buổi chiều xám và ca sỹ đã chết.

Quán cà phê ngoại ô
LQV


Quán cà phê ngoại ô
Căn nhà gỗ bộ ghế bàn thấp nhỏ
Mảnh vườn tối với những pho tượng cổ
Bức sơn dầu đã cũ
Nắng chiều phố vắng ven sông
Ông chủ quán gầy bạc phếch chiếc quần nhung
Cô con gái mắt đen dài ngơ ngác
Cái máy hát ở góc phòng khẽ hát
Phơ răng xoa Hác đy
Cô danh ca người Pháp giọng trầm khàn
Cháy trên lò tí tách ngọn lửa xanh
Khi mưa đổ bất thần ngoài cửa sổ
Mười bảy tuổi chúng ta thường tới đó
Nói rất nhiều về những cửa biển xa
Cái tuổi trẻ ồn ào mà cay cực của ta
Trước ngưỡng cửa cuộc đời mênh mông khu rừng tối
Vừa quyến rũ vừa phập phồng lo ngại
Như anh điên trước quán tóc bù xù
Cứ mỉm cười bí hiểm dõi nhìn ta

Nay một mình trở lại ngoại ô mưa
Lụp xụp quán cà phê ngày cũ
Chiến tranh mãi bạn đã nằm dưới mộ
Em nơi nào trong tít tắp chia xa
Ông chủ quán đã già
Mặt vàng vọt và tay xương run rẩy
Cô con gái vẫn ngồi trong bóng tối
Đã có chồng và tay đã xấu nhiều đi
Chiếc máy hát rè rè
Bài hát cũ nghẹn không thành tiếng được
Cô danh ca nghe nói giờ đã chết
Và bức tranh màu nắng đã phai sơn
Anh đã đi dằng dặc những ngả đường
Những rừng tối mịt mù muỗi độc
Điều anh có không giúp gì ai được
Gương mặt em chỉ còn là kỷ niệm
Mối tình xưa anh cũng đã quên rồi

Quán cà phê chạng vạng khói bay
Mùi khói cũ cay xè con mắt
Ngồi quanh bàn giờ bao người lạ khác
Cãi ồn ào những chuyện làm ăn
Chỉ anh điên vẫn đứng sững ngoài đường
Thân tiều tuỵ ôm mặt cười lặng lẽ.

1972

3.
Này thì ông chủ quán này.

(...)
Ông chủ quán gầy gò mắt trố hay ngồi thu lu, co cả hai chân lên ghế bên chén rượu, trong cái quán nước bên sông. Cười mãi điệu cười lành lành, tinh quái. Có những con thuyền thường cập bờ bên kia. Chở cát và những thứ tương tự. Ước ao của tuổi thơ tôi. Một nỗi ước ao thật riêng tư và thầm kín – được lên những con thuyền ấy mà xuôi ngược theo dòng sông. Biển cũng lạ lùng như đầm lầy trong rừng sâu vậy. Những buổi chiều mùa thu mù sương, khói đồng vảng vất. Con thuyền là nỗi nhớ nhung khôn nguôi. Ước mơ một lần nằm duỗi mình trên sàn thuyền, nhìn qua khe mà ngó những bàn chân trần dẫm dẫm dọc mạn thuyền.

Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2009

Một khoảnh khắc

Ảnh: Những đồi chè trên cao nguyên Mộc Châu. By DPEA06
Có những bài thơ đọc 1 lần, thậm chí không nhớ tên, nhưng lại thường xuyên trở về trong trí nhớ, dẫu nhìn kỹ cũng chẳng có gì đặc biệt.
Đành nhủ lòng, đó là một khoảnh khắc.

-------------------------

“- Tôi ơi, tôi từ đâu về đấy?

- Vâng, tôi vừa chạy mê bên những cánh đồng làng

Cùng chú chó con đuôi xoè như bím tóc

Tôi tìm tuổi thơ, đôi bàn chân xơ tướp

Chỉ gặp đồi hoang và những cánh diều

- Tôi ơi, hình như ai đang gọi?

- Ồ không, tôi đang hát với bạn bè tôi

Những dế mèn khúc lãng du lá cỏ

Ngày râu tóc lan man rêu thành cổ

Bóng tháp Chàm trầm mặc mấy mùa trăng

- Tôi ơi có ai vừa qua?

- Gió đấy thôi mùa thu và tiếng kẹt cửa

Trả tôi về hun hút một men sông

Tôi trong veo nhìn tôi ám bụi

Tôi bộn bề nhìn tôi rỗng không

- Tôi ơi về đâu thế?

- Thì tôi về gieo gặt cánh đồng tôi

Nghe tiếng hạt cựa mình trong đất ẩm

Rồi thảng thốt, tôi nhìn tôi lạ lẫm

Rồi trong mơ tôi gặp những mùa vàng

- Kìa tôi ơi, gì lãng đãng như sương

- Là khói ấy, lá vườn hoang tôi đốt

Gọi chim về khơi một tiếng chuông ngân

Là tôi ấy, ánh ngày lơ đãng tắt

Chợt ngước nhìn, trước cửa một vầng trăng”.

(Hương Đình)

Thứ Tư, 16 tháng 9, 2009

Ghi chép dọc đường - Đà Lạt. DALAT

- Đồng cỏ khô ở Bình Thuận -


Dat allis laetium allis temperriem -
cho người này niềm vui, cho người kia sự mát lành*.

1.
Sáng đọc thấy tin liên quan đến một dự án ở Đà Lạt. Có vẻ một lần nữa Đà Lạt lại được đem ra chạm trổ theo kiểu trang trí. Tôi thấy hơi tiếc vì đã từng làm concept một lần cho khu vực này cách đây gần 5 năm. Dự án không triển khai được vì nhiều lý do nhưng nguyên nhân chính vẫn là ở sự mâu thuẫn giữa nhu cầu đầu tư một khu công viên công cộng với những toan tính vụ lợi của các chủ đầu tư thiếu tầm. Đà Lạt cũng như Huế là một trong những nơi hiếm hoi các vị giám đốc Sở chuyên trách đứng lên phản đối cả chủ trương của Tỉnh nếu nó có nguy cơ làm hỏng tinh thần nơi chốn của địa điểm. Với những vấn đề phức tạp của đầu tư, đôi khi người ta có thể đợi được, vì 5 năm là một nhiệm kỳ. One man one vote, chỉ là giấc mơ DALAT trong tôi đang thoáng hư hao.

2.
Làm thế nào để có thể thâm nhập vào tinh thần của một vùng đất khi còn chưa đặt chân đến đó? Làm thế nào để có thể chia sẻ những ký ức cộng đồng với những cư dân bản địa. Cần vượt qua cả những lối mòn mang dáng vẻ văn hoá đã xói mòn để tìm về với những căn cốt nguyên sơ của vùng đất, thứ ký ức mơ hồ bàng bạc trong đất trong cây.

Khi yêu nhau người ta thường muốn khắc ghi những dấu ấn. Kỷ niệm của tình yêu dù là nét hồi tưởng âu yếm hay vẻ sầu muộn khắc khoải đều khiến người ta muốn trở lại. Một địa điểm cần được cảm nghiệm và trân trọng tinh thần nơi chốn của nó, và con người cần được dẫn dắt để bắt lại nhịp điệu của đất. Sẽ vừa hay biết bao nhiêu nếu tạo được những trải nghiệm tinh thần cho du khách theo hướng đồng điệu với vẻ đơn sơ thoáng đạt đến nao lòng ở nơi mà cả những buổi chiều cũng nghiêng nghiêng.

Cái nền chung của vùng đất này với tôi là sự nguyên sơ trữ tình thanh thoát. Những con đường vừa phải khuất khúc ven những nếp đất và những vạt thông già. Những mảng sương nước lếnh láng theo những nhịp đồi. Người Pháp đã chặn lại dòng suối để dâng thành mặt nước hồ Xuân Hương (không nên nhầm thành nữ sĩ họ Hồ đâu ạ - do đó cũng không phải tụ điểm của các Bà Huyện như người ta đã trót lầm nữa). Cùng với việc đặt sân golf đồi Cù, khoanh vùng không xây dựng quanh khu trung tâm hồ nước và nhất là phác thảo những điều lệ quản lý xây dựng khu biệt thự, người trước đã vạch ra những nét lớn vừa thoáng đãng vừa tinh tế cho viễn cảnh một vùng đất. Đáng tiếc không phải nhà quản lý nào cũng có thể chia sẻ được những thang bậc giá trị mơ hồ này.

Thế là không chạm đến được giấc mơ lang thang trong đường hầm Chếnh Choáng của những men vang, bắt chuyến xe phù thuỷ lạc vào xứ Thượng giữa lòng đất nghe kể những sử thi của xứ sở.

3.
Tôi đã đứng rất lâu bên cạnh chiếc Đại Hồng Chung trên đỉnh Phượng Hoàng. Muốn đấm một tiếng vang buốt lồng ngực nhưng mọi thứ nghẹn lại bải hoải. Tôi phải lựa chọn và đã lựa chọn: một mảy vọng niệm cũng không cầu. Đà Lạt trong tôi còn là một buổi chiều không khốc đó.
------------

(*) - Câu ghi trên phù điêu chợ Đà Lạt bằng chữ La tinh, nhiều người nhận là nguồn gốc tên của thành phố thay vì là một trò chơi chữ từ cái tên ĐL.


Thứ Hai, 14 tháng 9, 2009

Ghi chép dọc đường - Sài Gòn. Mộc Châu: phía sau núi lại có chân trời.

by Stephane

1.
Sau khi xác định là không còn công việc nào phải làm nữa là tự nhiên người chùng ra, mệt nhũn. Cả đêm hôm qua vật vờ lơ mơ nửa thức nửa ngủ. Không yên lòng. Ba đêm ở trong này thì một đêm ngủ trên xe, một đêm ngủ trên ghế văn phòng và chỉ một đêm được ngủ trên giường. Đáng được an ủi thì là vì đó là một đêm trăng muộn, ngủ trên nhà sàn giữa thảo nguyên.

Ba ngày chạy xe ngót nghìn cây số. Nhưng thà như thế còn hơn mấy chục phút tắc đường làm quà của SG. Sao người dân ở đây có thể chấp nhận những cái lô cốt lâu đến như vậy. Tư cách lãnh đạo quản lý thành phố kiểu gì cà chớn quá dzậy ^^

Nhưng SG thật đông vui và năng động. Lần sau sẽ cố gắng thu xếp để có thể la cà được chút chút. Tối bay về HN. Tạm biệt SG.

2.
Thêm 1 mẩu chuyện về thảo nguyên. Những đồi chè san sát của cao nguyên Mộc Châu cũng có thể tính là một cảnh đẹp sững người cho những tay nhà quê đồng bằng như tôi. Kỷ niệm và ấn tượng về Mộc Châu hơi nhạt nhoà. Có lẽ vì đã đến đây nhiều lần. Cũng có thể vì những dãy đồi bát úp chưa đủ bát ngát và đường chân trời lại bị vây bởi những rặng núi cao. Không nhìn thấy chân trời thì còn có thể nuôi dưỡng vài ba ảo vọng để sống qua ngày. Nhưng nếu chân trời rốt cuộc cũng chỉ là một ảo tưởng hư hao thì đời nhiều khi cũng là một gánh nặng khôn kham.

Tôi khóc những người bay không có chân trời
Và khóc những chân trời không có người bay
(TD)

Bạn ạ, lỗi không phải tại những chân trời, chân trời chỉ là nơi mặt đất nhẫn nại cho ta biết đâu đâu cũng thể quê xưa chốn cũ. Hãy để bàn chân trần lấm đất và rong chơi. Ta lại có thể đùa vui về những chân trời mê mải. Sống không phải là hoặc thế này hoặc thế kia. Sống hình như là vừa thế này vừa thế kia mà thôi.

3.
(...) Cả một cảnh đời băng giá dưới ánh trăng huyền diệu của văn chương đã được Tố Như giăng giăng phơi trải…Và mọi chúng ta, bước trên con đường bon chen của cuộc sống, dừng lại, đưa mắt bâng khuâng. Thanh thản chợt về lại tâm hồn. Ta soi lại bóng mình. Và thấy lòng yên dạ: cuộc sống vẫn là xô bồ, nhưng bên kia cái xô bồ còn lung linh một bóng hình diễm ảo: cứu cánh của đời thì ra không phải chỉ có lợi, danh, tình…nhưng của phù phiếm ấy có nghĩa gì giữa cuộc sống phù du? Nếu người không biết để lòng mình dạt dào trong một nỗi cảm thông nào cùng trời đất, mà nghìn năm cây lá vẫn ngân vang:

Con là sáo, mẹ là ngàn vạn gió,
Mẹ là trời, con là hạt sương rung
…”
(XD)

Kiều đã sống một cuộc sống giống chúng ta. Nàng đã đau khổ. Như mọi chúng ta thôi. Nhiều hơn một số, và ít hơn một số. Nàng tỏ ra có thiện chí ít nhiều, và nhiều lần tội lỗi. Đời nàng tầm thường là hình ảnh kiếp người tầm thường. Nhưng khi kể lại đời nàng cho ta nghe, Nguyễn Du đã có một giọng điệu nhặt, khoan, trầm, bổng thế nào, và đã làm sáng ngời bài học luân lý. Chúng ta cảm động. Khi lặng nghe Nguyễn Du chậm rãi giọng lời, chúng ta thấy bên kia tối tăm, một kiếp người đang vùng vẫy. Trong tâm khảm ta, từ nay hình ảnh ấy sẽ in sâu, rõ nét, đậm màu. Vì bên tai ta luôn luôn văng vẳng giọng Nguyễn Du. Con người nhỏ bé trong tác phẩm đã cho ta một bài học lớn. Chúng ta thầm tạ ơn tác giả. Giá trị luân lý của Đoạn trường tân thanh không do những hành động vụn vặt của Kiều, mà do lời thuật chuyện của thi nhân, lời đây không phải là lời văn, mà là giọng nói của một tấm lòng. Lời nói mang nặng biết mấy tâm tư: tâm linh của người dân Việt hội tụ lại ở đây, một lần duy nhất: trong sáng hơn ca dao, thâm thuý hơn tôn gíao, diễm tuyệt hơn văn chương, vì cái giọng não nùng của một kiếp sống dở dang trong dòng đau thương của thế kỉ. Dở dang mà không gì nguyên vẹn cho bằng.

(Bùi Giáng tuổi trẻ bình Nguyễn Du - "Giá trị luân lí của Đoạn trường tân thanh hay là Tiếng nói của Nguyễn Du". Ai muốn hiểu BG một cách đơn sơ hơn nên tìm đọc tập sách mỏng này. Lạ là mãi chưa được tái bản)